Vợ chì chiết khi chồng uống rượu say có phải là bạo lực gia đình?

2022-09-08 16:45
- Góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Minh Đức đề nghị làm rõ hơn khái niệm "bạo lực gia đình".

Sáng 8/9, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) nhận định, những quy định trong dự thảo có thể sẽ không phù hợp nếu áp dụng vào gia đình truyền thống tại Việt Nam, thường là tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, mỗi thế hệ có nhu cầu, sở thích, quyền được tôn trọng khác nhau.

Vị đại biểu Quốc hội này dẫn chứng, theo điểm a, khoản 1, Điều 3 trong dự thảo, hành vi bạo lực gia đình được quy định là "Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng".

Vợ chì chiết khi chồng uống rượu say có phải là bạo lực gia đình?

ĐBQH Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM)

Tuy nhiên theo truyền thống gia đình con hư thì cha mẹ có nghĩa vụ dạy dỗ. Khi khuyên ngăn không được, bố mẹ doạ nạt rằng sẽ đánh đòn. Nếu chiếu theo quy định thì được quy thành đe doạ sử dụng vũ lực và được coi là hành vi bạo lực gia đình.

"Còn tại điểm b, khoản 1, Điều 3, bạo lực gia đình cũng là lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ví dụ hôm nay ông chồng đi uống rượu về, bà vợ chì chiết mỗi một lần, không cẩn thận trở thành câu chuyện bạo lực gia đình", ông Đức nói.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) quan tâm đến tính khả thi của Luật. Theo đó, Ban soạn thảo cần làm rõ các hành vi bạo lực gia đình cùng 15 nhóm quy định chung với toàn bộ các chế tài như: tố giác, báo tin, cưỡng chế... Bởi nếu không làm rõ thì có thể tạo nên hiệu ứng phức tạp, ngược tác dụng.

Theo đại biểu Thành, với 15 nhóm quy định hành vi bạo lực gia đình thì phải quy định rất rõ tính chất, mức độ, hành vi và đề nghị Chính phủ quy định chi tiết.

Theo đó, có thể xếp các hành vi bạo lực gia đình theo nhóm: bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và các hành vi bạo lực khác cũng như xác định mức độ của các hành vi bạo lực này để cơ quan chức năng áp dụng các loại chế tài phù hợp.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên