Chất ethylene oxide không được phép sử dụng ở Việt Nam

2021-08-30 21:20
- Ethylene oxide (EO) phát hiện trong mỳ tôm Hảo Hảo, miến Good, phở khô Thiên Hương là chất không được phép sử dụng ở Việt Nam, kể cả trong danh mục thuốc trừ sâu.

Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) hôm 20/8 đã ra thông báo thu hồi hai sản phẩm gồm mỳ tôm Hảo Hảo, miến Good của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tại thị trường nước này vì chứa thành phần EO vượt quá ngưỡng cho phép. 

"Rất nhiều quốc gia không quy định cụ thể về thành phần chất này trong thực phẩm, trong đó có Việt Nam", một cán bộ ở Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết. Trong các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về thực phẩm, hiện nay không đề cập đến chất này. 

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Trâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam cho biết, EO hay còn gọi là oxiran và epoxit. Chất này không nằm trong danh mục các chất được tồn dư trong thực phẩm (theo thông tư 50/2016 của Bộ Y tế). "Việc không quy định không có nghĩa là được phép sử dụng. Còn trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, EO không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng", bà Trâm nói.       

 Chất ethylene oxide không được phép sử dụng ở Việt Nam

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Ethylene oxide là hợp chất hữu cơ, một hóa chất cơ bản, không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. 

EO thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. EO được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác. 

Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng (xử lý mối mọt...) có hiệu quả cao. Ở nhiều quốc gia chất này được sử dụng cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế... để kiểm soát vi khuẩn Salmonella). 

Kết quả phân tích trên hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng thực phẩm (RASFF) được thiết lập tại EU cho thấy, mỳ tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo (số 2021.4233) chứa 0,066 mg EO/kg), phở khô vị bò gà của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương (số 2021.4177) chứa 0,052 mg EO/kg). Theo chỉ thị số 91/414/EEC của EU, hàm lượng EO trong các loại thực phẩm này phải dưới ngưỡng 0,05 mg/kg. "Như vậy, theo quy định của EU thì 2 sản phẩm này bị cảnh báo ở mức phải thu hồi/tiêu hủy", PGS Trâm nói.       

 Chất ethylene oxide không được phép sử dụng ở Việt Nam

Sản phẩm phở khô vị bò gà của Thiên Hương. Ảnh: Công ty cung cấp   

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, nguyên giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, EO chủ yếu dùng trong việc tẩy trùng và khử trùng. 

"Hiện để khử trùng thực phẩm công nghiệp, có rất nhiều công nghệ an toàn hơn. Việc xuất hiện EO trong sản phẩm mỳ tôm là khó hiểu", PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho hay. 

PGS.TS Tô Kim Anh, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, EO cũng giống như các hóa chất khác, đã xác định là chất độc thì dù ở mức độ thấp cũng không được phép. 

"Chất này có thể không phát sinh trong quá trình sản xuất mỳ ăn liền mà khả năng cao xuất hiện ở giai đoạn chuẩn bị các phụ gia. Doanh nghiệp sẽ phải rà soát để biết thành phần này xuất hiện ở khâu nào", PGS Kim Anh nói. 

Hiện không chỉ mỳ ăn liền của Việt Nam bị thu hồi ở châu Âu, mà Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã từng bị cảnh báo. Cuối tháng 6 và giữa tháng 7/2021, Liên minh châu Âu có 2 quy định về việc sử dụng chất EO trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Theo đó, các sản phẩm có chứa phụ gia E410 (nhiễm ethylene oxide), đều có nguy cơ tiềm ẩn cho người tiêu dùng. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, các nhà điều hành kinh doanh thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi đã đưa các sản phẩm chứa E410 vào thị trường EU, phải thu hồi các sản phẩm đó dưới sự kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia. 

Theo ý kiến chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam nên đưa ra quy định về hàm lượng EO trong thực phẩm. 

Trao đổi với VnExpress , đại diện Acecook và Công ty Thiên Hương cho biết, đang rà soát các khâu để xem sự cố phát sinh từ nguyên nhân nào dẫn đến trong sản phẩm có chứa chất trên. 

Bộ Công Thương cũng đang rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Acecook Việt Nam đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Liên quan đến sản phẩm của Công ty Thiên Hương, Bộ Công Thương cũng đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm của đơn vị này. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM được yêu cầu lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ethylene oxide với một số sản phẩm do công ty sản xuất đang bán tại thị trường trong nước.  

Theo Vnexpress

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 scandal chấn động nhất của showbiz Hoa ngữ nửa đầu năm 2021