Cao Minh Tiến: Dior từng có thiết kế "giống" tôi

Jane 2014-10-22 11:29
- (Em đẹp) - "Hai bên cùng sáng tạo từ trang phục truyền thống của Nhật Bản, đến 50% thì có cảm nhận là giống nhưng không thể nào nói đó là "đạo" thiết kế" - Cao Minh Tiến chia sẻ với Em đẹp.
"Đạo thiết kế" là cụm từ được bàn tán nhiều trong thời trang và chưa có hồi kết. Sau mỗi show diễn hay tuần lễ thời trang, báo chí thường kể tên vài nhà mốt có những mẫu thiết kế giống nhau như "chị em trong nhà".

Tuy nhiên, người tạo mẫu - tác giả của những BST làm băn khoăn khán giả ấy thường ít khi lên tiếng để nói về việc đạo hay không đạo.  

Nhà thiết kế Cao Minh Tiến, tác giả BST "Vườn cổ tích" ra mắt tháng 4/2014 cũng từng vướng "nghi án" như vậy. Nhân buổi gặp anh, tôi hỏi: "Anh có đạo thiết kế không?"

Nhà thiết kế Cao Minh Tiến. 

- Khá nhiều mẫu trong bộ sưu tập "Vườn cổ tích" và một số thiết kế trình diễn tại Đẹp Fashion Runway năm nay của anh được cho là "chép" ý tưởng từ các thương hiệu lớn thế giới. Xin phép được hỏi, Cao Minh Tiến có đạo thiết kế không? 

Ồ, có chuyện đó hả. Bộ sưu tập (BST) trình diễn tại Đẹp Fashion Runway tôi khẳng định từ ý tưởng đến nghiên cứu tôi không hề chịu ảnh hưởng của bất kỳ nhà thiết kế (NTK) lớn nào trên thế giới. Còn BST "Vườn cổ tích " bị cho là lấy cảm hứng của Dolce & Gabbanna, tôi thấy nực cười vô cùng khi mà các nhà thiết kế trong nước luôn bị đem ra so sánh và áp đặt là nhái hay đạo NTK nước ngoài. Phải chăng khán giả trong nước không tin tưởng hay luôn đánh giá thấp khả năng của NTK nước nhà? 

- Có câu "Lửa trước, khói sau". Khán giả cần nhìn vào chi tiết cụ thể. Anh vui lòng nói kỹ hơn về một mẫu trong "Vườn cổ tích" cho thấy anh không đạo thiết kế Dolce & Gabbana?

Trong BST "Vườn cổ tích" của tôi có hình ảnh Hoàng Thùy đội vương miện được đem ra so sánh là đạo ý tưởng, bởi phụ kiện tôi dùng là vương miện có hình ảnh cảm hứng giống Dolce & Gabbanna. Nói vậy thì có phải D&G là thương hiệu đã tạo ra vương miện? Từ kết cấu chính của trang phục, chất liệu, đến hình ảnh kiểu dáng mẫu thiết kế hoàn toàn khác, không có một ngôn ngữ nào giống tại sao lại áp đặt là đạo ý tưởng. Trong khi những mẫu trong bộ sưu tập của D&G mang hình ảnh và phong cách Gothich, còn BST của tôi theo phong cách lãng mạn.

Thiết kế của Cao Minh Tiến (trái) và thiết kế của hãng thời trang Ý Dolce & Gabbana. 

- Vậy theo anh thế nào mới là đạo thiết kế? Có bao nhiêu kiểu "đạo"? 

Có rất nhiều kiểu "đạo", nhiều cách nói một sự học hỏi là "đạo", cũng bấy nhiêu lý lẽ để nói đó là "đạo" và ngược lại. Trong mỹ thuật nói chung và thời trang nói riêng thì việc đánh giá một hình ảnh được NTK tạo ra dưới góc nhìn của không biết bao nhiêu con người thì việc đi chứng minh hay đi nói là có hay không là vô cùng nan giải .  

- Xin được hỏi nếu 2 mẫu thiết kế trùng lặp đến... 50% về kiểu dáng, có thể gọi là "đạo" chưa? 

Cũng còn tuỳ trường hợp, nếu tính 50% thì chả có nhà thiết kế áo dài nào cả, vì tất cả BST áo dài đa phầm gồm quần và áo hai tà dài. Chỉ thay đổi màu sắc và chất liệu cùng với đường nét trang trí đính lên đó khác nhau hay hình in khác nhau. Đó là ví dụ dễ hình dung nhất, còn với thời trang nói chung, khi mà kết cấu tỷ lệ, chất liệu hay cả đến vật liệu trang trí cũng giống nhau thì tôi nghĩ đó mới là đạo thiết kế.

Tôi nhớ năm 2003, tôi có BST "Nhật thực" lấy cảm hứng từ mặt nạ tuồng kết hợp với phong cách và kết cấu kimono của Nhật Bản, thì sang 2004 Christian Dior cũng ra một BST có những mẫu thiết kế lấy cảm hứng kimono đường nét tương tự, nhưng chất liệu và cách xử lý các chi tiết trang trí hoàn toàn khác. Cả hai cùng sáng tạo từ trang phục truyền thống của Nhật Bản, đến 50% thì có cảm nhận là giống nhưng không thể nào nói đó là "đạo". Đáng tiếc là đã quá lâu nên không tìm lại được ảnh cũ. 

- Trong trường hợp nhà thiết kế "cấu" chỗ này một ít, "véo" chỗ kia một tẹo... rồi biến tấu ra mẫu theo ý mình. Cao Minh Tiến có cho đó là sản phẩm đạo? 

Tôi nghĩ chả ai lại để nguyên bản chắp vá của nhiều mẫu thiết kế khách nhau vào làm một, vì nó sẽ không còn gọi là mẫu thiết kế nữa, nó chả khác gì một tờ giấy nháp muốn nháp gì lên đó thì nháp. Ai cũng sẽ có lúc học hỏi, nhưng khi họ cộng những đường nét khác nhau từ những mẫu khác nhau lại, cùng với cái tôi và những yếu tố nghệ thuật khác của nhà thiết kế, thì mới ra một mẫu thiết kế hoàn hảo để đưa ra thị trường. Vậy thì đó là sự tìm tòi học hỏi sáng tạo riêng của NTK đó .

Thiết kế của 3 nhà mốt đình đám là Jason Wu, Mango, Victoria Beckham (từ trái qua) giống nhau đến ngỡ ngàng.

- Việc tham khảo, học hỏi các thương hiệu lớn liệu có làm nhụt trí sáng tạo của các nhà thiết kế không, thưa anh? 

Tôi không nghĩ là nhụt trí sáng tạo, với người khác tôi không biết, với tôi mỗi một lần làm BST lớn tôi có ý tưởng, tôi tìm cho ý tưởng một phong cách và hình ảnh mang tính biểu tượng. Trước khi làm những điều này tôi tìm kiếm xem có ai làm rồi, họ làm như thế nào, họ có gì hay, việc xử lý chất liệu ra sao? Họ trang trí những gì?... Một phần để học hỏi, một phần để tránh không bị trùng lặp thiết kế. Với mỗi lần tìm tòi, ghi nhận những hình ảnh tôi lại học hỏi được nhiều, tôi lại tìm kiếm được những cách thể hiện ý tưởng của mình mới mẻ hơn .

- Để tránh tiếng "đạo", thách thức với người làm thiết kế thời trang là rất lớn? Xin cho biết nhìn nhận của anh về việc này?

Với tôi, có học hỏi hay có đạo hay có làm gì đi nữa, thì tôi tự tin một điều là mọi người nhìn vào đều có thể nhận thấy đó là thiết kế của Cao Minh Tiến. Tôi luôn đi theo đường lối riêng, từ cách trang trí, cách cắt cúp, cách sử dụng chất liệu. Tôi chọn cho mình phong cách thiết kế riêng. 

- Khách hàng có khi nào vì thích mẫu thiết kế của nhà mốt lớn trên thế giới mà nhờ anh tạo ra bộ cánh giống như vậy?

Không chỉ khách hàng bình thường mà có rất nhiều người của công chúng từng đến với tôi, đề nghị muốn có bộ đồ giống mẫu họ thích. Tôi từ chối. Tôi không đủ khả năng đạo hay nhái lại một mẫu thiết kế của một hãng khác, tôi không có chất liệu giống, không có công thức cắt hay cách dựng phom cho mẫu thiêt kế đó... Tôi không thể làm y hệt hay đạo na ná khi mà mọi vật liệu từ công nghệ may hay chất liệu tạo nên một bộ trang phục đều không giống.

- Anh chọn yếu tố gì làm điểm nhấn cho thiết kế của mình? 

Điểm đầu tiên là tính ứng dụng, điểm thứ hai là cái tôi cá tính trong từng mẫu thiết kế. Tôi kết hợp những điều trái dấu với nhau, như một chất liệu mềm mại với một chất liệu dầy và cứng, hay một hình ảnh nam tính cho một trang phục nữ tính,  một bề mặt thô ráp với một bề mặt mềm mỏng, ý tưởng mang âm hưởng truyền thống với phom dáng hiện đại... Mỗi yếu tố sẽ tạo ra một mẫu thiết kế mà người khác nhìn vào sẽ nhận ra được đó là thiết kế của Cao Minh Tiến.

Cám ơn anh đã chia sẻ.
Jane
Ảnh: CMT, VNN

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Không có đàn ông vô tâm, chỉ là cái tâm đó không đặt ở chỗ bạn mà thôi