Câu chuyện phía sau việc từ chức của giám đốc sáng tạo DKNY

Eve Nguyễn 2016-01-22 14:00
- Sau khi rời khỏi thương hiệu ruột của mình, NTK Donna Karan giờ đây lại bắt đầu với một hành trình mới tưởng như sẽ mở ra một tương lai mới cho toàn thế giới.
Tháng 6 vừa qua, NTK Donna Karan đã quyết định rút lui khỏi vị trí Giám đốc sáng tạo của thương hiệu đình đám gắn liền với tên tuổi của bà – DKNY. Ở tuổi 67, nhiều người nghĩ rằng sự nghiệp của Donna Karan thế là đã kết thúc, nhưng hóa ra, bây giờ mới là lúc mà sứ mệnh thực sự của NTK này bắt đầu. Donna Karan đã trả lời phỏng vấn rằng: “Mọi việc khó khăn tới không thể tin được, nhưng tôi còn chưa có thời gian để dừng lại mà suy nghĩ về nó nữa”. Nếu bạn không sành sỏi về thời trang, có lẽ bạn sẽ không biết rằng Donna Karan vẫn còn sở hữu một thương hiệu nữa, tuy mới thành lập được 8 năm, nhưng cũng đã đạt được những thành tựu nhất định, đó là thương hiệu Urban Zen. Thương hiệu này cũng chuyên về các trang phục gợi cảm, xa xỉ, bao gồm cả áo khoác lông cừu, khăn choàng cashmere hay những bộ jumpsuit bó sát. 
Donna Karan và một khởi đầu mới sau DKNY
(Ảnh: defactoinc) 
Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa Urban Zen và DKNY? Lý do chính là nằm ở mục đích thực sự của thương hiệu này, mà theo lời Donna Karan thì chính là “giúp đỡ các nền văn hóa duy trì được các ngành thủ công sáng tạo của mình khi đối diện với sự toàn cầu hóa”. Quỹ từ thiện của Urban Zen được thành lập để giúp hỗ trợ việc học hành và điều trị y tế đến cho trẻ em trên toàn thế giới, cụ thể là các nước đang gặp nhiều khó khăn như Haiti – quốc gia đã phải chịu nhiều thiệt hại sau trận động đất năm 2010. 
Donna Karan và một khởi đầu mới sau DKNY
(Ảnh: forbes) 
Cũng trong tháng 6/2015, khi báo giới tập trung vào chuyện Donna Karan rời DKNY, thì điều mà NTK này thực sự quan tâm lại là việc mở một trung tâm đặc biệt có tên viết tắt là D.O.T (viết tắt cho “Thiết kế, Tổ chức và Đào tạo”). Các học viên tốt nghiệp từ đây sẽ hợp tác với các nghệ nhân tại các địa phương để phát triển các sản phẩm có đủ tiêu chuẩn bán trên thị trường hàng thời trang xa xỉ. Donna Karann cho biết: “Họ có rất nhiều khả năng, nhưng họ cần có đủ vật liệu, dụng cụ và cần những cách sản xuất hiệu quả hơn. Chúng tôi muốn đưa đến một chương trình cố vấn giúp họ đạt được trình độ kỹ năng tốt hơn”
Donna Karan và một khởi đầu mới sau DKNY
(Ảnh: elle) 
Donna Karan hợp tác với rất nhiều nghệ nhân từ Thái Lan, Bali (Indonesia), Ấn Độ, đặt hàng nhiều sản phẩm trang sức, phụ kiện và đồ nội thất để bày bán tại 3 cửa hàng của Urban Zen tại Mỹ. Các nghệ nhân sẽ được nhận 10% lợi nhuận, riêng những nghệ nhân ở Haiti được nhận toàn bộ 100% lợi nhuận. Bạn đừng vội bất ngờ, bởi những công việc này cũng không phải là những hoạt động từ thiện đầu tiên của Donna Karan. Từ năm 2001, khi vợ chồng Donna Karan quyết định bán toàn bộ thương hiệu DKNY cho tập đoàn LVMH với mức giá 650 triệu USD, một phần lớn trong số đó đã được dùng để ủng hộ cho các trường học, bệnh viện và nhiều tổ chức phi chính phủ khác. 
Donna Karan và một khởi đầu mới sau DKNY
(Ảnh: elle) 
Năm 2010, chỉ vài tuần sau khi trận động đất ở Haiti xảy ra, Donna Karan và hai người bạn khác đã tổ chức một buổi quyên góp từ thiện, thu được khoảng 1 triệu USD để mua các vật liệu xây dựng nhà ở tạm thời cho người bị nạn. Bà cũng đến thăm Haiti 2 lần với Quỹ từ thiện Clinton và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Rồi sau đó, cứ khoảng vài tuần, Donna Karan lại quay trở lại Haiti một lần để phát triển công việc kinh doanh với người dân ở đây. Chính cựu Bộ trưởng Bộ Du lịch của Haiti đã từng nói rằng: “Người Haiti hay nói rằng mọi người đều đã đổ xô đến Haiti sau trận động đất, nhưng chỉ có Donna là người duy nhất thực sự ở lại đây.” Bản thân Donna Karan có cái nhìn rất thực tế với công việc này: “Tôi không muốn mọi người chỉ ở đó mà cảm thấy thương hại cho đất nước Haiti. Tôi muốn làm một nhịp cầu thu hẹp khoảng cách, giúp họ tận dụng chính tài nguyên của đất nước mình”. 
Câu chuyện phía sau việc từ chức của giám đốc sáng tạo DKNY
(Ảnh: aspenpeak-magazine) 
Donna Karan không thực sự quá buồn phiền khi chia tay thương hiệu do chính mình sáng lập ra, bởi theo bà, cuộc đời luôn chứa đầy những sự chuyển đổi. Chính bà cũng không tiếc lời khen ngợi BST mới của DKNY dưới tay những Giám đốc sáng tạo mới: “Rất chỉn chu, chuyên nghiệp và hiện đại. Tôi nghĩ rằng rồi thương hiệu này sẽ còn tiến hóa mạnh mẽ”. Bà cũng mong toàn bộ ngành công nghiệp thời trang sẽ còn tiến hóa nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong khía cạnh từ thiện và trách nhiệm xã hội. Không hề tự mãn chút nào về những giá trị mà mình đã đạt được, Donna Karan chỉ muốn khuyến khích thêm nhiều NTK cùng góp sức cùng bà: “Không thể chỉ có một mình tôi làm chuyện này được.” 
Eve Nguyễn (Tổng hợp)
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bí quyết làm đẹp da siêu tiết kiệm cho từng loại da