Lầm tưởng về tác dụng của đi bộ mà hầu hết các bà bầu vẫn cho là đúng

2017-01-05 06:45
- Khi mang thai, cơ thể có vận động sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dạ sau này… Đi bộ tốt cho bà bầu nhưng có những trường hợp phải tránh đi bộ.

Chăm đi bộ để có ngôi thai thuận?

Đang mang thai ở tuần 30, chị Nguyễn Thị Lan (28 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị có khả năng sẽ phải sinh mổ do ngôi thai ngược.

Theo lời chia sẻ của một số mẹ trên mạng xã hội, chị Lan biết có thể xoay ngôi thai ngược thành thuận nếu chăm chỉ đi bộ. Tuy nhiên, do thai đã 30 tuần và khá to nên việc đi bộ khiến chị Lan cảm thấy hơi mệt. Vì vậy, bản thân chị Lan không khỏi phân vân về việc có nên đi bộ nữa hay không.

Cũng mang thai ở tuần thứ 12, chị Minh Phương (26 tuổi, Cầu Giấy) luôn bị mẹ chồng nhắc nhở phải đi bộ nhiều để giúp dễ đẻ. Sau bữa cơm, mẹ chồng chị Minh Phương luôn nhắc nhở 2 vợ chồng đi bộ. Dù rất mệt nhưng chiều lòng mẹ chồng, chị vẫn phải cố gắng đi bộ.

"Tôi cảm thấy mệt mỏi và đau xương khớp nhưng vẫn cố gắng đi bộ theo lời mẹ chồng. Tôi cũng không biết điều này có ảnh hưởng gì về sau hay không", chị Phương nói.

đi bộ

 Phụ nữ khi mang bầu có sức khỏe bình thường, ở quý 2 và quý 3 có thể đi bộ nhẹ nhàng để dễ sinh

(Ảnh minh họa).

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình cho biết, khi mang thai, nếu cơ thể có vận động sẽ tốt cho quá trình sinh đẻ sau này. Ở nước ngoài, còn có các bài thể dục vận động nhẹ nhàng cho bà bầu trong thời gian mang thai. Đi bộ sẽ giúp cho cơ thể tăng cường sức đề kháng, hạn chế được những tai biến có thể xảy ra trong quá trình sinh nở.

Khi hỏi về vấn đề chăm đi bộ có thể xoay được ngôi thai, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức khẳng định: “Việc quay đầu của thai nhi không liên quan tới vấn đề đi bộ. Bà bầu đi bộ khiến cơ tử cung, xương, khung xương chậu vận động, tốt cho việc sinh đẻ. Việc xoay đầu của đứa trẻ trong bụng mẹ lại theo một cơ chế khác, chứ không có chuyện vì không đi bộ mà ngôi thai ngược. Trong trường hợp có ngôi thai ngược, các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định với sản phụ".

Bác sĩ sản khoa Thân Ngọc Tuấn cho hay, một người phụ nữ khỏe mạnh khi mang bầu ở quý thứ 2 và 3 vẫn có thể đi lại bình thường. Trong trường hợp có ngôi thai ngược, bác sĩ sẽ tùy tình hình mà chỉ định sinh thường hay sinh mổ.

Việc đi bộ nhiều hay ít cũng không liên quan tới việc thai nhi xoay ngôi. Ở 28-32 tuần, ngôi thai không quay đầu có nghĩa là ngôi thai ngược.

Bà bầu nào nên kiêng đi bộ?

Theo bác sĩ sản khoa Thân Ngọc Tuấn, khi mang thai, bác sĩ sẽ quản lý thai kỳ của bà bầu theo giai đoạn, quý 1, quý 2, quý 3.

“Ở quý 1, là giai đoạn đầu khi phôi mới về làm tổ nên hạn chế đi lại. Khi phôi về niêm mạc, nếu đi lại đường dài hoặc có những sang chấn nhẹ hay va đập có thể dọa sảy thai. Ở quý 2, khi thai nhi ổn định, bà bầu có thể đi lại như bình thường, nhẹ nhàng. Tới quý 3, chị em nên vận động nhẹ nhàng để khung xương chậu giãn, giúp cho quá trình sinh nở được dễ dàng”, bác sĩ Thân Ngọc Tuấn nói.

Những trường hợp được chống chỉ định đi bộ khi mang thai là bà bầu có những bệnh lý đi kèm. Bệnh lý đó có thể là sa dạ con, xương khớp, bệnh lý về khớp háng… 

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức cho biết thêm: “Những bà bầu có bệnh lý kèm theo như: tim, thận, tiểu đường… cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế đi bộ và vận động mạnh. Một số thai phụ bị sa dạ con cũng nên hạn chế đi bộ. Với những trường hợp này, các bác sĩ thường yêu cầu nghỉ ngơi trên giường và đi lại hết sức nhẹ nhàng".

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Dương Mịch duy trì 3 động tác đơn giản này để có đôi chân dài thon vạn người mê, chị em nên học theo