Hốt hoảng vừa sinh xong đã… mang bầu
Tin liên quan
Vòng 2 to bất thường, không ngờ mang thai
Chị Hồng Hà (Ba Đình, Hà Nội) kể, sau khi sinh mổ cô con gái thứ 2, chị cho con bú hoàn toàn 6 tháng đầu nên cứ đinh ninh là không thể dính bầu. Do vậy, khi quan hệ, hai vợ chồng chị không hề sử dụng biện pháp tránh thai nào. Sau thời gian nghỉ sinh, đi làm lại nên chị muốn giảm cân để lấy lại vóc dáng thon gọn. Chị hạn chế ăn tinh bột, chỉ ăn rau xanh, hoa quả, miến… thế nhưng vòng 2 của chị không nhỏ đi mà còn to lên.
Thấy kinh nguyệt mãi “chưa về”, lại được một đồng nghiệp dọa rằng có thể chị đã “dính bầu”, thế là chị Hà đi mua que thử thai. Kết quả 2 vạch khiến chị hoảng hốt. Chị đi khám thì bác sỹ thông báo chị đã mang thai được hơn 2 tháng.
“Lúc mang thai 2 đứa đầu, tôi nghén rất dữ dội, ngửi thấy mùi thức ăn là buồn nôn, đôi khi cứ tự nhiên nôn ói đến mật xanh, mật vàng, người ngợm kiệt sức. Lần này không hiểu sao tôi có bầu mà chẳng hề có triệu chứng gì. Lỗi cũng là do tôi chủ quan, nghĩ mình mới sinh xong, lại cho con bú, kinh nguyệt còn chưa thấy thì làm sao có bầu được. Ai ngờ…”, chị tâm sự.
Hiện chị Hà đang rất băn khoăn không biết nên giữ thai lại không, bởi bác sỹ tư vấn nếu kiên quyết giữ thai thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, đặc biệt là nguy cơ bục vết mổ khi thai lớn hoặc vỡ tử cung. Thời gian trước, do không biết mình mang thai nên chị còn ăn kiêng, sợ cái thai trong bụng không đủ chất, bị ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ sau này.
Nhiều nguy hiểm khi mang thai sớm sau sinh
Theo bác sĩ sản khoa Kim Dung, sau khi sinh khoảng 4 – 6 tuần là phụ nữ có khả năng mang thai. Quan niệm cho con bú thì không thể có thai là sai lầm. Đúng là việc cho con bú có thể trì hoãn việc có thai, do nội tiết tố prolactin (điều khiển sự tiết sữa) sẽ làm ức chế hoạt động của buồng trứng. Nhưng quá trình này không phải lúc nào cũng diễn ra hiệu quả. Do vậy, phụ nữ cho con bú vẫn hoàn toàn có thể mang thai.
Sự xuất hiện kinh nguyệt sau khi sinh là biểu hiện của chức năng rụng trứng đã được phục hồi. Tuy nhiên các chị em cần hiểu rằng, lần rụng trứng đầu tiên không nhất thiết là phải sau khi xuất hiện kinh nguyệt lần đầu, mà có thể là trước khi kinh nguyệt xuất hiện. Nếu vợ chồng quan hệ đúng ngày rụng trứng lại lần đầu mà không có các biện pháp “phòng vệ” thì trứng sẽ làm tổ luôn và không gây hành kinh nữa. Đó cũng là lý do nhiều chị em chỉ phát hiện mình mang thai khi thai đã lớn.
Các bác sĩ cho biết, dù sinh thường hay sinh mổ thì việc có thai sớm sau khi sinh đều gây ảnh hưởng nhiều mặt tới cả mẹ và bé. Nếu giữ lại thai, cả mẹ và thai có thể bị thiếu chất. Việc mang thai lần nữa sẽ khiến người mẹ không đảm bảo sức khỏe để nuôi dưỡng thai nhi vì còn phải dành thời gian, sức lực để nuôi dưỡng em bé mới sinh trước đó. Cái thai trong bụng vì thế không được chăm sóc tốt nhất, sau này có thể bị sinh non, nhẹ cân, vàng da, kém phát triển về cả trí tuệ lẫn thể chất.
Đặc biệt, với các bà mẹ sinh mổ, việc mang thai sớm sau khi sinh mổ sẽ gây ra nhiều nguy cơ. Đầu tiên là rất dễ bị nứt vỡ tử cung, đặc biệt là khi lần mang thai tiếp theo cách thời gian sinh mổ 6 - 9 tháng. Thứ hai là sản phụ có thể bị xuất huyết. Vì khi sinh mổ lần đầu, vết thương cần ít nhất là 9 tháng để hồi phục, còn bình phục hoàn toàn phải từ 1 - 2 năm.
Với kỹ thuật mổ ngang đoạn dưới lấy thai như hiện nay, phụ nữ sau khi mổ đẻ đã có thể mang thai sớm hơn nhưng khoảng cách an toàn nhất là 2 – 3 năm. Đây là thời gian cần thiết để vết mổ ở tử cung lành hoàn toàn và khi đó sức khỏe, tâm lý người mẹ đã ổn định.
Để không rơi vào tình cảnh vừa sinh xong đã có bầu, phải đối mặt với nhiều nguy cơ xấu về sức khỏe, chị em cần áp dụng tốt các biện pháp phòng tránh thai ngay khi hết thời gian ở cữ. Nếu đợi đến khi thấy kinh nguyệt xuất hiện trở lại mới áp dụng các biện pháp tránh thai thì có thể đã quá muộn.
Minh Minh
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất