Vì sao trẻ em bị TNGT thường chấn thương nặng vùng đầu?

2016-07-25 07:30
- Trẻ nhỏ, phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước. Các bé lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã.

Hôn mê, nhiễm trùng máu vì TNGT

Bé Trần Tuấn Kh. 8 tuổi trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội không may bị tai nạn giao thông khi được bố chở bằng xe máy. Thói quen hàng ngày của bé là đi học và rất ngại đội mũ bảo hiểm. Bố mẹ vì chiều con nên chẳng bao giờ bắt con đội mũ.

Vì sao trẻ em bị TNGT thường chấn thương nặng vùng đầu?

Trong một lần chở con đi bơi về, không may bị ngã xe và bé Kh bị ngã xuống đường, đập đầu xuống đất dẫn đến chấn thương sọ não, phải phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, bé Kh. lại bị nhiễm trùng huyết, các bác sĩ chuyển bé sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị. Nhìn con từ đứa trẻ hiếu động, khoẻ mạnh giờ nằm im lìm, xung quanh máy thở, dây truyền dịch, bố mẹ của bé như đứt từng khúc ruột.

Theo một Báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 2.000 trẻ em tử vong mỗi ngày do thương tích không chủ ý và mỗi năm có thêm hàng chục triệu trẻ em trên toàn cầu phải tới bệnh viện do thương tích và hậu quả gây ra cho các em thường là các thương tật lâu dài.

Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ giết chết 260.000 trẻ em mỗi năm và làm bị thương 10 triệu em khác. Đây là nguyên nhân dẫn đầu gây tử vong cho các em trong độ tuổi từ 10 đến 19 và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây thương tật cho trẻ em.

Tại Việt Nam, tai nạn giao thông vẫn là mối nguy hiểm với trẻ em. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích.

Trong đó, tỉ lệ trẻ tử vong khi đi bộ một mình chiếm 36%, bị nạn khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe đạp, xe mô tô, xe máy chiếm 20%. Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não do TNGT chiếm 13,4% trong đó, đa phần các em đều không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi xảy ra tai nạn.

Có thể nói, không đội MBH khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em. Chính vì vậy, phòng tránh TNGT cho trẻ em là một vấn đề cần thiết và cấp bách của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Đầu của trẻ dễ bị ảnh hưởng nhất

TS Hoàng Bùi Hải – trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, anh gặp nhiều ca cấp cứu do tai nạn giao thông nhưng cấp cứu cho trẻ bị tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh.

Tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Gia Anh – Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện cũng cho biết, rất nhiều trẻ bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông.

Bác sĩ Gia Anh khẳng định, trẻ bị tai nạn giao thông thường do bố mẹ bỏ qua những quy định an toàn cho con em mình.

Bác sĩ Trương Mậu Anh khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 2 cảnh báo, trẻ càng nhỏ càng dễ bị chấn thương do phần đầu còn to và nặng, thường rơi xuống trước, các bé lại chưa có khả năng điều chỉnh tư thế cân bằng khi ngã. Chấn thương sọ não nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ mềm dưới da đầu. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần.

Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các thương tổn trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não. Nếu chấn thương nhẹ, bé hoàn toàn tỉnh táo, không có dấu hiệu gì lạ thì cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà, nhưng cần theo dõi chặt chẽ mỗi hai giờ một lần trong suốt 24 giờ đầu tiên.

Các bác sĩ đều khuyên dù đi bằng bất cứ phương tiện gì, cần cho trẻ cảm giác được bảo vệ an toàn nhất. Ngồi xe ô tô phải thắt dây bảo hiểm, xe máy phải có ghế, mũ bảo hiểm và đi xe đạp cũng phải đảm bảo an toàn cho trẻ.

(Theo Infonet)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Đến Seoul chụp ảnh ở đâu là đẹp nhất?