U xơ xương ăn mòn toàn bộ mặt, cô gái 16 tuổi được vi phẫu tái tạo

2018-08-13 18:51
- Sáng 13/8, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương (Hà Nội) đã tiến hành ca phẫu thuật vi phẫu tái tạo khuyết hổng hàm mặt cho bệnh nhân Nguyễn Giang Ly (16 tuổi, ở Thái Nguyên). Đây là ca vi phẫu thứ 500 mà bệnh viện áp dụng kỹ thuật này.

Nguyễn Giang Ly (16 tuổi, tại Thái Nguyên) đã được các bác sĩ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương chẩn đoán bị u xơ xương ăn mòn toàn bộ mặt bên ngoài của xương hàm từ năm 8 tuổi. Bệnh nhân đã được điều trị nội khoa, tới nay khi trưởng thành, bệnh nhân mới có thể tiến hành vi phẫu tái tạo khuyết hổng hàm mặt.

Tình trạng bội nhiễm khiến Giang Ly phải nhập viện để điều trị. Các bác sĩ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương quyết định phẫu thuật để tái tạo lại khuôn mặt cho Ly, trồng răng implant để giúp thiếu nữ này có thể ăn nhai và sở hữu khuôn mặt như người bình thường.

U xơ xương ăn mòn toàn bộ mặt cô gái 16 tuổi được vi phẫu tái tạo

Bệnh nhân sau phẫu thuật đã ăn nhai.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, trưởng kíp mổ, cho biết: “Bệnh nhân này tổn thương từ cành cao xương hàm trên bên phải ra hết cành cao xương hàm trên bên trái. Do đó, chúng tôi tiến hành cắt toàn bộ xương hàm từ phải qua trái và sử dụng kỹ thuật tái tạo xương hàm dưới bằng vạt xương mác nhờ kỹ thuật vi phẫu. Chúng tôi dự kiến phẫu thuật cắt toàn bộ xương hàm, chỉ giữ chỏm nội cầu. Sau khi cắt giữ chỏm nội cầu, chúng tôi sẽ giữ cung hàm cũ của bệnh nhân, sử dụng nẹp giữ chỗ cung hàm và lấy xương mác cẳng chân tái tạo xương này”.

Tổn thương xương hàm dưới của bệnh nhân này lớn, xương mác không đủ để tái tạo lại toàn bộ hàm dưới nên kíp phẫu thuật sẽ sử dụng kỹ thuật cắt xương mác ở chân phải để tái tạo 1/2 khuôn mặt bên phải. 6 năm sau đó, bác sĩ sẽ lấy xương mác ở chân bên trái để tiến hành tái tạo lại 1/2 khuôn mặt bên trái. Sau 6 tháng, bệnh nhân được đánh giá kiểm tra lại để cấy ghép và tái tạo răng cho bệnh nhân ăn nhai.

GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương cho biết đây ca vi phẫu thứ 500 mà bệnh viện áp dụng kỹ thuật này. Trước đó, bệnh viện đã sử dụng các kỹ thuật khác như lấy xương sườn để tái tạo vùng hàm mặt. Tuy nhiên, kỹ thuật trên hạn chế vì xương sườn dễ bị thoái hóa, dễ gãy nên không thể hỗ trợ làm răng giả cho bệnh nhân. Đến năm 2007, bệnh viện đã triển khai vi phẫu ghép xương hàm bằng kỹ thuật lấy xương mác cẳng chân.

BS Hải khẳng định Việt Nam hiện là một trong những nước đi tiên phong trong kỹ thuật này, thậm chí đi trước 10 năm so với nhiều nước trong khu vực. Chi phí cho kỹ thuật này ở Việt Nam cũng thấp khoảng 10 lần so với một ca vi phẫu được tiến hành ở các nước châu Âu, Mỹ hay Hàn Quốc.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cách ăn thịt nướng Hàn Quốc sai lầm mà hầu hết người Việt mắc phải