Thực hư cách chữa thủy đậu không để lại sẹo bằng húng quế, lá sấu, muối mà nhiều người đang chia sẻ

2018-03-20 10:30
- Bệnh thủy đậu đang vào mùa, nhưng làm thế nào để không để lại sẹo là mối quan tâm của nhiều người.

Thủy đậu là bệnh dễ mắc và lây lan nhanh. Nhiều bậc phụ huynh thường chủ quan không phòng bệnh cho con. 

Chị Đ.T.L.(Cầu Giấy, Hà Nội) con chị bị mắc thủy đậu khi đi mẫu giáo,  thay vì đưa con đi khám chị đã lên mạng xin kinh nghiệm của các bà mẹ về cách điều trị thủy đậu nhanh khỏi và không để lại sẹo.

Thực hư về loại nước lá tắm không để lại sẹo sau khi thủy đậu

Bài thuốc chữa thủy đậu từ nước nấu lá húng quế, lá sấu và muối trắng đang được thổi phồng trên mạng xã hội.

Chị L. đã nhận được vô số lời khuyên về cách chăm sóc con khi bị thủy đậu. Trong đó, có người khuyên nên dùng lá sấu, lá húng quế và muối đun sôi dùng nước dùng tắm cho trẻ nhỏ sẽ không để lại sẹo sau khi nốt phỏng đậu rụng hẳn. Bà mẹ chia sẻ bài thuốc này còn khẳng định rất hiệu quả và đã dùng cho con khi bị thủy đậu.

Một số bà mẹ khác thì cho rằng có thể dùng loại nước lá sấu, húng quế và cho thêm chút muối giã nát vắt lấy nước chấm lên nốt thủy đậu giúp nhanh xẹp và da không có sẹo.

Hiệu quả của bài thuốc lá trên như thế nào?

Trao đổi với Emdep.vn, Lương y Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho hay chưa từng nghe đến bài thuốc chữa thủy đậu bằng lá sấu, húng quế và muối trắng. Khi trẻ bị thủy đậu, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ có cách điều trị thích hợp. Nếu muốn dùng các vị thuốc nam để hỗ trợ điều trị bệnh thủy đậu thì cần phải được tư vấn của người có chuyên môn về Đông y.

“Trong Đông y, bác sĩ không dùng lá húng quế để điều trị thủy đậu. Lá húng quế có vị cay, tính nóng nếu dùng tắm bôi lên da có thể làm loét da thêm. Rau húng quế cũng không có kháng sinh để sát khuẩn trên da. Còn với lá sấu, dân gian có dùng để chữa mụn nhọt ngoài ra. Tuy nhiên, trong trường hợp bị thủy đậu thì không nên dùng”, Lương y Nguyễn Xuân Hương phân tích bài thuốc.

Thủy đậu là bệnh có quanh năm, nhưng mắc nhiều vào khoảng thời gian xuân hè, bệnh dễ lây lan nhanh qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng, dịch nước từ nốt phỏng thủy đậu. Trẻ mắc bệnh sẽ có biểu hiện sốt lạnh, đau đầu, chảy nước mũi, ho. Sau đó, trên cơ thểsẽ xuất hiện các nốt phỏng mọc lần lượt từ mặt, thân và xuống tới chân. Bệnh có thể tự khỏi sau 7 ngày nếu được chăm sóc và có chế độ dinh dưỡng tốt.

“Trong thời gian này phải duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho người mắc bệnh. Bệnh nhân cần vệ sinh cơ thể hàng ngày bằng nước sạch để hạn chế nhiễm khuẩn và bội nhiễm trên da”, Lương y Nguyễn Xuân Hương nói.

Lương y Nguyễn Xuân Hương khuyến cáo, không tự ý dùng các loại cỏ cây để bôi, đắp, tắm khi bị thủy đậu. Lưu ý người bị thủy đậu vẫn cần phải vệ sinh cơ thể hàng ngày, không kiêng kỵ theo truyền miệng của dân gian. Tắm sẽ giúp cơ cơ thể sạch hơn và giảm vi khuẩn có trên da tránh được nguy cơ bội nhiễm.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 tông màu trang phục mà nàng nào cũng nên có trong mùa Giáng sinh