Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải việc các trường hợp sản phụ "đặc biệt" phải gây mê toàn thân
Tin liên quan
Sản phụ rau tiền đạo, sản giật… phải gây mê toàn thân
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, những tai biến sản khoa nghiêm trọng của sản khoa trong thời gian gần đây đều rơi vào các trường hợp sản phụ bị rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, tiền sản giật… Cho nên, việc ra văn bản không áp dụng gây tê tủy sống với các bà bầu này là rất cần thiết, đây là những trường hợp đặc biệt dễ bị tai biến. Thay vì gây tê tủy sống các trường hợp này sẽ phải gây mê toàn thân mới đảm bảo.
“Cụ thể, những trường hợp sản phụ “đặc biệt” đã nêu như trên nếu áp dụng phương pháp gây tê tủy sống sẽ rất nguy hiểm. Vì sản phụ có thể bị tụt huyết áp, ngừng tuần hoàn và có khi phải trả giá đắt bằng tính mạng của mẹ và con”, Thứ Trưởng chia sẻ.
Các trường hợp khác sức khỏe bình thường thì hoàn toàn có thể dùng cách gây tê tủy sống. Hiện nay, có khoảng 95% các sản phụ được áp dụng phương pháp gây tê tủy sống và tỷ lệ không áp dụng rất nhỏ chỉ 5%.
Bản thân là người đứng đầu ngành sản phụ khoa, Thứ trưởng Tiến cảm thấy rất đau xót khi có sản phụ tử vong do sự cố y khoa. Chính vì vậy, bản thân Thứ trưởng đã phải ký văn bản chỉ đạo các cơ sở sản khoa, trung tâm sản khoa, bệnh viện sản khoa khi mổ lấy thai cho những trường hợp rau tiền đạo, tiền sản giật thì phải gây mê toàn thân để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người mẹ. Việc gây mê toàn thân có thể kiểm soát tốt hơn khi có biến chứng.
Biến chứng khi sản phụ gây mê toàn thân có thể xảy ra khi phẫu thuật nếu chảy máu ồ ạt. Bác sĩ phẫu thuật không thể cầm được máu cho bệnh nhân, nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Quá trình sinh khi bệnh nhân được gây mê toàn thân sẽ phụ thuộc vào cả êkip.
Gây mê toàn thân có thể thực hiện tại các cơ sở có khả năng phẫu thuật. Khi thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân không được ăn no. Trong trường hợp bệnh nhân ăn no sẽ phải hút hết thức ăn trong dạ dày.
“Trong trường hợp nếu các cơ sở không đủ trình độ và trang thiết bị để gây mê toàn thân hay đặt nội khí quản bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên để hồi sức cho bệnh nhân. Văn bản tôi ký chỉ mang tính nhắc nhở”, Thứ trưởng nói.
Không phải sinh mổ là an toàn
Trước đây kỹ thuật gây tê tủy sống có thể để lại di chứng đau đầu, tê chân tay do dùng kim lớn. Hiện nay, việc dùng mũi kim từ 27-29 thì di chứng hầu như không có.
Nói về nguy cơ biến chứng của gây mê tủy sống đối với những sản phụ “đặc biệt”, thứ trưởng Tiến cho rằng, từng có sản phụ bị tiền sản giật, rau tiền đạo bị tử vong do gây tê tủy sống vì không thể cấp cứu được. Ở các tuyến huyện, tỉnh khi xảy ra sự cố, việc xử lý sẽ rất khó khăn. Bệnh nhân có thể ngừng tim trên bàn mổ, rối loạn đông máu nguy cơ tử vong cao.
“Các chị em mang bầu, các chị em có ý định sinh lựa chọn phương pháp gây tê tủy sống nên yên tâm sử dụng”, Thứ trưởng Tiến nói.
Thứ trưởng Tiến chia sẻ, hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng cứ mổ lấy thai là an toàn, sinh mổ chọn ngày để con thông minh nhưng đó là quan niệm sai lầm. Trẻ sinh mổ sẽ dễ bị ngạt nếu hút nước ối không tốt.
“Việc lựa chọn phương pháp sinh thường hay mổ là do bác sĩ tư vấn lựa chọn. Bác sĩ sẽ tiên lượng được sự cố xảy ra để chỉ định cách sinh an toàn cho sản phụ" Thứ trưởng Tiến cho hay.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất