Phát hiện 1 nam thanh niên ở Đà Nẵng mắc virus Zika: Bệnh Zika nguy hiểm ra sao và lây qua những con đường nào?
Tin liên quan
Ngày 25/5, Bộ Y tế cho hay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh do virus Zika . Đó là bệnh nhân nam, 25 tuổi, địa chỉ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Kể từ khi ghi nhận trường hợp bệnh do virus Zika đầu tiên vào tháng 3 năm 2016 tại Khánh Hòa, đến nay cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc, số mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Vậy bệnh do virus Zika là gì và nguy hiểm như thế nào?
Bệnh do virus Zika là gì?
Bệnh do virus Zika (bệnh Zika) là một bệnh nhiễm virus chủ yếu lây lan khi bị muỗi đốt, phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh do virus Zika lây truyền qua muỗi lần đầu được phát hiện ở Uganda năm 1947 ở Khỉ Rhesus thông qua mạng lưới giám sát bệnh sốt vàng Sylvatic. Sau đó bệnh được xác định trên người năm 1952 tại Uganda và nước Cộng Hòa Tanzania. Ổ dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận ở Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương.
Con đường lây nhiễm bệnh Zika
Virus Zika lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi aedes bị nhiễm bệnh. Khi muỗi đốt một người bị nhiễm virus Zika, virus sẽ xâm nhập vào muỗi. Khi muỗi nhiễm bệnh sau đó cắn người khác, virus xâm nhập vào máu của người đó.
Ngoài lây truyền qua muỗi đốt là con đường chủ yếu, còn nhiều đường lây truyền khác có thể làm truyền virus Zika như:
- Lây truyền từ mẹ sang thai nhi
- Lây truyền qua quan hệ tình dục.
ARN của virus Zika cũng đã được phát hiện trong máu, nước tiểu, tinh dịch, dịch não tủy, nước ối và sữa của các bệnh nhân nhiễm virus Zika.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Zika
Hầu hết những người bị nhiễm virus Zika không có dấu hiệu và triệu chứng. Một số dấu hiệu và triệu chứng có thể bắt gặp bao gồm:
- Sốt;
- Phát ban;
- Đau khớp;
- Đau đầu;
- Kết mạc mắt đỏ;
- Đau cơ;
- Cảm giác đau ở lưng.
Theo một số chuyên gia, triệu chứng nhiễm virus zika có nhiều tương đồng với các triệu chứng sốt xuất huyết dengue. Dấu hiệu giúp bạn phân biệt được hai bệnh này là sốt do virus Zika thường không quá cao, tối đa là 38 độ C. Thời gian ủ bệnh của bệnh do virus Zika không rõ ràng, nhưng có thể là một vài ngày.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh virus Zika có thể khiến thai nhi có dị tật đầu nhỏ bẩm sinh.
Biến chứng của bệnh Zika
Trong hầu hết trường hợp, những người bị nhiễm virus Zika có thể phục hồi sức khỏe và các triệu chứng sẽ được cải thiện trong vòng 7-12 ngày.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh cần được điều trị tại bệnh viện do xuất hiện rối loạn thần kinh và bệnh tự miễn ở người bị nhiễm virus Zika.
Trong vụ dịch lớn tại Polynesia thuộc Pháp năm 2013 và Brazil năm 2015, Cơ quan Y tế các quốc gia này báo cáo ghi nhận các biến chứng thần kinh và tự miễn của bệnh do virus Zika.
Bệnh Zika nguy hiểm như thế nào?
Phụ nữ mang thai mắc bệnh virus Zika có thể khiến thai nhi có dị tật bẩm sinh như:
- Dị tật ở mắt;
- Mất thính lực;
- Suy giảm tăng trưởng;
- Tật đầu nhỏ;
- Khiếm khuyết ở não thai nhi
Tại Brazil, cơ quan y tế địa phương thấy có sự gia tăng nhiễm virus Zika trong cộng đồng cũng như sự gia tăng trẻ bị tật đầu nhỏ ở phía Đông Bắc Brazil. Cơ quan điều tra các ổ dịch do Zika đã tìm thấy ngày càng nhiều các bằng chứng cho thấy có sự liện quan giữa bệnh do virus Zika và bệnh đầu nhỏ bẩm sinh. Tuy nhiên, cần có các điều tra thêm để có thể hiểu được mối liên quan giữa đầu bé ở trẻ nhỏ và bệnh do virus Zika. Các nguyên nhân tiềm tàng khác cũng đang được điều tra.
Virus Zika cũng có thể gây ra các rối loạn thần kinh khác như hội chứng Guillain-Barre - một tình trạng mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh.
Hội chứng Guillain-Barre có thể do việc nhiễm một số loại virus và có thể ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi. Các triệu chứng chính bao gồm yếu cơ và cảm giác kiến bò (tê và ngứa) ở tay và chân. Các biến chứng nặng có thể xảy ra nếu các cơ hô hấp bị ảnh hưởng, cần phải nhập viện. Hầu hết các trường hợp bị ảnh hưởng bởi hội chứng Guillain-Barré sẽ phục hồi, mặc dù một số người có thể tiếp tục trải qua các ảnh hưởng như suy yếu.
Virus Zika cũng có thể gây ra các rối loạn thần kinh khác như hội chứng Guillain-Barre - một tình trạng mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh.
Phòng ngừa bệnh Zika bằng cách nào?
Hiện tại không có vắc-xin để bảo vệ chống lại virus Zika, vì vậy, việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh phụ thuộc vào việc giảm số lượng muỗi thông qua giảm nguồn (loại bỏ hoặc thay đổi điểm sinh sản) và giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người.
Các hoạt động có thể thực hiện để phòng bệnh:
- Sử dụng thuốc chống côn trùng.
- Mặc quần áo dài (tốt nhất là sáng màu) che các phần của cơ thể càng nhiều càng tốt.
- Sử dụng các biện pháp vật lý như đóng cửa sổ, ngủ màn chống muỗi…
- Làm sạch các vật dụng chứa nước như xô, chậu, lốp xe, bình hoa… để muỗi không có nơi sinh sản.
Điều trị bệnh Zika
Bệnh do virus Zika thường nhẹ và không cần thuốc đặc biệt điều trị. Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, và điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt bằng các thuốc thông dụng. Khi triệu chứng nặng hơn, cần tới các cơ sở Y tế để chăm sóc điều trị. Hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Theo Nhịp Sống Việt
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất