Ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở Bình Phước: Cẩn thận nguy cơ biến chứng và tử vong cao

2016-07-13 18:32
- Ổ dịch bạch hầu đã xuất hiện tại Bình Phước khiến cho 3 người đã tử vong. Trước tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vắc-xin và người lớn không có miễn dịch cần thận trọng vì bệnh bạch hầu có nguy cơ biến chứng cao.

Dịch bạch hầu xuất hiện chính hè liệu có bất thường?

Mới đây, tại hai xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã có 29 người có các triệu chứng sốt, viêm họng, ho, khàn tiếng, chán ăn... Được biết bệnh bùng phát từ ngày 24/6 tới nay và toàn huyện Đồng Phú đã có 3 ca tử vong trong thời gian ngắn.

Bình Phước: Bệnh bạch hầu bùng phát vào chính hè liệu có bất thường?

Cách phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm phòng vắcxin đầy đủ. Ảnh minh họa

Bạch hầu là bệnh lây lan rất nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, nhất là vào mùa đông – xuân. Hiện nay là chính hè, bệnh lại bùng phát khiến cho mọi người lo ngại về tính bất thường của dịch bạch hầu.

Tuy nhiên, giải đáp mối lo ngại này, GS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Bạch hầu bùng phát vào chính hè không phải là điều bất thường. Trước kia bệnh mang tính chất phổ biến và dễ bùng phát vào mùa đông – xuân nhưng từ khi có vắc-xin phòng ngừa chúng ta đã kiểm soát được bệnh. Hiện nay, bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Do bệnh xuất hiện ở người lành mang trùng, nên ở những nơi vệ sinh phòng bệnh kém, tiêm chủng chưa đạt thì dễ bùng phát bệnh. Đây là căn bệnh chưa được loại trừ ở Việt Nam nên nguy cơ mắc là điều dễ hiểu”.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bệnh bạch hầu thường xuất hiện ở trẻ nhỏ nhiều hơn là người lớn. Bệnh khởi phát là do nhiễm độc cấp tính vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có thể bị mắc ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết niêm mạc mũi họng của bệnh nhân.

“Cách phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Đối với những trẻ chưa được tiêm đủ vắc-xin cần phải tránh xa những nơi tập trung đông người. Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, đảm bảo nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói

Bệnh dễ gây biến chứng và tử vong cao

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh viện Bạch Mai, cho biết triệu chứng của người mắc bệnh bạch hầu thường là sốt, ho, đau họng, xuất hiện các màng giả. Bệnh diễn biến từ nhẹ tới nặng và phát triển theo ba hướng: hướng thanh quản, hướng tấn công vào tim và hướng vi khuẩn nhiễm vào máu.

Ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở Bình Phước: Cẩn thận nguy cơ biến chứng và tử vong cao

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, bệnh bạch hầu diễn biến nhanh và phức tạp, dễ gây ra biến chứng và thậm trí là tử vong.

Hướng thứ nhất, khi màng giả phát triển xuống thanh quản khiến cho bệnh nhân rất khó thở. Người bệnh sẽ ho hắng, thở nghe thấy có tiếng rít. Mức độ khó thở sẽ tăng dần, khi bệnh diễn biến nặng có thể gây tím tái mặt mày vì thiếu oxy và chết.

Hướng thứ hai, bệnh bạch hầu có thể phát triển lan vào thanh quản, nó gây hiện tượng nhiễm độc làm cho bệnh nhân tím tái, sốt rất cao, mệt mỏi. Khi bệnh tấn công vào tim sẽ gây ra viêm cơ tim làm nhịp tim chậm dần lại và ngừng đập. Trường hợp này là bạch hầu gây chẹn tim.

Hướng phát triển thứ 3 của bệnh này khi vào máu là gây ra nhiễm trùng máu và dẫn tới tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo bệnh bạch hầu thường diễn biến rất nhanh và phức tạp. Vì vậy nếu trẻ con và người lớn ở trong vùng dịch chưa được tiêm phòng khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh cần phải tới các cơ sở y tế để bác sĩ chữa trị.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cách phòng tránh bệnh bạch hầu:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.

Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng.

Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng.

Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

So kè khối tài sản của 4 nữ ca sĩ được đồn đoán giàu nhất Việt Nam