Lý do khiến trẻ có thể tử vong sau khi mắc sởi, phụ huynh phải biết để đề phòng từ khi bé mới mắc

2017-11-05 06:45
- Sởi là căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên đáng lo nhất là những diễn biến khó lường do bội nhiễm dẫn đến tử vong.

Thời tiết hanh khô, ít ánh sáng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm do vi rút phát triển trong đó có sởi, cảm cúm. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2017, mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận từ 2-3 trường hợp mắc bệnh sởi tới điều trị nội trú. Trong 3 tháng gần đây (tháng 8,9,10), số bệnh nhi mắc sởi tới điều trị tăng nhanh, cụ thể trong tháng 9 có 24 trường hợp tới điều trị nội trú, tháng 10 có 20 trường hợp. Số bệnh nhi tới điều trị sởi chủ yếu là trẻ dưới 1 tuổi nguyên nhân mắc bệnh là chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm vắc xin đầy đủ.

Ths. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, trẻ bị mắc sởi thường có triệu chứng điển hình là sốt cao từ 39-40 độ c, tới ngày thứ 3 trẻ sẽ xuất hiện phát ban trên da. Trình tự mọc của các nốt ban từ sau tai lan ra mặt và lưng sau tới 2-3 ngày sẽ lan ra toàn thân. Bệnh nhân có kèm thêm các triệu chứng bị viêm kết mạc (mắt đỏ, có rỉ mắt).

Vì sao trẻ dễ bị tử vong sau “hậu sởi”?

Bác sĩ Hải cho hay bệnh sởi có nguy cơ mắc rất cao ở trẻ không được tiêm phòng.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh sởi so với bệnh khác là kèm viêm đường hô hấp (hắt hơi, sổ mũi, ho khan). Nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách sẽ có nguy cơ bội nhiễm. Đây là căn nguyên nhiễm trùng đường hô hấp gây viêm phổi, nhiễm trùng đường tiêu hóa gây tiêu chảy, nhiễm trùng tai mũi họng gây viêm tai.

“Trẻ mắc sởi sẽ bị suy giảm miễn dịch rất nhanh, vì vậy bệnh nhân không bị tử vong vì bệnh sởi mà do bệnh khác (hậu sởi). Có nghĩa là sau khi bị sởi, bệnh nhân bị nhiễm trùng rồi mới tử vong. Nhiễm trùng sau khỏi sởi thường hay gặp là viêm phổi rất nặng, tiêu chảy rất nặng. Trước đây, khi trẻ chưa được uống vitamin A thường xuất hiện một biến chứng nữa đó là khô giác mạc, mờ mắt không hồi phục”, Ths. BS Đỗ Thiện Hải.

Ths. BS Đỗ Thiện Hải cho hay tác nhân gây ra bệnh sởi là vi rút sởi, một trong những nhóm vi rút đường hô hấp và có đặc điểm lây lan rất nhanh. Tỷ lệ mắc trẻ chưa tiêm vắc xin dưới 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin khi tiếp xúc với trẻ mắc bệnh nguy cơ mắc gần như là 100%, đây là điểm khác so với các bệnh lý lây truyền khác.

Phân biệt sởi với phát ban

Khác với các sốt phát ban do vi rút, bệnh sởi thường sốt cao và thường có thêm viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, ban mọc lần lượt theo thứ tự từ sau tai, ra mặt xuống ngực. Nếu là sốt phát ban thì ban sẽ mọc toàn thân chứ không mọc lần lượt và không có viêm kết mạc và đường hô hấp.

Ths. BS Đỗ Thiện Hải cho biết bệnh sởi là một bệnh cấp tính do vi rút gây ra nếu như đứa trẻ được chăm sóc tốt, không để bội nhiễm trẻ sẽ tự khỏi.

Diễn biến của bệnh sởi cha mẹ cần lưu ý như sau:

- Trẻ sốt cao từ 3-5 ngày sẽ dứt.

- Ngày thứ 3 sẽ phát ban (nếu không có biến chứng) mọc từ đầu tới chân, kèm theo viêm kết mạc, viêm đường hô hấp gây ho khan.

- Từ ngày thứ 4-5, ban sẽ mọc từ đầu tới chân, bệnh nhân đỡ sốt và các ban cũng mất lần lượt từ đầu tới chân chỉ còn các vết thâm, đứa trẻ tự hồi phục. Quá trình diễn biến bệnh từ 5-7 ngày.

- Nếu sau 5-7 ngày, trẻ vẫn sốt cao có thể cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 3 bảng mắt màu siêu siêu xinh, không mua hơi phí