Lời cảnh báo cho phụ huynh từ suy nghĩ 9 tháng chưa đưa con đi tiêm sởi mà đợi đến 12 tháng

2019-01-24 17:30
- Hiện nay, thời tiết Đông – Xuân là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh nguy hiểm thường gặp tấn công trẻ nhỏ, gây biến chứng trong đó đặc biệt là bệnh sởi.

Đừng chủ quan với bệnh sởi

Mới chỉ qua 3 tuần đầu năm 2019, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 32 trường hợp mắc sởi, trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chưa tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Để phòng chống bệnh sởi, không để dịch quay trở lại như năm 2014, biện pháp hữu hiệu được ngành y tế khuyến cáo là cần tiêm phòng sởi theo đúng lịch.

Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đang điều trị cho 12 bệnh nhân nhi dưới 1 tuổi mắc sởi đáng chú ý có những bệnh nhân nhi 12 tháng tuổi chưa được tiêm phòng sởi.

Điển hình trường hợp bệnh nhân nhi T. (11 tháng tuổi, Hà Đông, Hà Nội). Chị N. (mẹ của bệnh nhân nhi chia sẻ): “Lúc 9 tháng tuổi con chị chưa tiêm mũi sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì gia đình đợi con đủ 12 tháng tuổi đưa đi tiêm vắc xin dịch vụ 3 trong 1 MMR. Tuy nhiên, hiện chưa kịp tiêm cháu đã bị sởi. Vì thế gia đình rút kinh nghiệm sẽ đưa con đi tiêm đúng lịch tiêm chủng của chương trình tiêm chủng mở rộng”.

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Với những trẻ nhỏ khi mắc sởi gặp những biến chứng nặng về viêm phổi rất lớn. Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương phải xử trí ca bệnh nặng có những thở máy rất nhiều. Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm phòng  là một trong biện pháp giảm nguy cơ mắc sởi hữu hiệu nhất”.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do virus có trong nước bọt bắn ra không khí. Trẻ cũng có thể nhiễm virus sởi nếu như để tay tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, khăn mặt, quần áo… có virus sởi, từ đó đưa tay lên miệng hoặc mũi làm lây nhiễm virus.

Những trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho trẻ khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Sau khi tiếp xúc với virus sởi, người bệnh có thời gian ủ bệnh 7 - 15 ngày, sau đó mới phát tán thành các biểu hiện bệnh.

Lời cảnh báo cho phụ huynh từ suy nghĩ 9 tháng chưa đưa con đi tiêm sởi mà đợi đến 12 tháng

Tiêm vắc xin là cách phòng tránh hữu hiệu nhất

Theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, từ giữa năm 2018, trước nguy cơ dịch sởi gia tăng, Sở Y tế đã xin ý kiến của Thường trực Thành ủy và UBND Thành phố để triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn Thành phố; chiến dịch đã được triển khai từ cuối tháng 11/2018 và đến nay đã tiêm được 574.191/607.023 trẻ (đạt tỷ lệ 95%) việc này đã góp phần khống chế sự bùng phát và lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng.

Bác sĩ Khổng Minh Tuấn khuyến cáo phòng tránh bệnh sởi khi trẻ đủ 9 tháng tuổi cho tiêm mũi vắc xin sởi mũi I, đến 18 tháng tuổi phải cho trẻ đi tiêm sởi nhắc lại mũi 2. Ngoài ra đối với trẻ lớn chưa được tiêm sởi, cần phải cho trẻ tiêm bổ sung. Kể cả người lớn nhất là với phụ nữ trước khi mang thai 3 tháng nếu như chưa tiêm sởi hoặc chưa mắc sởi cần đi tiêm vắc xin sởi.

Phúc Linh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Mọi chuyện sẽ ổn thôi, cô gái ạ!