Đây là lý do thuốc bảo vệ thực vật có thể tồn dư trong máu của người không làm đồng và không trực tiếp phun trừ sâu?

2018-07-31 13:48
- Mới đây, theo cảnh bảo của chuyên gia, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật không có chỉ có ở người nông dân mà ngay cả người sống ở thành thị cũng có thể bị phơi nhiễm.

Trong một cuộc khảo sát phơi nhiễm chất trừ sâu mới đây tại Hà Nội của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), với 67 người được xét có tới 50% bị phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Trước đó, vào năm 2016 một cuộc khảo sát tại Lý Nhân, tỉnh Hà Nam về mức độ phơi nhiễm chất bảo vệ thực vật, kết quả cho thấy đã tới mức báo động. Điều đáng nói không chỉ người dân trực tiếp tham gia vào sản xuất mà người sử dụng, trẻ nhỏ không ra đồng đều có nguy cơ cao hấp thụ thuốc trừ sâu vào máu.

TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết thuốc bảo vệ thực vật sử dụng để giúp cho hoa màu tránh được sâu bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng cần tuân thủ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất (liều lượng, thời gian thu hoạch) để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Vì sao nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong máu cao ngay cả với trẻ nhỏ không bao giờ ra đồng

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi khiến cho số người có nồng độ tồn dư chất hóa học trong máu cao.

Hiện nay, vì lợi nhuận trước mắt, không ít người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan, liều lượng cao và thu hoạch ngay sẽ khiến cho phần lớn thực phẩm đưa đi tiêu thụ có tồn dư chất bảo quản thực vật. Các hóa chất sẽ được tích lũy trong cơ thể và gây ra những nguy hại khó có thể lường trước được cho sức khỏe.

Lý giải về nguyên nhân vì sao trẻ nhỏ, người không trực tiếp làm đồng vẫn có tồn dư chất bảo vệ thực vật, TS. Từ Ngữ cho rằng có rất nhiều con đường bị phơi nhiễm chất bảo vệ thực vật. Thứ nhất qua đường ăn trực tiếp những nông sản còn chất tồn dư; thứ hai qua đường không khí hít phải; con đường phơi nhiễm thứ 3 là qua đường nước và qua tiếp xúc trực tiếp.

“Trẻ nhỏ và những người không trực tiếp làm nông nghiệp có thể bị phơi nhiễm chất bảo vệ thực vật qua đường không khí. Tuy nhiên, mọi người không biết khi phun thuốc sâu, thuốc sẽ hòa vào không khí theo gió có thể đến được các luống rau không phun thuốc (nồng độ thấp hơn). Thuốc sâu rơi xuống đất sẽ ngấm xuống nguồn nước, sử dụng nguồn nước ngầm ăn uống sinh hoạt sẽ có nguy cơ bị phơi nhiễm thuốc bảo quản thực vật”, TS. Từ ngữ lý giải.

Khi nào sẽ là nguy hiểm cho cơ thể

Cảnh báo về mức độ nguy hiểm của việc tồn dư chất bảo quản thực vật trong máu, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa hóa, Đại học khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, tùy theo mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng mà mức độ gây độc sẽ khác nhau. Nhiễm độc cấp tính nếu như liều lượng cao, nhiễm độc mãn tính nếu tích lũy dần theo thời gian sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động trong cơ thể.

Vị chuyên gia hóa học này cũng giải thích thêm, người dân không nên quá hoang mang vì việc có thuốc bảo vệ tồn dư trong máu ở đây được hiểu rất vô cùng và chung chung. Chính xác hơn phải là có ở mức độ nào (gây ảnh hưởng tới sức khỏe hay không), vượt mức cho phép hay chưa, đã gây độc mãn tính chưa hay vẫn dưới hoặc bằng mức cho phép...

PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay: “Con người có cơ chế tự đào thải vì vậy nếu đã bị phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật cần phải cách ly khỏi môi trường có thuốc bảo vệ thực vật, tránh ăn những thực phẩm, rau quả có nguy cơ. Bên cạnh đó nên ăn các thực phẩm tốt chơ cơ thể, rèn luyện thể thao để đào thải chất độc”.

Người nông dân trực tiếp sản xuất khi sử dụng thuốc trừ sâu cần phải làm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, phun thuốc đúng cách và để đủ thời gian an toàn trước khi thu hoạch.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Tôi xin lỗi, vì đã từng gặp em