Cô gái 30 tuổi nhận kết quả loãng xương, bản thân sốc khi biết nguyên nhân 'ẩn' đằng sau

2018-05-22 15:09
- Trong một lần đo mật độ xương, cô gái 8X nhận được kết quả bị loãng xương khiến bản thân choáng váng.

Bất ngờ khi bị loãng xương quá sớm

Chị L.T.Ng (30 tuổi, Từ Liêm Hà Nội) trong một lần đo mật độ xương đã tình cờ phát hiện bị loãng xương. 30 tuổi đã bị loãng xương khiến cho chị Ng. rất lo lắng vì theo hiểu biết của chị loãng xương thường gặp ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh và người già.

“Tôi mới 30 tuổi, còn quá trẻ để bị loãng xương nên khi nhận kết quả rất bất ngờ. Tôi đang nuôi con nhỏ nên nên trong các bữa ăn hàng ngày vẫn luôn chọn các thực phẩm giàu canxi. Tôi không hiểu vì sao mình lại có thể bị loãng xương sớm tới vậy”, chị Ng. nói.

Chị Ng. cho rằng tình trạng loãng xương sớm rất có thể là do sau khi sinh con bị thiếu canxi. Tuy nhiên, chị Ng. cũng không cảm thấy bất cứ triệu chứng nào của việc bị loãng xương.

30 tuổi bị loãng xương người phụ nữ cực kỳ “sốc” khi biết nguyên nhân

Chị Ng. tình cờ phát hiện ra loãng xương khi kiểm tra mật độ xương.

Theo TS. Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện y học ứng dụng, trường hợp loãng xương sớm như của chị Ng. rất có thể bệnh nhân đã bị thiếu canxi ngay từ khi còn nhỏ. Chế độ ăn thiếu canxi khiến cho bệnh nhân không có sự tích lũy, sau 20 tuổi thì mật độ xương giảm dần. Khi mật độ xương giảm không có sự bù đắp cộng thêm quá trình sinh đẻ khiến cho bệnh nhân rơi vào tình trạng loãng xương sớm hơn so với lứa tuổi.

“Đối với trường hợp bệnh nhân này nên đi khám dinh dưỡng chuyên sâu để bác sĩ xem bệnh nhân đang gặp phải vấn đề gì. Bác sĩ dinh dưỡng sẽ xây dựng cho bệnh nhân một chế độ ăn thích hợp đồng thời bệnh nhân sẽ được bổ sung thêm một số vi chất”, bác sĩ Sơn nói.

Phòng loãng xương bằng cách nào

Triệu chứng loãng xương diễn biến rất âm thầm, không rõ ràng và khó nhận biết. Khi đã có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân thường đã bị loãng xương ở mức độ tương đối. Một số triệu chứng nhận biết loãng xương như đau nhức tại các đầu xương hay dọc theo xương dài tăng về đêm, đau cột sống. Khi bị loãng xương nặng, các đốt sống bị lún, xẹp dẫn đến gù lưng, cong vẹo cột sống, giảm chiều cao, cơ thể hay có giác ớn lạnh, bị chuột rút hay ra mồ hôi.

Ths.BSTrần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay: “Hậu quả của loãng xương sớm là khi bệnh nhân tới 40 tuổi có thể bị gãy xương chỉ do một va chạm rất nhẹ. Có những trường hợp bệnh nhân chỉ hắt hơi cũng có thể gãy xương. Gãy xương thường gặp ở vị trí cột sống, cổ xương đùi, xương cổ tay… tăng nguy cơ tàn tật và tử vong”.

Theo bác sĩ Nguyệt, để phòng loãng xương cần phải có chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và canxi, nên ăn toàn phần để tận dụng lượng canxi có trong thực phẩm như: ăn cá nhỏ nguyên con, ăn tôm tép nhỏ nguyên vỏ, rau xanh lá đậm, uống bổ sung thêm sữa và các chế phẩm từ sữa.

Ngoài xây dựng chế độ dinh dưỡng thì tập luyện là cách phòng chống loãng xương rất hiệu quả. Tập thể dục thường xuyên giúp vỏ xương dày lên.

Để hạn chế loãng xương, khi còn trẻ phải có chế độ ăn bổ sung canxi và tập luyện ngay từ khi còn nhỏ. Với người bị loãng xương nên điều trị tích cực, tăng cường vận động và thực hiện chế độ ăn uống bổ sung canxi để ngăn ngừa bệnh nặng thêm.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cảnh Điềm hóa 'thiên nga đen' khoe đường cong quyến rũ khiến fan mê mẩn