Ăn món ăn chưa được nấu chín, bé gái 5 tuổi mang trong mình sán lá gan, ấu trùng giun đũa
Tin liên quan
Nhìn con hồn nhiên vui đùa cùng các bệnh nhi khác trong phòng, đôi mắt chị Bàn Thị Linh (ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đỏ hoe. Con chị, bé Bàn Thị Trang chỉ mới 5 tuổi nhưng đã mang trong mình nhiều bệnh: ấu trùng giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn và sán lá phổi.
Chị Linh bảo rằng, ngày nhỏ, khi con ở với ông bà, thỉnh thoảng được ông bà cho ăn cua, còn rau sống bé tuyệt nhiên không ăn. Cộng với đó, nhà chị cũng nuôi chó mèo như rất nhiều hộ gia đình khác ở địa phương. “Tôi cũng không biết con lây bệnh từ đâu và từ lúc nào nhưng khi cháu lên 4 tuổi, người cứ gầy đi, bụng có dấu hiệu to lên, ăn uống kém. Thời điểm này cháu cũng chỉ có 14kg.
Sau quá trình điều trị tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, sức khỏe con tôi đã dần ổn định hơn. Tôi hi vọng cháu sẽ sớm khỏi bệnh và được ra viện”, chị Linh tâm sự.
Chia sẻ về ca bệnh này, BS.Phùng Xuân Hách – Khoa Khám bệnh chuyên ngành – Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, tháng 8/2018, bệnh nhân từng điều trị bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn tại Viện. Thời gian này khi bệnh nhân trở lại Viện, qua thăm khám, bệnh nhân vẫn dương tính ấu trùng giun đũa chó mèo và sán lá phổi.
Trước đó, Viện cũng từng tiếp nhận và điều trị một số ca bệnh bị sán lá phổi. Gần đây nhất có một bệnh nhân 43 tuổi với các biểu hiện ho, tức ngực kèm khó thở, thỉnh thoảng ho khạc đờm vào buổi sáng. Bệnh nhân này đã từng đi khám và nằm điều trị về lao phổi hơn 20 ngày tại bệnh viện tuyến Trung ương nhưng các biểu hiện trên không có dấu hiệu suy giảm. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, qua xét nghiệm, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương phát hiện bệnh nhân dương tính với sán lá phổi, soi đờm không có trứng. Bệnh nhân nằm theo dõi và điều trị khoảng 1 tuần tại Viện và xuất viện khi tình trạng đã cải thiện hơn.
Hay trường hợp một bệnh nhân hơn 50 tuổi ở Vĩnh Phúc cũng có các biểu hiện ho kéo dài, thỉnh thoảng sốt. Đi khám lao phổi ở bệnh viện tại Vĩnh Phúc, các bác sĩ nghi sán lá phổi và gửi mẫu bệnh phẩm xuống Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương. Sau khi làm xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bệnh nhân dương tính với sán lá phổi.
Về căn bệnh này, Ths.BS Trần Huy Thọ - Trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết, trước đây sán lá phổi có yếu tố dịch tễ vùng. Kết quả điều tra của Chương trình Quốc gia phòng chống giun sán cho thấy, chỉ có 1 số vùng trọng điểm bị nhiễm sán lá phổi.
Tại những địa danh trên, người dân có tập tục ăn cua đá. Trẻ em đi chăn trâu trên nương, ngoài đồng hay bắt những con cua trên đá nướng ăn nhưng có thể nướng chưa chín nên bị sán lá phổi.
Tuy nhiên, thời gian qua, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân có liên quan bệnh lý về phổi, đã từng thăm khám bệnh này ở một số bệnh viện tuyến Trung ương; một số trường hợp khác, bệnh nhân có triệu chứng về hô hấp… Sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương phát hiện bệnh nhân dương tính với sán lá phổi.
“Chúng tôi có chỉ định phối hợp với bệnh viện bệnh nhân đã điều trị để theo sán lá phổi thì triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện rõ, bệnh nhân hết ho, tràn dịch màng phổi ổn định, bạch cầu giảm. Nhưng đó cũng là câu hỏi mà các bác sĩ phải xem, liệu bệnh có dàn trải khắp nơi không quy vào vùng nào đó. Muốn vậy, phải điều tra xem vùng đó phong tục tập quán, thói que ăn uống ra sao… Để trả lời được câu hỏi, phải điều tra cộng đồng, điều tra ở địa phương xem có bệnh nhân hay không. Nếu chỉ có 1 vài ca bệnh lẻ tẻ thì không khẳng định được điều gì”, Ths.BS Thọ chia sẻ.
Cũng theo Ths.BS Thọ, hiện nay, 1 số tỉnh không phải nằm trong vùng lưu hành vẫn xuất hiện ca bệnh như ở Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình.
Tên nhân vật đã được thay đổi!
Thủy Nguyên
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất