Tại sao chúng ta nên tìm về với thiên nhiên?

2021-02-16 14:00
- Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sự gần gũi với thiên nhiên sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực về mặt thể chất, tinh thần, đồng thời nâng cao chất lượng các mối quan hệ.

Từ thuở xa xưa, trong thẳm sâu tiềm thức, con người đã luôn hướng về thiên nhiên. Điều này được thể hiện rõ nét xuyên suốt chiều dài lịch sử từ các nghi lễ linh thiêng giữa núi rừng hùng vĩ của những tộc người châu Mỹ cổ xưa đến truyền thống tắm rừng của người dân Nhật Bản hiện đại. Thiên nhiên là nơi chốn chữa lành và nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi chúng ta.

Với giả thuyết biophilia, giáo sư E. O. Wilson nhấn mạnh, con người có xu hướng bẩm sinh là luôn tìm kiếm sự kết nối với thế giới tự nhiên. Ông giải thích rằng dưới góc độ sinh học tiến hóa, con người yêu thích bầu không khí trong lành, thoáng đãng của thiên nhiên vì môi trường giàu tài nguyên này có thể cung cấp nguồn thức ăn phong phú và nhiều góc trú ẩn thoải mái, an toàn. Đây cũng chính là lý do vì sao trẻ con thường trở nên vui vẻ hơn khi được chơi đùa giữa thiên nhiên.

Bên cạnh đó, hơn 100 nghiên cứu đã chứng minh rằng việc hòa mình với thiên nhiên có thể tác động tích cực đến cơ thể, cảm xúc, quá trình tư duy cũng như sự tương tác xã hội. Những hoạt động này giúp làm dịu hệ thần kinh, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, tăng cường lòng rộng lượng, sự kiên cường và khả năng gắn kết giữa người với người.

Tại sao chúng ta nên tìm về với thiên nhiên?

 

LỢI ÍCH THẦN KỲ CỦA VIỆC HÒA MÌNH VỚI THIÊN NHIÊN

VỀ MẶT CẢM XÚC

Trong hành trình thám hiểm dãy núi trùng điệp Sierra Nevada của bang California, nhà tự nhiên học John Muir đã từng viết: “Hiện tại, chúng tôi đang ở trên đỉnh núi và cảm nhận linh hồn của tự nhiên rạo rực bên trong chính mình, vô cùng nhiệt tình và phấn khích. Các dây thần kinh run rẩy, mọi tế bào và lỗ chân lông đều được lấp đầy”. Rõ ràng, anh đã có được những trải nghiệm độc đáo khi đứng trước khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục.

Thế nhưng, khoa học lý giải thế nào về lợi ích thần kỳ của thiên nhiên đối với con người? Trong một nghiên cứu, đối tượng tham gia phải xem bộ phim tài liệu Planet Earth giàu cảm hứng trong vài phút, một video tin tức và một cảnh quay hài hước từ chương trình Walk on the Wild Side. Kết quả, sau khi xem xong Planet Earth, những người tham gia cảm thấy biết ơn hơn 31% so với các nhóm còn lại. Nghiên cứu này và nhiều dự án tương tự đã chỉ ra rằng, các video ngắn về thế giới hoang dã có thể khiến chúng ta thêm yêu mến thiên nhiên và biết ơn cuộc sống. Nhờ đó, sức khỏe thể chất và tinh thần của mọi người cũng được nâng cao.

Tại sao chúng ta nên tìm về với thiên nhiên?

Những cảm xúc tích cực khi bạn gần gũi với thiên nhiên cũng đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho các mối quan hệ xã hội. Một nghiên cứu của nhà toán học ứng dụng Frances Kuo và các cộng sự cho biết, khi sống gần không gian xanh (cây cối, công viên, bãi cỏ…), những người nghèo ở bang Chicago trở nên bình tĩnh hơn, các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) của họ giảm nhanh. Đồng thời, họ có xu hướng cư xử thân thiện, văn minh và thân thiết hơn với hàng xóm. Từ đó, mức độ bạo lực trong khu phố giảm rõ rệt. Một thống kê sau đó cũng xác nhận rằng, tỷ lệ tội phạm ở các khu vực có nhiều không gian xanh là khá thấp.

Ngoài ra, việc theo dõi các video về thiên nhiên thường xuyên sẽ xóa nhòa ranh giới giữa bản thân và người khác. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các tương tác xã hội. Trong một nghiên cứu của nhóm giáo sư thuộc 4 trường đại học uy tín của Canada và Hoa Kỳ vào năm 2015, sau khi ngắm nhìn một cây bạch đàn xinh đẹp, những người tham gia cảm thấy bớt tự ái và ích kỷ hơn.

VỀ MẶT THỂ CHẤT VÀ TINH THẦN

Bên cạnh tác dụng tăng cường cảm xúc tích cực, hạnh phúc, tử tế và vị tha, việc tiếp xúc với thiên nhiên còn mang đến nhiều lợi ích kỳ diệu về mặt thể chất và tinh thần. Một nghiên cứu do Catharine Ward Thompson và các đồng nghiệp thực hiện đã cho thấy, những người sống ở nơi có nhiều cây cối sẽ ít bị căng thẳng hơn hẳn.

Các nhà nghiên cứu khác cũng phát hiện việc hòa mình với thiên nhiên có thể làm giảm khả năng mắc bệnh trầm cảm, tim mạch và tự miễn dịch. Một nghiên cứu của tiến sĩ Roger Ulrich cho kết quả rằng, những bệnh nhân được ngắm nhìn thiên nhiên từ cửa sổ phòng bệnh có khả năng hồi phục nhanh chóng.

Sự hòa mình với thiên nhiên hoặc xem phim về thế giới động vật hoang dã có thể gây ra cảm giác thích thú, ngạc nhiên, tò mò, sợ hãi… Những cung bậc cảm xúc phong phú này mang đến nhiều lợi ích khác nhau, thúc đẩy quá trình hình thành tâm trạng hạnh phúc, hài lòng cũng như rèn giũa đức tính khiêm tốn và tấm lòng vị tha.

Có một số bằng chứng khẳng định rằng, việc tiếp xúc với thiên nhiên sẽ tác động tích cực đến bộ não. Bởi hoạt động này kích hoạt cơ chế phần thưởng tâm lý, giúp giải phóng hormone hạnh phúc dopamine khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ và tràn đầy năng lượng.

Tuy nhiên, đáng tiếc là ngày nay, mọi người dành quá ít thời gian hòa mình với thiên nhiên cũng như tận hưởng khí trời. Trong 30 năm qua, mức độ căng thẳng và cảm giác bận rộn của người dân ở mọi quốc gia trên thế giới tăng lên đáng kể. Vì vậy, nhà văn môi trường Richard Louv đã sáng tạo thuật ngữ “rối loạn thiếu hụt tự nhiên” để báo động về tình trạng này. Có lẽ, sự mệt mỏi và khổ đau của con người bắt nguồn từ cảm giác lạc mất kết nối với thế giới tự nhiên kỳ diệu, muôn màu.

Theo ELLE

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Suy sụp vì mất quyền nuôi con trai, Diệp Lâm Anh tiết lộ tình trạng hiện tại