Nhà thiết kế Đức Hùng- “Tôi chỉ có thể là Đào thế Nhật Tân”

Dương Linh 2015-02-12 11:30
- “Nhiều thứ rất khó trải hết bằng lời. Cái thăng hoa của Đức Hùng cùng nghề thiết kế, chỉ có thể giống như sắc đào Nhật Tân..."

“Nhiều thứ rất khó trải hết bằng lời. Cái thăng hoa của Đức Hùng cùng nghề thiết kế, chỉ có thể giống như sắc đào Nhật Tân được sinh trưởng và khoe sắc mỗi dịp Xuân về từ ủ ấp của đất đai, khí chất Hà thành. Tôi không muốn và cũng không thể thích nghi khi là đào lai, hay bất cứ thứ gì tương tự như thế”- Nhà thiết kế Đức Hùng.

Khác với sự hào nhoáng của một nhà thiết kế hàng đầu, luôn sánh vai cùng các hoa hậu và người đẹp nổi tiếng, nhà thiết kế (NTK) Đức Hùng ngoài đời giản đơn và đặc biệt rất đúng giờ. Cái chất “kẻ sĩ Bắc Hà” thể hiện rõ nét ngay từ câu nói đầu tiên: “Nói chuyện với bạn xong, tôi nghỉ Tết, du Xuân Hà Nội. Lịch của tôi năm nào cũng vậy”. Dù trước đó, facebook của anh khiến bất cứ ai cũng bật cười với câu chuyện “ngủ trưa ngày đông không dám đắp chăn vì sợ say giấc, quên mất công việc”.

Anh chia sẻ, từ khi độc thân tới lúc có gia đình, chưa năm nào có ý định đi du lịch vào dịp Tết. Phong vị dân gian và nét đẹp truyền thống "ăn sâu vào tận cùng tâm hồn" chàng trai phố cổ năm xưa, cứ thế lớn lên, tràn đầy và đưa Nhà thiết kế - NSƯT Đức Hùng trở thành cái tên nổi danh của làng thời trang cũng như nghệ thuật.

- Tại sao Đức Hùng chọn con đường trở thành một nhà thiết kế thời trang?

Năm 1986, tôi quyết định đi theo thời trang dù trước đó là một sinh viên trường Sân khấu Điện Ảnh. Nếu nói lý do, hãy tóm gọn mọi thứ đơn giản thôi. Vì tôi thích diện và yêu cái Đẹp.

- Phiêu và dám hết mình cho đam mê, điều gì khiến một người có bản năng nghệ sĩ lớn như Đức Hùng lại có thể say mê, an yên cùng mảnh đất kinh kỳ lâu đến vậy?

Chắc vì tôi là “trai phố cổ” (cười).

Được sinh ra, trưởng thành cùng nơi đây giúp tâm hồn, trái tim tôi thấm đẫm chất riêng của Hà Nội. Những món ăn, tiếng rao bánh khúc giữa đêm khuya, chợ hoa ngày Tết... Nó cùng tôi mỗi ngày, tự nhiên như hơi thở, nhưng bền bỉ và say mê. Tôi luôn cảm ơn các bậc sinh thành đã cho tuổi thơ của mình tràn ngập cái tinh tế, trong trẻo của Hà Nội. Mỗi dịp giao thừa, sau khi đi lẽ đầu năm là cậu bé Đức Hùng ngày đó bước nhịp chân sáo trên xác pháo đỏ đêm Xuân. Dòng người qua lại và hương năm mới tỏa ra từ những thành tâm kính cẩn của người Hà Nội cứ êm ả, dịu dàng trong tôi như thế.

Tôi hay tưởng tượng con người giống như cây cỏ trong thiên nhiên. Phải là miền đất đó, hoa mới có thể bung trào, đâm chồi nảy lộc tràn đầy sức sống. Tôi thuộc về Hà Nội, nói vui thì cái thăng hoa của Đức Hùng cùng nghề thiết kế hay nghệ thuật, chỉ có thể giống như sắc đào Nhật Tân được sinh trưởng và khoe sắc mỗi dịp Xuân về từ ủ ấp của đất đai, khí chất nơi đây. Tôi không muốn là đào lai, hay bất cứ thứ gì tương tự như thế. Và đương nhiên, càng chẳng tự đẩy bản thân vào một cuộc “xanh chín” nào đó phương xa dù những lời mời vẫn thường xuyên được gửi tới.

- Người ta nói làm nghệ thuật ở Hà Nội “khó” lắm. Còn anh thì sao?

Tôi thừa nhận làm nghệ thuật hay kinh doanh thời trang ở Hà Nội không dễ dàng. Bạn cứ tưởng tượng thế này, mỗi vùng miền đều có khí hậu rất đặc trưng. Nhưng duy nhất đất Hà thành, con người được nuôi dưỡng cùng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thay nhau biến đổi. Đẹp thì có đẹp, nhưng mỗi tiết trời lại sở hữu cái khắc nghiệt riêng. Nóng thì nóng vô cùng, tới khi lạnh lại cắt da cắt thịt, mưa phùn mờ mịt rồi một ngày trở nên dịu nắng, nhẹ nhàng. Con người nơi đây nhờ vậy mà thanh nhã, cũng vì thế mà chỉn chu, cẩn thận và tích góp. Họ kén manh áo phải là chất liệu phù hợp để ấm, để mát theo tiết trời. Họ cũng chẳng dễ dàng mở hầu bao, bởi nếu có thừa còn phải cất đi phòng khi trái gió trở trời, lo cho con cái.

Người Hà Nội thanh lịch, nhẹ nhàng nhưng đậm chất “kẻ sĩ Bắc Hà”. Họ kinh doanh với câu nói quen thuộc mà chỉ ai thuộc về mảnh đất này mới hiểu “có nên quên thôi”. Chỉ nghe bạn đã thấy nó lãng tử, bất cần đi kèm sự chỉn chu, logic và cẩn thận. Họ bán hàng lịch thiệp, mến khách. Có điều đằng sau từng công việc vẫn là cái tôi sắc sảo, không bao giờ “xin” để có được người mua. Thay vào đó là nỗ lực, học hỏi để “hữu xã tự nhiên hương”, từng giao dịch vừa lòng kẻ bán- đẹp lòng người mua.

Nhưng Hà Nội "khó" với ai, chứ tôi thì không. Với tôi, tất cả cái khí chất riêng biệt của nơi đây đã ăn sâu vào tiềm thức từ tấm bé. Vậy nên men say nghệ thuật của bản thân cứ điềm nhiên phát triển, tự tại giữa nhịp sống Hà thành.

- Vậy là anh có ưu thế, và chẳng gặp khó khăn nào?

Vì Hà Nội không “làm khó” Đức Hùng, nên tôi chưa bao giờ dám để bản thân “dễ dàng”.

Làm nghệ thuật, nhưng không bao giờ tôi muốn cùng cái phiêu cá nhân, gạt bỏ nền tảng tinh thần vốn có của dân gian. Bởi với tôi, có đi cả đời cũng chưa chắc hiểu được hoàn toàn cái chữ “truyền thống” quý giá. Áo dài với tôi là áo dài, không biến thể đặc biệt để gây sock. Nhưng nhìn vào người ta thấy ngay đó là của Đức Hùng, công nhận thiết kế này mang đặc trưng truyền thống. Không khó nhưng chẳng dễ dàng với tôi, là ở điều đó.

- Anh từng nói "làm nghệ thuật, không "điên" không làm được". Vậy thì cái “điên” của Đức Hùng ở đâu, khi anh quá nặng tình với truyền thống, với dân gian Việt Nam?

Tôi rất thích câu nói của một nữ minh tinh, bà đã trả lời phóng viên về công việc của mình rằng “Tôi làm nghề mà ai là người bình thường làm, người ta sẽ bảo bị điên”.

Khi làm nghệ thuật, bản thân bạn đã có sẵn chất “điên” trong mình. Với tôi, “điên” không phải là một thứ gì đó gây choáng váng khi xuất hiện. Nó là cái mà bản thân tôi chìm đắm, hóa thân vào mỗi ngày. Tôi xem và cảm nhận một vị Vua hay Hoàng hậu sống thế nào, rồi đau đáu sáng tạo sao với sắc đào thắm, với ký ức pháo Xuân năm xưa trên phố... Những cái đó, nếu một người bình thường tự nhiên làm chắc chắn là điên thật. (Cười)

- Theo anh, đâu là nét đặc trưng cho các thiết kế của mình?

Đó là màu sắc. Tôi rất tự hào với câu đùa “Phù thủy sắc màu” mà nhiều người gọi mình.

Trong dịp Tết tới đây, tôi sẽ mang tới cho người xem những sắc màu từ trò chơi tò he dân gian. Nếu hiểu truyền thống, bạn sẽ thấy các tông màu pastel, colour block, xu hướng layer... đã được các cụ sử dụng vô cùng tinh tế. Ai dám bảo những tà áo mớ ba mớ bảy là sự phối hợp không tinh tế. Yếm đào không hẳn là một chiếc áo hồng đào rực rỡ, nó còn là bước chuyển màu thanh nhã từ tông màu nude sang chiếc váy đũi giản đơn mà đẹp đến lạ kì.

Tôi yêu văn hóa dân gian, yêu giá trị truyền thống liên quan tới hai chữ Việt Nam. Vì thế, tôi không thích phá cách quá xa các khối hình mà người xưa đã dày công tạo dựng thành hình ảnh đặc trưng của con người Việt. Tôi lựa chọn màu sắc, thứ có thể giúp tôi sáng tạo, thăng hoa và đi cùng năm tháng. Và cũng bởi thế, tôi cảm nhận thiết kế của mình không bị áp chế, không có điểm dừng.

- Đâu là thời điểm khiến anh hạnh phúc nhất khi làm việc?

Tôi vui sướng nhất với quá trình đi tìm cảm hứng cho các thiết kế. Những lúc như thế này, tôi được làm những gì mình thích và đương nhiên, yêu tất cả mọi thứ bản thân đang trải qua.

Sáng tạo không có ngày giờ có định, nó đến một cách đầy ngẫu hứng cùng cảm xúc. Nhưng không có nghĩa một người thiết kế được tự do đón nhận mọi tác động và cho đó là hợp lý. Tôi học và rèn cho mình thói quen sống của người Nhật. Đó là trước khi đi ngủ, luôn nhìn lại một ngày đã qua, tự nhận xét và cân nhắc mọi điều. Chính vì thế, ngay cả khi bản thân chìm vào sáng tạo một cách hoàn toàn, tôi không bao giờ để bản thân bị lung lay, lạc lối.

Trong nghệ thuật cũng như thiết kế, Đức Hùng gìn giữ và bảo vệ cái tôi đến cùng là nhờ vậy. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu bản thân đã và sẽ luôn rất cẩn trọng cũng như tôn trọng các giá trị của đất nước mình.

- Nếu vậy, anh cảm thấy như thế nào nếu một bộ sưu tập của mình nhận lời chê?

Là một người làm nghệ thuật chân chính, bạn cần những lời chê để không ngừng hoàn thiện mình. Nhưng tôi sẽ đón nhận một cách văn minh nếu lời chê đó là văn minh.

- Là Trưởng đoàn phụ trách diễn viên của Nhà hát múa rối Thăng Long và danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, làm sao để anh duy trì năng lượng của mình nhiều đến vậy?

Thảm đỏ và những show trình diễn mang lại cảm giác hào hoa, tráng lệ. Còn sự cần mẫn, tỉ mỉ khi trầm mình hàng giờ liền dưới nước cho tôi thấm đẫm, không thể bỏ quên rằng cha ông ta xưa kia đã sống ra sao, người Việt Nam - tâm hồn Việt Nam đẹp đến thế nào dù nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả. Rồi cả kỹ năng của nghiệp diễn đưa tâm hồn tôi cháy hết năng lượng sáng tạo cho từng sản phẩm của mình.

Tất cả các hoạt động đó tách biệt trong đời sống, nhưng lại là những mảnh ghép hoàn chỉnh tạo nên bức tranh Đức Hùng. Quan điểm của tôi là nói những gì mình nghĩ và làm những gì mình thích. Sự liên kết của những mảnh ghép cho tôi cái biệt danh “kẻ thừa năng lượng”. (Cười)

- Anh từng nói bản thân bị ấn tượng mạnh với cảm xúc mà ngày hội, các dịp Lễ, Tết mang tới. Anh nghĩ sao khi áo dài trong Tết nay không còn là lựa chọn của số đông?

Tôi nghĩ ai lãng quên áo dài đang tự khiến bản thân có đôi chút thiệt thòi. (cười)

Áo dài là một trang phục cổ truyền, mang tính biểu trưng hình tượng đầy tự hào dân tộc, nhưng không kém phần thẩm mỹ. Một tà áo thướt tha trong sớm mùng một đầu năm khiến bất kì ai cũng cảm thấy xao xuyến, tự hào. Thi thoảng trên đường, tôi lại gặp hình ảnh những du khách du lịch hân hoan, ngưỡng mộ khi thấy một cô lễ tân khách sạn trong tà áo truyền thống trên đường. Thậm chí, họ còn xin được chụp ảnh cùng để lưu lại kỉ niệm.

Thực tế hiện nay, đã có rất nhiều bạn trẻ tự tìm tới áo dài cho những bộ ảnh kỉ niệm. Rồi dịp Tết, có nhiều bạn còn chủ động liên hệ để nhờ tôi tư vấn, lựa chọn thiết kế phù hợp để họ tặng bà, tặng mẹ và người thân của mình. Với Đức Hùng, thi thoảng có được nhân duyên gặp những yêu thương dành cho áo dài và trang phục truyền thống như thế là đủ.

- Vẫn quyết tâm đi theo con đường ít được số đông lựa chọn, liệu anh có cảm thấy chút lo lắng nào không?

Có thể bạn sẽ bất ngờ, nhưng áo dài mang tới sự ủng hộ, đón nhận rất lớn từ số đông công chúng trong và ngoài nước. Thực ra, tâm hồn mỗi người Việt Nam đều dành tình cảm cho những tà áo dài dân tộc. Bản thân người thiết kế áo dài thường được công chúng nhớ đến rất lâu. Hàng năm, giữa guồng quay hối hả này, những show trình diễn áo dài vẫn đón nhận đông đảo người xem. Còn bản thân tôi, với vị trí một nhà thiết kế trang phục truyền thống được công nhận, cái tên Đức Hùng thường xuyên có cơ hội giao lưu, ra mắt bộ sưu tập tại nhiều nước Châu Âu, Anh, Pháp, Mỹ...

Thiết kế áo dài không bao giờ phải đi sau Thế Giới, nó là của Việt Nam.Có đôi lúc, bạn “bỏ quên” áo dài để nhanh, để tiện. Nhưng con người nơi đâu, rồi cũng hướng về cội nguồn của mình. Tôi tự hào là một nhà thiết kế yêu và không ngừng tìm hiểu các giá trị truyền thống.

- Cùng xem các thiết kế mới nhất của Nhà thiết kế - NSƯT Đức Hùng:

Nhà thiết kế Đức Hùng- “Tôi chỉ có thể là Đào thế Nhật Tân”

Dương Linh
Ảnh NVCC

(Theo Congluan.vn)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hồng Đăng và Thanh Hương nói gì khi được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19?