Vì sao trẻ sơ sinh cắn khi bú? Những lời khuyên giúp mẹ khắc phục tình trạng này

Thiên Khuê 2024-02-01 14:43
- Trẻ sơ sinh cắn khi bú có thể khiến mẹ khó chịu và lo lắng. Emdep sẽ giúp bạn giải tỏa băn khoăn này và có cách cải thiện hiệu quả nhé.

Vì sao trẻ hay cắn vú khi bú sữa mẹ?

Bé cắn núm vú khi bú mẹ khiến bạn cảm thấy khó chịu và lo lắng cho sức khỏe bình thường của trẻ. Nhiều người còn nhầm tưởng rằng đây là dấu hiệu bé sẵn sàng cai sữa. Thực tế, mẹ nên cho con bú ít nhất cho đến khi 6 tháng tuổi.

Trẻ sơ sinh cắn khi bú có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên, nếu bạn hơi lúng túng ở lần đầu sinh con thì tư thế bế bé hoặc việc cho bé ngậm vú không đúng cũng khiến răng của trẻ chèn ép vú mẹ gây cảm giác như đang cắn.

Vì sao trẻ sơ sinh cắn khi bú? Những lời khuyên giúp mẹ khắc phục tình trạng này

Em bé cũng có thể có hành vi cắn núm vú nếu nguồn sữa chảy ra quá ít. Ngược lại, sữa chảy quá nhanh cũng khiến trẻ bị “ngộp”, động tác nuốt sữa theo không kịp mà vô tình cắn vào như một cách ngăn chặn dòng sữa.

Một lý do khác có thể do trẻ bị đau nướu do đang mọc răng. Trẻ thường có tật cắn khi bú như một cách để giảm đau tự nhiên. Đôi khi, nguyên nhân cũng có thể do trẻ đang buồn chán hoặc mất tập trung trong khi bú mẹ.

Ngoài ra, nếu mẹ không giao tiếp bằng mắt hoặc trò chuyện với bé khi cho con bú thì trẻ có thể cắn núm vú để tìm kiếm sự chú ý. Hoặc có khi bé ngủ thiếp đi ngay cả trong lúc bú mà vô tình nghiến hàm vào vú mẹ.

Một trường hợp cần quan tâm hơn chính là trẻ bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng tai. Những vấn đề sức khỏe này gây cản trở động tác mút và nuốt sữa nên em bé cắn trong vô thức. Nếu nghi ngờ những bất thường, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

Mẹo hay giúp mẹ khắc phục trẻ cắn khi bú sữa

Ngay cả khi bé có thể chưa hiểu được lời bạn nói thì vẫn nên tập thói quen cho trẻ phản ứng với mệnh lệnh. Hãy nói với trẻ “không nên cắn mẹ” với giọng điệu nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghị. Bé có thể quan sát biểu cảm của bạn mà dần dần “đọc” được lệnh.

Vì sao trẻ sơ sinh cắn khi bú? Những lời khuyên giúp mẹ khắc phục tình trạng này

Nếu trẻ sơ sinh cắn khi bú một cách liên tục, bạn có thể tạm thời gỡ bé ra khỏi vú, dừng việc uống sữa để giúp bé ý thức được hành vi cắn sẽ gây hậu quả gì. Trong giai đoạn này, mẹ có thể cho bé bú bằng cách vắt sữa vào bình và rèn cho bé không cắn núm vú.

Với trẻ đang mọc răng, mẹ cho bé nhai núm vú giả hoặc bánh quy chuyên dụng trước khi bắt đầu cho bé bú mẹ. Điều này giúp giảm bớt cảm giác đau ngứa nướu và bé ít cắn vú khi bú hơn.

Đảm bảo tư thế cho bé bú đúng cách. Môi của bé phải mở rộng và lưỡi khum lại quanh núm vú, thuận lợi cho động tác mút và nuốt sữa. Mẹ chú ý nên giao tiếp bằng mắt một cách ấm áp với bé để bé bú tích cực hơn.

Số lần cho bé bú cần thường xuyên để duy trì nguồn sữa chảy tốt. Khi phát hiện dòng sữa chảy quá chậm, mẹ nên tạm dừng cho bé ngậm vú và vắt sữa ra bình. Chú ý chế độ ăn uống lành mạnh để hỗ trợ sản xuất sữa mẹ.

Xử lý tổn thương núm vú do trẻ sơ sinh cắn khi bú

Mặc dù việc bé cắn núm vú hiếm khi gây đau nghiêm trọng nhưng đôi khi, trẻ cắn mạnh hoặc đột ngột cũng gây khó chịu, tổn thương da, thậm chí là nứt núm vú. Lúc này, mẹ nên xử lý tốt để đảm bảo sức khỏe và nguồn sữa.

Vì sao trẻ sơ sinh cắn khi bú? Những lời khuyên giúp mẹ khắc phục tình trạng này

Bạn nên làm sạch da bằng nước muối loãng để giảm đau và sát khuẩn. Lau khô, chườm lạnh và kết hợp dùng kem bôi theo chỉ định của bác sĩ. Trong giai đoạn này, tốt nhất bạn nên vắt sữa ra cho bé bú tạm thời, tránh núm vú lại bị tổn thương khi chưa lành hẳn.

Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ có biện pháp khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh cắn khi bú, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé được bú sữa tốt hơn.

Thiên Khuê (Theo Mom)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập Mông và đùi sau dễ nhất tại nhà