Mất thính lực ở trẻ: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Tin liên quan
Làm sao để theo dõi sức khỏe thính giác của con bạn?
Thính giác của trẻ vẫn còn đang trong quá trình phát triển để hoàn thiện. Trong quá trình chăm sóc, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng sức khỏe và làm tổn thương thính lực của bé. Bố mẹ nên theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện bất thường.
Thông thường khi vừa chào đời, trẻ sơ sinh đều được kiểm tra toàn diện trước khi cho mẹ xuất viện. Tuy nhiên, thính giác của trẻ vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ và cần kiểm tra lại trước 4 tuổi.
Mất thính lực ở trẻ không dễ nhận ra sớm vì nếu em bé chưa nói được và người lớn thiếu quan tâm trong sinh hoạt hằng ngày. Hãy chú ý những dấu hiệu sau đây vì nó có thể là cảnh báo vấn đề ở tai của bé.
- Bé có vẻ nghe được một vài âm thanh nhưng không phải toàn bộ.
- Bé không có phản ứng cần thiết với âm thanh được nghe
- Bé thiếu sự tập trung
- Xuất hiện những triệu chứng khó chịu ở tai (bé có thể biểu hiện bằng cách đưa ngón tay vào ngoáy tai, kéo tai hoặc khóc quấy…)
Trẻ bị mất thính lực sẽ ảnh hưởng đến những khả năng khác khi lớn hơn. Vì vậy, người lớn khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần tỉ mỉ quan sát mỗi một dấu hiệu bất thường, kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị.
Nguyên nhân gây ra vấn đề thính giác ở trẻ
Theo thống kê lâm sàng, có 2 loại mất thính giác là: Bẩm sinh và mắc phải. Trường hợp bẩm sinh là bé sinh ra đã bị khiếm khuyết thính lực. Đôi khi nó đến từ nguyên nhân di truyền (và không nhất thiết di truyền trực hệ từ bố mẹ).
Mẹ bầu nhiễm virus, bệnh sởi hoặc mụn rộp khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ tạo thành vấn đề thính giác ở em bé được sinh ra. Ngoài ra, bé nhẹ cân, sinh non hay bên trong tai bẩm sinh phát triển bất thường cũng dễ bị mất thính lực.
Mất thính lực mắc phải tức là em bé vốn có thính lực sau khi sinh, nhưng sau đó vì một nguyên nhân nào đó như chấn thương, nhiễm trùng do bệnh (thủy đậu, cúm, bạch cầu, viêm màng não…) mà làm giảm khả năng nghe.
Nếu trẻ phải sử dụng một số loại thuốc như thuốc hóa trị, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch… cũng có thể dẫn đến suy giảm thính lực nghiêm trọng. Một trường hợp khác là tích tụ chất lỏng trong tai cũng gây mất thính lực ở trẻ nhưng không vĩnh viễn.
Quy trình điều trị mất thính lực cho trẻ như thế nào?
Khi lo lắng về sức khỏe thính giác của con, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Sau khi tiến hành kiểm tra để xác định nguyên nhân gốc, sau đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Nếu là khiếm khuyết bẩm sinh, con bạn có thể phải phẫu thuật theo chỉ định.
Trường hợp nhiễm trùng tai, chấn thương hay tích tụ chất lỏng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc để giảm triệu chứng viêm, đồng thời điều trị bệnh nền dẫn đến giảm thính lực. Tùy theo độ tuổi, sức khỏe và tình trạng thính giác của bé mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án thích hợp nhất.
Phòng ngừa mất thính lực ở trẻ rất quan trọng
Một số nguyên nhân có thể không đề phòng được nhưng bạn cần nâng cao cảnh giác để giảm thiểu rủi ro cho em bé. Khi trẻ còn chưa nghe hiểu và đủ nhận biết, bạn không nên để đồ vật nhỏ hay sắc nhọn trong tầm với của bé.
Ngay cả tăm bông tưởng chừng có đầu bông mềm mại vẫn có thể gây hại thính giác của trẻ. Với trẻ lớn hơn, mẹ nên dạy cho bé cách giữ an toàn thân thể, khuyến khích bé không đưa vật gì vào bên trong tai hay mũi. Luôn giữ vệ sinh tai cho bé đúng cách.
Các thiết bị âm thanh và tiếng ồn trong nhà đều nên giảm tối đa. Không gian ồn ào không những ảnh hưởng xấu đến thính giác của trẻ mà còn cản trở giấc ngủ, dễ khiến bé khó chịu và khóc quấy.
Nếu trẻ bị bệnh, điển hình là nhiễm trùng tai thì nên có sự điều trị sớm. Bạn không tự ý mua thuốc cho bé vì dễ gây tác dụng phụ, khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn và điều trị càng phức tạp về sau.
Hy vọng bài viết sẽ giải tỏa nỗi lo của bố mẹ về mất thính lực ở trẻ, giúp bạn có biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Thiên Khuê (Theo Baby)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất