5 loại dị ứng da ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thiên Khuê 2023-12-23 08:30
- Dị ứng da ở trẻ sơ sinh có nhiều loại khác nhau. Emdep sẽ giúp mẹ tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý an toàn với từng trường hợp nhé.

Dị ứng da ở trẻ sơ sinh là gì?

Trẻ sơ sinh dị ứng da thường là tình trạng mãn tính, do phản ứng bất thường của hệ miễn dịch đối với các yếu tố gây dị ứng. Nguyên nhân khá đa dạng, có thể là do thức ăn, lông động vật, vết cắn, thuốc…

Biểu hiện điển hình của các chứng dị ứng da bao gồm sưng phù, phát ban, ngứa… Theo thống kê lâm sàng, có 5 loại dị ứng da phổ biến ở trẻ sơ sinh, điển hình là:

5 loại dị ứng da ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

- Viêm da dị ứng (hay còn gọi là bệnh chàm)

- Phát ban

- Nổi mề đay

- Viêm da tiếp xúc

- Phù mạch

Dị ứng da ở trẻ sơ sinh cần chẩn đoán nguồn gây bệnh chính xác để có biện pháp chăm sóc tại nhà hợp lý và điều trị hiệu quả. 

Phân biệt từng loại dị ứng da phổ biến ở trẻ sơ sinh

Viêm da dị ứng hoặc bệnh chàm

Đây là một loại viêm da mãn tính, dễ tái phát và khiến bé bị ngứa ngáy khó chịu, thậm chí nếu không chăm sóc và xử lý tốt có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Vị trí biểu hiện nặng và rõ rệt thông thường là ở mặt, các nếp gấp trên da.

Triệu chứng của bệnh chàm bao gồm phát ban, ngứa, xuất hiện những vết sưng đỏ, da bé bị khô. Nguyên nhân dị ứng này có thể là bụi bẩn, phấn hoa, lông vật nuôi hoặc xà phòng, nylon, len sợi, thực phẩm…

Mẹ nên cố gắng hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các nguồn dễ gây dị ứng do viêm này. Tuy nhiên, không khuyến khích tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được kê toa thuốc bôi ngoài da phù hợp.

5 loại dị ứng da ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Phát ban

Đây là một loại dị ứng phát ban do khi gặp tác nhân gây dị ứng, cơ thể bé sẽ giải phóng histamin và IgE để phản ứng lại, tạo thành hiện tượng sưng tấy bề mặt da, hay còn gọi là phát ban.

Những vết ban đỏ, mấp mô trên da, thậm chí có chỗ sưng tấy rõ rệt, chúng có đường viền hồng hoặc đỏ trong khi phần trung tâm màu nhạt hơn. Kích thước của các vết phát ban không đồng đều nhưng gây ngứa ngáy, khó chịu cho em bé.

Nguyên nhân gây phát ban cũng rất đa dạng, chủ yếu là lông hoặc phân thú cưng, virus, nhiệt độ cực đoan hoặc thực phẩm (sữa, sô cô la…), một số loại thuốc như penicillin, sulfa, aspirin, thuốc nhỏ mắt, thuốc nhuận tràng.

Thông thường, các triệu chứng của phát ban sẽ tự khỏi, nhưng mẹ có thể giúp bé giảm cơn ngứa bằng nước ấm. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê toa kem dưỡng da tại chỗ hoặc thuốc kháng histamin đường uống cho bé khi cần thiết.

Nổi mề đay

Một loại dị ứng da ở trẻ sơ sinh phổ biến đó là nổi mề đay, một chứng viêm mãn tính do côn trùng cắn, điển hình là ve, bọ chét, rệp, ruồi… Triệu chứng chủ yếu là các nốt mẩn ngứa như mụn nước, hình thành từng cụm biến mất sau vài giờ hoặc trở thành mãn tính.

Nổi mề đay sẩn do phản ứng với các vết côn trùng cắn thường tự giảm dần và không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu bé bị ngứa dữ dội, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi ngoài da, hoặc dùng thuốc kháng histamin tại chỗ.

5 loại dị ứng da ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm da tiếp xúc dị ứng

Đây là loại viêm da khi da của bé tiếp xúc với các chất dị ứng và thường phát bệnh cao nhất ở trẻ sơ sinh cho đến khi trẻ 3 tuổi. Triệu chứng điển hình là ngứa, da đỏ, khô, có vảy và đường viền rõ rệt, cũng có khi xuất hiện các túi chứa chất lỏng trên da.

Nguyên nhân có thể do trẻ tiếp xúc phần da cơ thể với các yếu tố như kim loại, cao su, nước hoa, thuốc nhuộm… Mẹ nên xác định nguồn gây dị ứng và loại bỏ nó, kết hợp dùng kem dưỡng ẩm cho trẻ em, lau người cho bé bằng nước mát và dùng thuốc theo toa.

Phù mạch

Đây là loại phản ứng dị ứng làm viêm các lớp sâu dưới da, nó có thể biểu hiện đồng thời với chứng phát ban hoặc chỉ bị đơn lẻ. Triệu chứng có thể xảy ra ở khắp cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở miệng, tay, chân, quanh mắt… Bị nặng có thể khó thở, khó nuốt, co thắt dạ dày.

Nguyên nhân dị ứng phù mạch có thể do đồ ăn, phấn hoa, côn trùng cắn hoặc thuốc uống. Bạn cần loại bỏ chất gây dị ứng, làm sạch các vật dụng mà trẻ tiếp xúc trực tiếp như ga trải giường, chăn gối, khăn lau, quần áo, rèm cửa… Trường hợp nặng nên hỏi ý kiến bác sĩ.

5 loại dị ứng da ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thông thường, các tình trạng dị ứng da ở bé không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau khi người lớn áp dụng một số biện pháp giảm triệu chứng tại nhà. Tuy nhiên, nếu bạn không xác định được nguyên nhân và em bé có biểu hiện bất thường thì nên đến bệnh viện ngay.

Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ có thêm thông tin về dị ứng da ở trẻ sơ sinh, có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa an toàn, hiệu quả cho bé.

Thiên Khuê (Theo Mom)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Diện chân váy ngắn giúp Minh Hằng, Thanh Hằng hack tuổi