5 cách đơn giản giúp bé hăng hái làm việc nhà

Anh Chi 2024-11-10 14:47
- Nhiều mẹ phàn nàn con mải chơi, không chịu giúp mẹ làm việc nhà. Vậy phải làm sao đây?
Trẻ từ 3-5 tuổi là cơ hội tuyệt vời để con rèn luyện kỹ năng làm việc nhà. Khi trẻ bắt đầu học hỏi, tham gia vào các công việc này, cha mẹ nên giữ thái độ kiên nhẫn, bao dung và động viên con.

Giúp bé cảm nhận được giá trị của mình

Ở giai đoạn này, trẻ rất háo hức khi được coi là "trợ lý" cho người lớn. Việc khen ngợi con vì giúp bố mẹ hoàn thành công việc nhà sẽ khiến bé cảm thấy công sức của mình được đánh giá cao.

Cho con quyền tự lựa chọn

Hãy đưa ra một danh sách các công việc trẻ có thể làm và để con chọn một hoặc hai việc. Cách này giúp con cảm nhận được quyền kiểm soát, khiến bé thêm chủ động và hào hứng với công việc đã chọn.

5 cách đơn giản giúp bé hăng hái làm việc nhà

Cụ thể hóa nhiệm vụ và làm mẫu cho trẻ

Những chỉ dẫn chung chung như “sắp xếp phòng” có thể gây bối rối cho trẻ. Thay vào đó, hãy chia nhỏ các công việc thành từng bước (như cất đồ chơi vào hộp, sắp xếp sách lên kệ) để con dễ hiểu và biết phải làm gì.

Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con chi tiết, giải đáp thắc mắc đến khi bé có thể tự làm. Kiên nhẫn là chìa khóa. Nếu con quên một bước, cha mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc nhở cho đến khi trẻ nhớ.

5 cách đơn giản giúp bé hăng hái làm việc nhà

Bỏ qua sự “hoàn hảo” và chấp nhận những sai sót

Đây là yếu tố quan trọng. Nhiều cha mẹ thường than phiền rằng khi con làm việc nhà, họ mất thêm thời gian dọn dẹp nên thường chọn cách tự làm. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, sự tham gia tích cực quan trọng hơn nhiều so với kết quả hoàn hảo.

Lời động viên của cha mẹ không chỉ củng cố sự tự tin, còn khuyến khích ý thức trách nhiệm của con đối với gia đình. Những lần sau, cha mẹ có thể nhẹ nhàng hướng dẫn bé để con tiến bộ hơn trong các công việc mình đảm nhận.

5 cách đơn giản giúp bé hăng hái làm việc nhà

Tạo không gian cho con phát triển dần theo từng giai đoạn

Khi trẻ thuần thục những công việc cơ bản, cha mẹ có thể nâng mức độ yêu cầu, mở rộng phạm vi nhiệm vụ của con trong một môi trường an toàn. Ví dụ, nếu bé đã quen với việc phân loại quần áo trước khi giặt, bước tiếp theo có thể là học cách vận hành máy giặt dưới sự giám sát của cha mẹ.

Gia đình là "ngôi trường" đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Bên cạnh kiến thức sách vở, việc rèn luyện kỹ năng sống thực tế là yếu tố thiết yếu trong giáo dục gia đình. Những kỹ năng giải quyết vấn đề, thói quen tự giác, lòng yêu cuộc sống con học được từ môi trường gia đình sẽ theo bé suốt cuộc đời. Đây chính là những phẩm chất nền tảng giúp trẻ đạt được hạnh phúc, thành công trong tương lai.

Anh Chi (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những cung hoàng đạo cẩn thận họa thị phi bủa vây, tình cảm rạn nứt năm 2021