Tiết kiệm từ lương 8 triệu, giờ tôi nghỉ làm 3 năm vẫn đủ sống

2019-03-16 17:00
- Thử tiết kiệm 3 năm nay sau thời gian dài tiêu sạch, chị Minh (Bắc Giang) tự tin đã biết cách đến với tự do tài chính.

 Chị Minh 34 tuổi, đang làm tại một cơ quan nhà nước ở Bắc Giang. Mỗi tháng chị nhận lương chưa đến 8 triệu đồng, ngoài ra thi thoảng làm thêm, tổng thu nhập không quá 110 triệu đồng/năm. Song nếu có nghỉ việc, chị vẫn sống tốt trong 3 năm tới (mức chi tiêu khoảng 5 triệu đồng/tháng), nhờ vào khoản tiết kiệm thời gian qua. Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm tài chính của chị. 

Tôi kết hôn 7 năm, chưa có bé và sống cùng cha mẹ. Tuy nhiên do không biết chi tiêu mà thời con gái dù làm ra nhiều tiền hơn bây giờ nhưng tôi cũng chẳng có gì ngoài dăm bộ quần áo linh tinh. Tình hình vẫn tiếp diễn cho tới 3 năm sau cưới tôi vẫn không để dư ra được một đồng nào. Lắm lúc có việc cần, tôi phải vay mượn. 

Ở tuổi 30 mà không có một đồng giắt lưng, tôi tình cờ đọc được cuốn Bí mật tư duy triệu phú . Sau đó tôi liên tục đọc các cuốn: Đừng tỏ vẻ ta đây giàu có, Tự do tài chính tuổi 30, Người giàu nhất thành Babylon, The total money makeover... Sau này tôi còn tham gia các khoá học online và ảnh hưởng chủ nghĩa tối giản, đem tất cả kiến thức ấy áp dụng vào cuộc sống của bản thân. Kết quả đạt được là tôi có thể sống thoải mái trong vòng 3 năm tới mà không phải đi làm. Quan trọng hơn, tôi đã phần nào bước được trên con đường tự do tài chính và sẽ đạt được điều đó với kỷ luật cùng sự kiên trì. 

Để làm được điều đó, tôi có 3 bí quyết: 

Đầu tư cho bản thân 

Trong cuốn sách Người giàu có nhất thành Babylon , người khắc chữ Arkad đã hỏi ông Algamish, một người cho vay tiền về cách để trở nên giàu có. Ông Algamish đáp rằng: "Ta đã tìm thấy con đường để trở nên giàu có khi ta quyết định trích một phần trong tổng số tiền mà ta kiếm được dành riêng cho mình. Sau này, cháu nên học cách làm như vậy, bởi đây là bí quyết tạo nên sự giàu có". 

"Chỉ có thế thôi sao?", "Nhưng tất cả những gì cháu kiếm được là của cháu chứ?" Anh Arkad ngạc nhiên. Ông Algamish từ tốn nói: "Cháu thử nghĩ mà xem, làm thế nào cháu sống được ở Babylon mà không phải tiêu pha gì cả? Chắc chắn là cháu phải trả tiền cho người thợ may quần áo, thợ làm dép cho cháu. Rồi tiền để mua thức ăn và các vật dụng trong nhà nữa. Vậy số tiền cháu kiếm được trong tháng vừa rồi có còn là của cháu hay không? Và số tiền thu nhập suốt cả năm qua, cháu có giữ lại được đồng nào không? Nếu tất cả tiền bạc mà cháu làm ra đã phải chi trả hết sạch như vậy, nghĩa là cháu không còn một chút tiền nào dành cho mình. Vậy thì làm sao mà giàu có cho được".   

Tình huống đó hoàn toàn giống đời thực. Thông thường, mỗi khi nhận lương hàng tháng, chúng ta hay tính đến việc chi trả tiền cho những người khác bằng việc đi mua sắm, ăn uống... bởi nghĩ rằng mình đang quan tâm tới bản thân, chứ ít khi tính đến việc tiết kiệm. Nhưng sự thật lại trái ngược. Chi trả cho bản thân, hay nói cách khác tiết kiệm mới là hành động thiết thực nhất để thể hiện tình yêu với bản thân bởi vì bạn đang đầu tư cho tự do tài chính trong tương lai. 

Cách tốt nhất để hình thành thói quen tiết kiệm là hãy đơn giản hóa quá trình này bằng cách tự động hóa và coi như số tiền đó không tồn tại. Bố tôi vẫn thường nói: "Hãy quên lãng nó đi và con sẽ có số tiền không hề nhỏ". Vậy nên việc đầu tiên tôi làm khi có bất kỳ khoản thu nhập nào là trích ít nhất 10% để chi trả cho bản thân thông qua hình thức tiết kiệm online. 

Sống cùng cha mẹ được hỗ trợ ăn uống, chưa có con cái và ở quê ít tốn kém nên tôi thường tiết kiệm online hoặc nuôi lợn đất. Thường tôi sẽ bỏ ít nhất 500 nghìn đồng mỗi lần để khi mổ lợn số tiền sẽ được nhiều hơn. Đối với những khoản bất ngờ nhận được (thưởng, dịch sách...) thường tôi cũng gửi 50% số tiền vào tài khoản hoặc lợn trước khi chi tiêu. Sau 8 tháng đến một năm, mỗi lần mổ lợn trung bình sẽ được khoảng 50 triệu đồng. 

Tiết kiệm từ lương 8 triệu, giờ tôi nghỉ làm 3 năm vẫn đủ sống

  Luôn có quỹ dự phòng 

Nhưng trước khi tiết kiệm tôi đã lập quỹ dự phòng (tầm 20 triệu) và quỹ khẩn cấp cho 6 tháng tiêu dùng (60 triệu) nên tôi đã không phải moi lợn hay vay mượn lần nào, từ đó yên tâm tiết kiệm dài hạn. 

Tôi từng đọc đâu đó có câu chuyện có một chàng trai đến xin làm tại nông trại nọ. Người chủ trại bèn hỏi anh "Thế cậu sẽ làm gì khi trời mưa vào ban đêm". Anh chàng liền đáp "Tôi vẫn ngủ bình thường". Người chủ dù lòng đầy nghi hoặc vẫn nhận chàng trai kia vào làm. 

Một đêm nọ, giông bão nổi lên, người chủ tìm đến chỗ chàng trai và thấy anh vẫn ngủ ngon lành, ấy là bởi gia súc đã được đưa vào chuồng cẩn thận, đống lương thực để gọn gàng một chỗ... Người chủ chợt hiểu ý nghĩa sâu xa đằng sau câu nói tưởng chừng như vô trách nhiệm của chàng trai kia. 

Trong cuốn sách The total money makeover, tác giả Dave Ramsey đã đưa ra rằng, trong cuộc đời chúng ta giông bão ắt sẽ có ngày ập đến, dồn dập, liên tiếp. Chó cắn áo rách, dân gian đã có lời truyền từ bao đời nay, đó có thể là thất nghiệp, ốm đau, bệnh tật... Những bão bùng ấy có thể khiến ta lâm vào cảnh khốn đốn, thậm chí khánh kiệt nếu không có quỹ dự phòng. Tôi từng chứng kiến cảnh lãi mẹ đẻ lãi con nhanh như chớp mắt ra sao và vẫn hãi hùng thay cho người vay phải trốn chui, trốn lủi. 

Vậy nên hãy nhớ tới Quỹ dự phòng, cứu tinh của đời bạn chứ không phải ai khác. Một quỹ dự phòng trung bình là khoảng 3-6 tháng tổng chi tiêu của bạn tuỳ công việc ổn định hay thất thường. Trong trường hợp bạn đang mắc nợ thì nên dự trù khoảng 5 triệu trước khi bắt đầu trả những món nợ từ nhỏ đến lớn. Sau khi hoàn thành, hãy bắt đầu lại với Quỹ dự phòng của bạn. 

Lẽ dĩ nhiên số tiền bạn dự phòng khi chưa lập gia đình sẽ khác với những người có con. Nên rằng liệu cơm gắp mắm, hãy tự cân đối số tiền này. Một món đồ hàng hiệu, ăn hàng... chắc chắn không phải lý do khiến bạn rút tiền từ Quỹ dự phòng. Rõ ràng cuồng phong bão tố sẽ kéo đến nhưng khi có Quỹ dự phòng, đó là cái ô, thậm chí là ngôi nhà che chắn cho bạn tuỳ nền tảng. 

Tính thời gian sử dụng của món đồ 

Sau quá trình học tập tôi đã thực hành theo nguyên tắc khi mua đồ sẽ tính thời gian sử dụng món đồ được nhiều lần hay ít lần. Chiếc váy 200 nghìn có phải là rẻ so với chiếc váy một triệu bạn mua? Đắt hay rẻ thật ra cũng chẳng khó định nghĩa nếu bạn tính theo chi phí thực tế sử dụng mỗi lần. Giả dụ chiếc váy 200 nghìn chỉ mặc một lần rồi bỏ vì không thích, không hợp mốt, xuống mã, như thế một lần dùng đã mất tới 200 nghìn. Lại nói chiếc váy một triệu đồng, mỗi tuần mặc một lần và dùng trong vài năm vì kiểu dáng cổ điển, chất liệu tốt, mặc nó bạn tự tin..., thành ra giá trị sử dụng của nó mỗi lần còn rẻ hơn cả bó rau. 

Thi thoảng tôi vẫn ngó trang mua sắm nhưng lại dùng luật 24 giờ xem sau thời gian này có cần nữa không. Thường thì đến 90% là tôi không mua nữa. Bây giờ đồ của tôi hoàn toàn ổn cho 3 năm tới. 

Từ ngày học cách tiết kiệm, tôi luôn xác định sống dưới mức thu nhập, không hào nhoáng, không cần phô trương cho ai xem. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, con người thường có xu hướng không quan tâm tới người khác mà chỉ tập trung vào bản thân mình. Vậy cho dù bạn có đánh đổi vài tháng trời cày cuốc mua điện thoại xịn, bạn cũng chỉ nhận được sự chú ý trong vỏn vẹn vài phút mà thôi. Thế nên liệu có đáng đánh đổi thời gian quý báu để nhận được sự ngưỡng mộ ngắn ngủi từ những người xa lạ, để rồi lại phải chạy theo vòng tròn ấy cả cuộc đời mình. 

3 năm thực hành quản lý tài chính nghiêm ngặt, với tôi giờ đây nó là niềm vui, là thói quen, không cần phải đấu tranh nữa. Quan trọng hơn, giờ không còn nỗi lo về tài chính nữa tôi sẽ có thời gian làm những việc mình yêu thích. 

Theo Vnexpress

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 bí quyết làm đẹp giúp bạn ngay lập tức trẻ hơn 10 tuổi