Thuê trọ chữa bệnh: Nhà dột, giá cao, chủ nhà "chảnh"

Hoàng Sa 2014-08-21 08:13
- (Em đẹp) - Nhà trọ dột nát, ẩm mốc, giá điện nước đắt đỏ...kêu với chủ nhà nhận được những lời gắt gỏng khiến cho các bệnh nhân chạy thận đã khó khăn lại càng khó khăn.
Cố lách chiếc xe máy vào con ngõ hẹp chưa đầy một mét, phóng viên Emdep.vn ghé thăm xóm trọ giành cho những bệnh nhân suy thận đang điều trị tại Bệnh viện Nông nghiệp (Thanh Trì, Hà Nội). Gọi là "xóm có vẻ to tát nhưng thực chất ở đây chỉ có 10 phòng với 14 nhân khẩu. Những ngôi nhà ẩm thấp, dột nát, những mảng tường ố vàng ... được chủ nhà trọ cho thuê với giá 700 nghìn đồng/phòng.

Con đường vào xóm chạy thận Thanh Trì (Hà Nội) sâu hun hút, rộng khoảng 1m2.

Mỗi căn phòng rộng chưa đầy 10 m2, tối om với chiếc giường trên đó trải chiếc chiếu cũ, một chiếc ti vi nhỏ và xung quanh la liệt quần áo và... thuốc. Phía trên trần nhà là hệ thống áo mưa và những chiếc vòi "hút" nước để chống... dột

Có chỗ che mưa che nắng là tốt rồi

Thăm căn nhà phía cuối xóm trọ, phóng viên có dịp tiếp xúc với chị Thúy (Văn Giang, Hưng Yên). Ở độ tuổi 34 nhưng trông chị già nhiều so với tuổi, người mệt mỏi. Là một trong những cư dân lâu năm của xóm, chị Thúy cho biết, chị đã "định cư" ở đây được 8 năm. Ở quê chị cũng có chồng, có con nhưng từ khi biết chị mắc bệnh, chồng chị bỏ đi lấy vợ mới. Lên Hà Nội chữa bệnh, đứa con trai khi đó mới 8 tuổi, chị cũng phải để lại cho ông bà chăm sóc.

"Nhà cách thủ đô vài chục cây số nhưng tôi hạn chế đi lại để tiết kiệm tiền. Tôi sống được đến thời điểm này là do hàng tháng ông bà ngoại gửi tiền chu cấp. Lẽ ra, tôi phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ nhưng bệnh tật liên miên, bây giờ bố mẹ tôi vẫn phải vất vả kiếm tiền cho tôi chữa bệnh", chị Thúy xót xa kể.

Mỗi căn phòng rộng chừng 10m2 chứa lỉnh kỉnh đồ đạc nhưng xung quanh dột nát, được thuê trọ với giá 700 nghìn đồng.

Số phận của những bệnh nhân chạy thận, cả đời phải "sống chung" với máy móc. Hoàn cảnh gia đình nào cũng vô cùng khó khăn. Mong muốn duy nhất của họ là có một nơi che mưa, che nắng. "Ngày nắng ráo còn đỡ, chứ ngày mưa phải tất tả thu dọn đồ đạc, tìm mọi cách che chắn. Những hôm đi chạy thận, nếu trời mưa, tôi phải dùng áo mưa phủ hết đồ đạc không thì ướt hết. Bệnh tật đã khổ, không có tiền phải sống ở những nơi như thế này còn khổ hơn. Mùa hè thì như cái lò thiêu, rất nóng Nhiều lúc cả xóm đề xuất với chủ nhà lợp lại mái nhưng chỉ nhận được câu nói gắt gỏng "Ở thì ở, không ở thì dọn. Nghĩ mà buồn", chị Thúy chua xót kể.

Các vật dụng trong nhà đều rất đơn sơ.

Khu vực nấu nướng do các bệnh nhân chạy thận tự dựng lên rất ẩm thấp.

Có mặt tại căn nhà giữa xóm trọ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là "gia chủ" phải dùng chậu hứng từng giọt nước mưa thấm từ trên mái nhà xuống. Rót chén nước mời khách, ông Đương (Nam Định) chia sẻ, ông đưa vợ lên thành phố chữa bệnh đã được 8 năm. Trước đây, làm đủ thứ nghề để kiếm sống, giờ sức khỏe yếu, hai vợ chồng tôi chỉ trông vào vườn rau sạch và sự quan tâm từ xã hội.

"Nhiều người mắc bệnh suy có thể bị chồng con xa lánh nhưng tôi thì khác. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà tôi đều làm hết. Từ việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo,.. vợ tôi không phải động chân, động tay vào mấy việc trong nhà. Có duyên phận mới thành vợ thành chồng, bỏ thì phải tội lắm",
ông Đương nói. Bê chậu nước mưa đi đổ, ông Đương tiếp lời: "Vợ chồng tôi có chỗ ở như thế này là tốt rồi".

Vạ vật để tiết kiệm tiền

Nhà trọ hiện đang là nỗi trăn trở của nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhân ngoại tỉnh và người nhà khi đi chữa bệnh. Có mặt tại BV Bạch Mai (Hà Nội) lúc 11h đêm, không gian khá yên tĩnh. Dọc hành lang, ngoài sân khoa Tim mạch, bệnh nhân và người nhà mắc màn, trải chiếu nằm la liệt trên nền đất.

Khu vực hành lang của khoa Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), bệnh nhân và người nhà nằm la liệt trên đất.

Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Lan, 47 tuổi (Hải Dương) đang điều trị tại khoa Chạy thận nhân tạo cho biết, thu nhập gia đình ít ỏi, chỉ trông vào làm ruộng trong khi chi phí thuốc men vô cùng đắt đỏ. Các bữa ăn chị thường đi xin cơm từ thiện. Còn ở, thời gian đầu chị đi thuê trọ nhưng hơn một năm nay, chi phí nhà trọ tăng cao chị đành chuyển ra ngoài hành lang bệnh viện để ngủ.

Không có tiền thuê trọ, nhiều người lấy hành lang, ghế đá làm chỗ ngả lưng.

Người nhà chỉ được thăm bệnh nhân những giờ theo quy định, anh Hứa Văn Nam (Hưng Yên) lại tay xách, nách mang đồ đạc ra ngoài sân nằm chờ. Đến tối, anh mang đồ đạc về phòng nằm ngủ dưới sàn hoặc hành lang để trông vợ. Anh Nam cho biết, mỗi tháng đã phải chi tiêu trăm khoản từ ăn uống, thuốc men, đi lại. Giờ lại thêm khoản ở trọ nữa thì lấy đâu ra tiền.

"Tôi ở đây chăm sóc bà xã được khoảng 4 tháng rồi. Mặc dù, BV Bạch Mai có chỗ cho người nhà ngủ với giá 15 nghìn đồng/người nhưng hàng ngày tôi vẫn ngủ ngoài hành lang hoặc sân bệnh viện để tiết kiệm chi phí. Tính ra mỗi tháng cũng tiết kiệm được một khoản kha khá. Mình còn khỏe, lo gì",
anh Nam nói.

Vạ vật ngủ ghế đ

Nhiều người không có tiền mua màn, đành sử dụng áo mưa thay màn, tránh muỗi đốt và mưa nắng.

Vội vã xách túi quần áo vào khoa Cấp cứu, bà Nguyễn Thị Lan (Thái Bình) không giấu được vẻ mệt mỏi. Bà Lan cho biết, đã ở bệnh viện gần một năm nay, hết chăm chồng rồi tới chăm con bệnh. "Giờ hành lang, ghế đá, sân bệnh viện đã trở thành chỗ ngả lưng quen thuộc của tôi rồi. Một phần vì tiết kiệm chi phí, một phần cũng để chạy đi chạy lại cho tiện khi có việc cần", bà Lan chia sẻ.

Hoàng Sa
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 'Tuyệt tình Cốc' hút hồn phượt thủ khắp Việt Nam