Tết dương lịch vẫn mưu sinh cực nhọc của những phụ nữ tay búa, tay đục tạc đá

2017-01-01 08:37
- Tại thôn Phú Thượng (Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) ngày đầu nghỉ Tết dương lịch vẫn thấy hàng trăm phụ nữ vẫn lặng lẽ mưu sinh bằng nghề chẻ đá cực nặng nhọc này.

Đến làng chẻ đá Phú Thượng quá buổi trưa ngày đầu nghỉ Tết dương lịch, từ xa, tiếng cưa máy, tiếng búa, tiếng đục vang dội cả làng. Con đường nhỏ dẫn vào làng không khí vẩn đục vì mù mịt bụi. Nơi đây, mỗi ngày, có hàng trăm phụ nữ với tay búa, tay đục tạc nên những viên đá vuông vức, đủ hình thù theo yêu cầu của chủ.

Tết dương lịch vẫn mưu sinh cực nhọc của những phụ nữ tay búa, tay đục tạc đá

Đã hơn 60 tuổi nhưng bà Lê Thị Đông vẫn ngày ngày mưu sinh bằng công việc dường như chỉ dành cho cánh đàn ông.

Với hơn 8 năm gắn bó với nghề chẻ đá, không ít lần bị đá găm vào mặt, vào tay, thậm chí là gãy xương, nhưng bà Lê Thị Đông (61 tuổi, thôn Phú Thượng – Hòa Sơn – Hòa Vang – Đà Nẵng) vẫn cố gắng bám trụ vì miếng cơm manh áo.

Tết dương lịch vẫn mưu sinh cực nhọc của những phụ nữ tay búa, tay đục tạc đá

Lao động ở các cơ sở chẻ đá làng Phú Thượng hết 80% là phụ nữ. 

“Tôi già cả, sức yếu, làm chậm chạp nên làm được ít lắm. Mỗi ngày, tôi chỉ mong được trả công 50 nghìn đồng là mừng lắm rồi”, bà tâm sự.

Làm thuê cho trại đá bà Loan hơn 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Hằng (45 tuổi, thôn Phú Thượng) với đôi tay còn vết sẹo do búa đập trúng 3 hôm trước vẫn hì hục với những viên đá và búa đục.

Cạnh chị, đứa con gái lớn Nguyễn Thị Kiều Trinh (đang học lớp 6) vẫn còn nguyên bộ đồ đồng phục cũng hì hục chẻ đá phụ mẹ. Đứa bé gái lớp 6 với đôi tay nhỏ thó, gầy nhom, trên người độc một bộ quần áo đi học, không có bất kì trang phục bảo hộ nào luôn tay thoăn thoắt với những viên đá cứng đầu.

“Chẻ đá mệt không cháu?”, tôi hỏi. Đôi mắt trẻ thơ của Trinh ngước lên nhìn tôi cười như mếu: “Dạ mệt ạ!” rồi lại nhanh chóng cúi xuống với viên đá đang đục dở.

Tết dương lịch vẫn mưu sinh cực nhọc của những phụ nữ tay búa, tay đục tạc đá

Em Nguyễn Thị Kiều Trinh tranh thủ chẻ đá giúp mẹ sau giờ học.

Chị Hằng, mẹ bé tâm sự: “Nhà nghèo quá, chồng lại không có nghề nghiệp ổn định, làm thợ nề bữa được bữa không. Ba đứa con lại đang tuổi ăn tuổi học, nên tôi phải cố gắng làm thêm buổi trưa, buổi tối để có tiền lo cho con ăn học”.

“Để cho con mình vừa rời cây bút lại cầm ngay búa đẽo đá tôi cũng xót lắm, nhưng biết làm sao được…”, chị trầm ngâm, khuôn mặt buồn rười rượi. 

Theo số liệu của UBND xã Hòa Sơn, làng chẻ đá Hòa Sơn có 150 cơ sở sản xuất, phân bố ở 3 thôn là Phú Thượng, Phú Hạ và Xuân Phú với hơn 1.000 lao động, trong đó, hết 80% là phụ nữ.

Tết dương lịch vẫn mưu sinh cực nhọc của những phụ nữ tay búa, tay đục tạc đá

Dù công việc nặng nhọc nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi các chị.

Tết dương lịch vẫn mưu sinh cực nhọc của những phụ nữ tay búa, tay đục tạc đá

Tết dương lịch vẫn mưu sinh cực nhọc của những phụ nữ tay búa, tay đục tạc đá

Các bé phụ giúp mẹ sau giờ học.

Lí do các chị chọn công việc nặng nhọc này để mưu sinh vì gần nhà và vì không cần trình độ, bằng cấp gì. Lại có chị chọn làm công việc này vì để tiện đưa đón con đi học như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thiệt (48 tuổi, thôn Phú Thượng).

“Tôi lấy chồng muộn nên sinh con muộn. Con trai đầu lòng nay mới học lớp 3. Buổi sáng, tôi phải đưa con đi học xong mới quay về làm. Đến trưa, tranh thủ chạy đi đón con về xưởng để con tự chơi rồi làm tiếp. Mỗi ngày, tôi được trả gần 100 nghìn tiền công, cũng đủ để lo chi phí ăn uống cho cả nhà”, chị tâm sự.

“Chồng làm phụ hồ ngày làm ngày nghỉ, vì thế tôi phải làm việc hơn 10 tiếng một ngày mới có đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Hai tay tôi ngày trước mềm lắm. Từ ngày chuyển qua nghề chẻ đá này tay cứ chai sần lên và thô ráp hẳn. Còn sẹo thì thôi khỏi nói, nhiều lắm!”, chị Nguyễn Thị Tâm (45 tuổi) vừa thoăn thoắt đôi tay vừa nói.

Tết dương lịch vẫn mưu sinh cực nhọc của những phụ nữ tay búa, tay đục tạc đá

Theo ông Thành, chủ một cơ sở chẻ đá tại thôn Phú Thượng, cơ sở này có khoảng 30 công nhân thì hơn một nửa là phụ nữ. Hầu hết đều là gia đình nghèo, đông con, chồng không có việc làm ổn định. Vì thế, các chị chấp nhận chọn công việc nặng nhọc này vì hai chữ mưu sinh.

Người phụ nữ sinh ra đôi tay vốn dĩ chỉ quen với những công việc nhẹ nhàng như may vá, bếp núc. Vậy mà, những nữ phu đá ở làng Phú Thượng với đôi tay ấy lại có thể biến những viên đá to, gồ ghề trở nên mỏng toanh, trơn tru đẹp mắt. Rồi đây, những viên đá dưới bàn tay tài hoa của các chị sẽ được xuất bán đi khắp trong và ngoài nước, tô điểm thêm cho những ngôi nhà, những công trình thêm độc đáo.

Lam Phương

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Lisa (BLACKPINK) luôn được diện trang phục nổi nhất nhóm là vì lý do này