Người đàn ông gần 20 năm sửa giày giữa lòng Hà Nội và nhiều lần làm phúc cứu người giữa phố

2017-01-07 15:27
- Gắn bó với nghiệp sửa giày dép từ những năm 1997 cho đến nay, người đàn ông 50 tuổi Nguyễn Danh Thanh (tên thường gọi Trường Giầy) đã quá quen thuộc với người dân ở quanh khu vực Tòa nhà HITC, 239 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội và những nơi  lân cận.

Nghiệp sửa giày gắn vào thân từ lúc nào không hay

PV tìm đến địa chỉ sửa giày dép của ông Nguyễn Danh Thanh vào một buổi trưa muộn trong một con ngõ nằm trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy. Khác hẳn trong trí tưởng tượng ban đầu của PV về 1 quán sửa giày phải kín đáo hoặc khang trang một chút, nhưng không nơi sửa giày dép của ông Thanh chỉ là một khoảng trống rất nhỏ, được căng bạt lên che nắng che mưa.

Người đàn ông gần 20 sửa từng đôi giày giữa lòng Hà Nội và vị khách không bao giờ quên

Ông Thanh đang mải sửa giày cho khách.

Phải mất một lúc sau khách vãn chúng tôi mới bắt đầu được nghe ông kể về cơ duyên đến với nghề sửa giày dép. Gọi là nghề nhưng ông Thanh luôn nói nghề này không phải ai cũng làm được. Giờ càng ít người theo nghề này bởi thu nhập chỉ bình thường và vất vả.

Ông Nguyễn Danh Thanh sinh năm 1966, hiện đang sinh sống cùng vợ con tại Đan Phượng, Hà Nội. Hồi còn trai trẻ ông có một người cậu làm thợ cả nên đã xin đi làm phụ xây.

Nhớ lại về thời cơ cực, ông nói: “Ngày ấy tôi đi xây một thời gian khá dài vừa vất vả, cơ cực. Nghĩ công việc này sẽ không ổn định được lâu bởi sức khỏe bản thân chỉ có hạn nên tôi bắt đầu chuyển sang học nghề sửa giày dép”.

Vì có người em mở cửa hàng bán giày dép và sửa giày nên ông khăn gói lên chỗ em học và làm cho khách. Cứ thế, tay nghề của ông ngày một khá hơn. Sau khi có kinh nghiệm, ông tách làm riêng và bắt đầu với nghiệp sửa giày dép từ đó đến nay.

Người đàn ông gần 20 sửa từng đôi giày giữa lòng Hà Nội và vị khách không bao giờ quên

Với ông Thanh, nghề sửa giày đến với ông như một cái duyên trời định. Vì thế mà 19 năm theo đuổi nghề sửa giày dép, ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ hay nản lòng. Và mỗi lần tìm ra được một cách sửa giày mới là ông lại thích thú vô cùng.

“Mỗi đôi giày sẽ có cách sửa khác nhau, không ai học được ai và trong sách vở cũng không có. Thế nên người thợ phải làm nhiều sẽ rút được kinh nghiệm. Thêm vào đó phải sáng tạo thêm thì sản phẩm mình sửa mới hoàn thiện và đi được”, ông Thanh chia sẻ.

Đối tượng khách hàng đến với quán sửa giày của ông Thanh chủ yếu là sinh viên, chị em học cao học và những người dân quanh làng. Trung bình mỗi đôi giày, ông thu từ 5 đến 20 ngàn đồng. Với những người có hoàn cảnh khó khăn hay sửa ít công đoạn, ông thường không lấy tiền. 

Người đàn ông gần 20 sửa từng đôi giày giữa lòng Hà Nội và vị khách không bao giờ quên

Đồ nghề sửa giày dép theo ông Thanh gần 20 năm qua.

Trong gần 20 năm ngồi bên lề đường sửa giày dép, ông Thanh cũng có rất nhiều những kỷ niệm vui buồn trong nghề. Ông vui khi những sản phẩm mình sửa được khách hàng ưng ý, thậm chí còn trách khéo “Chú sửa chắc quá đi mãi không hỏng nên cháu không được mua giày mới...”. Thế nhưng cũng buồn vì có những khách hàng mà ông gọi là “quái thai”, lật lọng.

Ông Thanh nhớ lại, có người mang hai đôi giày giống hệt nhau đến nhờ ông khâu lại. Sau khi khâu xong trả tiền rồi thì vị khách ấy lại mang một đôi khác giống hệt ra bắt đền ông vì nói rằng ông chưa khâu. Không biết giải thích ra sao, ông đành ngậm ngùi làm thêm một đôi nữa trong sự ấm ức.

Không những vậy, có những lúc vì mải làm giày cho khách mà ông không may bị chính khách hàng của mình đang trò chuyện cướp mất đồ nghề, si đánh giày: “Hôm đó tôi đang làm cho khách, người này kể với tôi bị nghiện và hoàn cảnh gia đình khổ cực, cha mẹ ly tán. Vừa nói chuyện với khách, tôi vừa cắm cúi làm giày. Đang nói chuyện thì nhanh như chớp vị khách đó cướp đồ nghề của tôi và lấy mất hộp si đánh giày. Thời đó, mua được hộp si đánh giày tốn nhiều tiền lắm, tôi vội vàng chạy theo nhưng hắn vừa chạy vừa cầm kim tiêm nên không ai dám lại gần”.

Ông Thanh nói rằng nghề nào cũng có vất vả riêng, và những lúc bị mắng chửi đó đã tạo cho ông rèn được tính chịu đựng: “Làm nghề này phải nhẫn nhịn và biết kiềm chế vì cũng có nhiều vị khách cực khó tính hoặc tính Chí Phèo".

Nhiều lần làm phúc cứu người

Ít ai biết được, tuy chỉ là một người đàn ông sửa giày dép giữa phố Hà Nội nhưng trong 19 năm qua, người đàn ông này nhiều lần làm phúc cứu người bị nạn trên phố.

Ông Thanh nhớ như in năm 2007,  ông từng cứu sống một cô gái. Hôm ấy trời khá lạnh. Cô gái ấy đang đi cùng bạn trai gần chỗ cửa tòa nhà đối diện chỗ ông làm.

Đang đi bộ đến đúng bậc thềm thì cô gái bất ngờ ngã xuống đất: “Khi ấy gái này chắc bị tụt huyết áp hoặc tim có vấn đề nên ngã xuống đất, người tím tái không còn một giọt máu, tim ngừng đập tưởng như đã chết.

Nhìn thấy vậy tôi lúc đó cuống cuồng chân tay, chân cũng không kịp đi dép cầm lọ dầu cao chạy sang. Đến nơi, cậu bạn đi cùng hốt hoảng gọi taxi nhưng vì từng có kinh nghiệm thuở nhập quân ngũ nên tôi nói để cô bé đó nằm im, bảo bạn trai bôi nhiều dầu vào thái dương và day mạnh các huyệt cho lưu thông mạch máu. Một lúc sau cô bé mới tỉnh dần'.

Người đàn ông gần 20 sửa giày giữa lòng Hà Nội và nhiều lần làm phúc cứu người giữa phố

Góc nhỏ sửa giày của ông Thanh.

Ngoài ra, còn nhiều lần khác ông cứu người bị nạn. Hễ cứ gặp ai đó cơ nhỡ, nhỡ nhàng mà giúp được thì ông đều giúp. Ông tâm niệm mình còn giúp được ai thì giúp bởi cuộc sống giờ ngắn ngủi, không biết ngày mai ra sao. Hơn nữa, giờ đây nỗi lo về cơm áo gạo tiền với ông cũng không áp lực như xưa mà đã vơi bớt đi phần nào.

Để có ngày an nhiên với việc sửa giày như hôm nay, người đàn ông U50 này cho biết ông luôn có vợ và hai con bên cạnh. Vợ ông vì không muốn buổi trưa nào ông cũng phải ăn cơm một mình nên bà lại chọn làm nghề thu gom phế liệu quanh khu ông sửa giày. Cứ thế đôi vợ chồng luống tuổi ấy ngày ngày cùng nhau đi xe từ Đan Phượng lên Xuân Thủy, Cầu Giấy để làm mỗi người một công việc.

Hai người con của ông vì không muốn bố vất vả nên thường bảo bố mẹ ở nhà nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nhưng chỉ được vài hôm là tay ông lại không chịu nghe lời. Với ông được ngồi sửa giày cho mọi người là ông mãn nguyện bởi đó là niềm đam mê gần 20 năm qua của ông.

Nhiều người ví ông là “Người thợ sửa giày thân thiện nhất Hà Nội” bởi ở ông luôn toát lên một nét chân chất, mộc mạc và đặc biệt gương mặt của ông lúc nào cũng hiện rõ nụ cười hiền từ. Nụ cười ấy xua tan đi những nhọc nhằn vất vả trong lúc mưu sinh.

Người đàn ông gần 20 sửa từng đôi giày giữa lòng Hà Nội và vị khách không bao giờ quên

Người đàn ông sửa giày có tấm lòng thiện tâm luôn nở nụ cười thân thiện với khách hàng.

Chia sẻ với PV, Ông Nguyễn Thành Tân (Hà Nội) một khách hàng quen cho hay: “Tôi thường xuyên sửa giày dép ở chỗ của ông Thanh, ông sửa rẻ mà nhiệt tình lắm. Nhà tôi cứ hỏng giày là lại mang ra nhờ ông ấy sửa. Giờ cũng ít người sửa giày dép rồi có khi đi quanh một đoạn đường dài còn không có ai sửa. Tôi đang lo không biết sau này ông Thanh già rồi ai sẽ kế cận ông ấy đây”.

Còn với Bạn Nguyễn Thùy Linh (sinh viên ĐH Quốc Gia Hà Nội) bày tỏ: “Mình từng sửa giày ở chỗ chú, thân thiện và dễ mến, bao nhiêu năm rồi chú vẫn cặm cụi sửa từng đôi giày rất tỉ mỉ. Quán sửa giày của chú đã gắn liền với thế hệ sinh viên nghèo như chúng mình”.

Ngọc Bích

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bé gái có 1 trong 4 đặc điểm này từ nhỏ, lớn lên đích thị là mỹ nhân