Nghị lực phi thường của thí sinh khuyết tật tự đạp xe vượt gần chục km đến điểm thi

2017-06-24 09:15
- Là học sinh học giỏi Toán ở trên lớp, những môn khác Tính đều nắm chắc kiến thức nhưng nam sinh 19 tuổi này vẫn quyết định không xét tuyển thi Đại học mà chỉ dự định học làm bác sỹ thú y.

Nam sinh gắng gượng nhiều năm vượt qua dè bỉu của dư luận

Giữa tâm điểm của kỳ thi THPT Quốc Gia 2017, vượt hơn 40 km, tận gần 20 giờ tối, PV Emdep mới mới tìm được nhà em Nguyễn Trọng Tính (SN 1998), thôn Đồng Quýt, xã Hòa Sơn, thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. 

 THPTQG 2017: Nghị lực phi thường của cậu nam thí sinh xuất sắc khuyết tật đạp xe vượt gần chục km đi thi

Căn nhà của gia đình ông Tư nằm dưới một con dốc cao.

Mặc dù trời đã tối muộn nhưng từ lúc đi thi về, Tính vẫn chưa kịp thay bộ quần áo đồng phục mặc chiều nay. Đôi tay em đang thoăn thoắt thái thịt, chuẩn bị bữa tối. Em bảo: Bố mẹ em làm vườn cũng vừa về nên em nấu cơm phụ giúp bố mẹ”.

19 tuổi, Tính đi học muộn một năm, tuy nhiên so với các bạn cùng trang lứa, em có một thân hình nhỏ nhắn và khuôn mặt vẫn có phần trẻ con. Mặc dù một bên chân em bị teo nhỏ nên việc đi lại không nhanh nhẹn như người thường, nhưng trong trong giao tiếp, Tính không một chút rụt rè e ngại mà luôn toát lên sự tự tin, khẳng khái.

 THPTQG 2017: Nghị lực phi thường của cậu nam thí sinh xuất sắc khuyết tật đạp xe vượt gần chục km đi thi

Bữa cơm tối gia đình em quây quần bên nhau làm nhiều việc.

Kể về những phút giây tủi thân Tính từng nhận được khi bị khuyết tật 1 bên chân, em kể: “Sau khi rời trung tâm phục hồi chức năng, em được chuyển về học tập tại trường tiểu học trên địa bàn. Thời gian đầu em cũng tủi thân khi gặp những ánh mắt tò mò, những bàn tay chỉ trỏ và những lời nói bàn tán của một số người xung quanh về mình. Dù biết họ đang có những đánh giá không hay, nhưng cảm xúc buồn chán ấy cũng qua nhanh”.

Chia sẻ về sự khiếm khuyết trên cơ thể, Tính cho biết: “Những giây phút tự ti về bản thân mình đến với em rất hiếm hoi. Bởi ngày còn nhỏ, em có 3 năm điều trị tại trung tâm phục hồi chức năng trên Ba Vì. Trên đó em được chứng kiến nhiều hoàn cảnh éo le và bất hạnh vô cùng. Em ngẫm ra một điều, mình vẫn còn quá may mắn và hạnh phúc. Em có bố mẹ thương yêu, có các chị gái đùm bọc. Đó là động lực vô cùng lớn để em vượt qua những lời dè bỉu của dư luận”.

 THPTQG 2017: Nghị lực phi thường của cậu nam thí sinh xuất sắc khuyết tật đạp xe vượt gần chục km đi thi

Góc học tập giản dị của Tính trong buồng ngủ.

Quyết định không học đại học

Những năm học tiểu học và cấp 2, Tính đều đạt học sinh giỏi. Lên cấp 3 lực học của Tính nghiêng về một số môn nhất định nên 3 năm cấp 3 Tính đạt học sinh tiên tiến. Dù vậy, Tính vẫn là cây cổ thụ Toán học của lớp với điểm tổng kết kỳ 1 đạt 9,0 điểm, kỳ hai đạt 8,9 điểm.

Trong tất cả các môn, Tính học trội nhất hai môn, đó là môn Toán và môn Tin học (tổng kết 9,0 điểm). Khi bạn bè cùng trang lứa, ai cũng có một khát khao vươn ra ngoài, chinh phục các trường đại học lớn, để ước mơ có một công việc tốt ngoài thành phố, thì chàng trai sinh năm 1998 này có một quyết định hoàn toàn khác biệt. Các quyết định này của Tính đều có cơ sở vững chắc.

 THPTQG 2017: Nghị lực phi thường của cậu nam thí sinh xuất sắc khuyết tật đạp xe vượt gần chục km đi thi

Sau bữa tối Tính rửa bát và nhanh chóng chuẩn bị học ôn cho môn tiếp theo.

Tính kể: “Năm em đang học lớp 11, khi xem một chương trình thời sự và thấy tình trạng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng ra trường thất nghiệp rất nhiều. Hơn nữa, việc học Đại học đòi hỏi một năng lực nhất định, nếu mình không đủ năng lực mà theo học thì rất vất vả”.

Nam sinh 19 tuổi này chia sẻ thêm: “Như chị gái em, tốt nghiệp Đại học nhưng không xin được việc, cộng thêm tốn tiền của bố mẹ. Chính vì vậy, em có ước mơ trở thành bác sỹ thú y, học ngành này em có thể về phát triển chăn nuôi của gia đình và quan trọng hơn là em được gần bố mẹ. Nếu đi làm ở ngoài thì tối về sẽ rất mệt, không có thời gian cho gia đình.

Ông Nguyễn Trọng Tư (51 tuổi) trầm ngâm nghĩ lại những ngày đầu đón chào cậu con trai ra đời: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Chương Mỹ, Hà Nội. Nhiều năm trước kinh tế gia đình khó khăn. Vì vậy, sau khi lấy vợ, hai vợ chồng tôi lên đây lập nghiệp.

Tôi có 4 người con, 3 cô con gái và Tính là con út. Ngày vợ tôi mang bầu Tính, kinh tế gia đình nghèo túng nên chẳng biết đến khám thai định kỳ. Cho đến khi sinh con ra mới thấy con một bên chân không bình thường, tôi cũng buồn”.

 THPTQG 2017: Nghị lực phi thường của cậu nam thí sinh xuất sắc khuyết tật đạp xe vượt gần chục km đi thi

Và chỉ khi khuya muộn, Tính mới chịu đi ngủ.

Sau đó ông Tư đưa con đi khám, các bác sỹ nói Tính bị nhỏ một bên chân. Trước đây chân Tính còn teo một bên và bàn chân bị cong. Vì thế, vợ chồng ông Tính đã phải cho con đi chữa trị nhiều nơi.

"Khi ấy nhà tôi còn nghèo quá mà tuần nào cũng phải đưa con ra viện ngoài Hà Nội để nắn chân. Nên mỗi lần đưa con đi lại phải đi mượn xe, vất vả lắm. Chi phí cũng tốn kém đáng kể. Nhưng được sự quan tâm của các chị và bố mẹ nên Tính rất tự tin và dũng cảm.

19 năm kể từ khi nó chào đời, dù mang trên mình hình hài không hoàn hảo nhưng con trai tôi không một lần than thở buồn phiền hay kêu than bất kỳ điều gì cả”, ông bố này nói. 

Theo ông Tư, ông có 4 người con nhưng tất cả đều được ăn học và có công ăn việc làm ổn định. Ba người con gái lớn của ông đã lấy chồng, giờ chỉ còn mình Tính ở nhà.

“Từ trước đến giờ, trong chuyện học hành tôi chưa bao giờ phải nhắc nhở con. Thằng bé rất tự giác thức khuya, dậy sớm để học bài. Kể cả bây giờ nó đang thi, nhưng về nhà thấy bố mẹ đang bận là biết vào phụ giúp bố mẹ.

Trong chuyện xét tuyển thi Đại học, tôi luôn tôn trọng quyết định của con trai. Nó còn trẻ nhưng rất biết suy nghĩ trước sau nên việc con quyết định không xét tuyển đại học, tôi không ý kiến. Tôi biết con tôi có quyết định đúng đắn”, ông Tư khẳng định.

Tâm sự về những thiệt thòi của con trai, bà Đàm Thị Hường (46 tuổi), mẹ của Tính cũng ngậm ngùi: “Thực ra, nếu nhà tôi có điều kiện một chút thì em nó không phải làm vất vả như thế này đâu. Nhưng vì vợ chồng tôi kinh tế eo hẹp nên ngoài việc đi học, em nó phải làm thêm với gia đình mọi vệc từ chăn lợn, gà, nấu cơm, dọn cỏ vườn phụ giúp chúng tôi. So với con trai thì Tính thuộc diện chịu khó và giúp đỡ bố mẹ được rất nhiều việc”.

Trước đây Tính không nói chuyện với ai, kể cả bố mẹ và các chị trong nhà. Nhưng thời gian giúp con tôi hiểu được tình cảm và sự quan tâm của các thành viên trong gia đình dành cho nên con tôi dần thay đổi và hòa đồng với  mọi người”.

 THPTQG 2017: Nghị lực phi thường của cậu nam thí sinh xuất sắc khuyết tật đạp xe vượt gần chục km đi thi

Teo nhỏ một bên chân nên mỗi sáng đi qua con dốc ngay trước cổng, Tính phải dắt xe rất vất vả.

Thấy con trai thiệt thòi, bà Hường dự tính sẽ cố gắng mua cho Tính chiếc xe đạp điện khi con thi đỗ vào lớp 10. Nhưng Tính từ chối món quà của bố mẹ. Tính bảo với bố sửa chiếc xe đạp mấy năm trước chị gái dùng đi học để làm phương tiện đi lại. Cứ thế, Tính tiếp tục gắn bó suốt 3 năm qua với chiếc xe đạp này.

Khi nhắc đến việc con trai không có ý định xét tuyển vào trường đại học, bà Hường bảo ban đầu bà cũng rất thắc mắc và hỏi lí do. Nhưng câu trả lời của Tính khiến bà rơi nước mắt: “Nó bảo nó muốn học ngành trung cấp thú y, sau này về làm việc ở nhà, phát triển những gì bố mẹ có sẵn làm cơ sở. Ngoài ra còn có thời gian chăm sóc bố mẹ khi già yếu. Nó không muốn bố mẹ quá lo lắng cho mình, Tính cũng nói rằng đợi thi xong và có điểm, nó sẽ xem xét xem phù hợp với trường nào sẽ nộp hồ sơ trường đó”.

Theo nhận định của bà Hường, con trai là người trầm tính và sống nội tâm. Mặc dù trước đây Tính rất ít nói nhưng từ sâu thẳm, nam sinh này là một chàng trai bản lĩnh và tự lập. Tính cũng rất biết suy nghĩ và quyết định tương lai của mình.

Cù Hiền

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 bài tập massage giúp mũi tròn to 'củ tỏi' thành cao thẳng, thon gọn như gái Tây