Lễ cúng ông Công, ông Táo: Mọi nhà nên cúng ở bếp hay trên ban thờ mới đúng nhất?

2019-01-25 10:00
- Theo các chuyên gia văn hóa, cúng ông Công, ông Táo trên ban thờ hay dưới đất hoặc ở trong nhà bếp đều không sai vì tùy thuộc vào quan niệm của mỗi vùng miền.

Cúng ông Công, ông Táo tùy theo sự khác biệt văn hóa của mỗi vùng miền

Theo Ts. Ngô Duy Thịnh (Viện nghiên cứu Văn hóa) cho hay, tục lệ thờ cúng ông Công, ông Táo (còn gọi là Táo quân) là một trong những tín ngưỡng văn hóa tốt đẹp được duy trì hàng nghìn năm nay của người Việt. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ điển tích “hai ông một bà". Cụ thể trong đó có vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Ba vị thần Táo quân trên sẽ định đoạt phước đức cho cả gia đình. Vì thế, hàng năm cứ tới ngày 23 tháng Chạp âm lịch, mọi người trong gia đình sẽ dọn dẹp nhà cửa, ban thờ chuẩn bị mâm cỗ mặn hoặc ngọt, ba bộ quần áo bằng vàng mã, ba con cá chép sống để tiễn Táo quân về chầu trời.

Táo quân sẽ lên báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế những điều mắt thấy, tai nghe, hành vi tốt, xấu của các thành viên trong gia đình một cách khách quan.

Cúng ông công, ông táo ở bếp hay trên ban thờ thì đúng?

Mỗi một dân tộc, vùng miền lại chọn những vị trí khác nhau để cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời báo cáo công việc của gia đình 1 năm qua. Đồng thời xin phước lộc cho gia chủ (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, hiện nay việc cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp đang có sự khác biệt. Có những gia đình chọn cúng ông Công, ông Táo tại gian bếp. Có gia đình lại cúng trên ban thờ, có nơi lại cúng dưới đất…

Lý giải về sự khác biệt trong việc thờ cúng này, Ts. Ngô Duy Thịnh cho rằng, đây là sự khác biệt của văn hóa. Khi ở không gian xã hội nào thì có đặc thù ấy. Cúng ông Công, ông Táo ở ban thờ tổ tiên hay cúng ở nhà bếp, cúng ở dưới đất đều không sai.

“Tùy theo từng dân tộc sẽ chọn vị trí thờ cúng ông Công, ông Táo ở những vị trí khác nhau. Ví dụ như người dân tộc Tày họ thờ cúng Táo quân trên ban thờ tổ tiên. Một số địa phương ở miền Bắc cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo dưới bếp. Có những nơi lại cúng ở trên bức vách ngoài cửa ra vào…”, Ts. Ngô Duy Thịnh nói.

Vị chuyên gia văn hóa này cho biết thêm, việc cúng tiễn đưa ông Công ông Táo ở mỗi không gian văn hóa rất khác nhau. Do đó, không thể nói cúng trên ban thờ là đúng và cúng ở bếp là sai được. Điều quan trọng nhất là lòng thành kính, ý nghĩa nhân văn (phóng sinh cá chép) mà tín ngưỡng này mang lại vì giúp sống nhân văn, hướng thiện hơn.

Ts. Ngô Duy Thịnh cho hay: “Khi cúng tiễn ông Công, ông Táo chỉ cần một mâm cỗ đơn giản có thịt gà, thịt lợn, xôi, cá chép, 3 bộ quần áo giấy… Không nên làm quá cầu kỳ, phô trương mà mất đi những nét tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc”.

Người miền Bắc thường cúng thổ công và 3 thần Táo ở trên ban thờ

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp của người miền Bắc được hầu hết mọi nhà cúng trên ban thờ. Còn người miền Nam cúng 3 vị thần này ở dưới đất. 

Lễ cúng ông Công, ông Táo: Mọi nhà nên cúng ở bếp hay trên ban thờ?

GS. Trần Ngọc Thêm cho hay, việc cúng các vị thần trên tại ban thờ của người miền Bắc chưa có một cơ sở lý giải nào nào chắc chắn vì sao như vậy. Nhưng theo phỏng đoán, người miền Bắc coi ông Công, ông Táo là thần. Vì vậy họ nghĩ, thần phải được thờ cúng trên cao, phải nhận được sự tôn kính nhất.

Vào ngày 23 tháng Chạp, người miền Bắc thường bày biện một mâm cỗ và 3 con cá chép, 3 bộ quần áo mới cho các vị thần trên để tỏ lòng thành kính nhằm tiễn đưa các Táo lên thiên đình báo cáo tình hình của gia đình trong năm qua.

Ngược lại: “Người miền Nam có tư duy dân dã, bình dân. Họ nghĩ  thần cai quản ở đâu thì thờ cúng ở đó. Vì vậy họ thường thờ cúng thần thổ công và các Táo ở dưới đất”, Gs. Trần Ngọc Thêm nói.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập đơn giản giúp làm thon gọn và săn chắc cơ thể