Công sở Hà Nội xôn xao ý kiến về dự thảo quy định chuẩn mực phát ngôn tại nơi làm việc

2017-10-06 09:25
- Sở VHTT Hà Nội đã trình lên UBND thành phố bản dự thảo quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ trong các cơ quan thuộc địa bàn TP. Nhiều chị em công sở đã bày tỏ nhiều suy nghĩ khác nhau về vấn đề này.

Mới đây, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội đã trình lên UBND TP Hà Nội bản dự thảo quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc địa bàn TP.

Theo đó, bản quy định này gồm 3 chương, 9 điều với nội dung định hướng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và đơn vị sự nghiệp công lập trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội về chuẩn mực văn hóa phát ngôn trong giải quyết công việc, quan hệ công tác với tổ chức và cá nhân.

Ngay sau khi thông tin về dự thảo này được đăng tải rộng rãi, nhiều chị em công sở đã bày tỏ nhiều suy nghĩ khác nhau về vấn đề này.

Cô Nguyễn Thị Dung - một công chức đang làm việc UBND quận Cầu Giấy cho biết, cô đồng ý với quy định mà dự thảo đưa ra, đặc biệt là quy định công chức không được phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.

Xôn xao ý kiến về Dự thảo quy định chuẩn mực phát ngôn của công - viên chức Hà Nội

Theo người phụ nữ này: "Một người công chức, viên chức làm công ăn lương của Nhà nước, đặc là các Đảng viên chính là những người phục vụ quần chúng nhân dân. Đạo đức, lối sống của con người thể hiện hết qua lời ăn tiếng nói. Nếu một viên chức nói tục, chửi bậy, đưa những thông tin chống phá lên mạng xã hội thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của đơn vị cơ quan đang làm việc".

Cô Dung cũng cho rằng, quy định này sẽ giúp các công chức, viên chức nâng cao ý thức, trách nhiệm, giữ gìn truyền thống văn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ, công/viên chức thanh lịch và văn minh hơn.

Tuy nhiên, một số người cho rằng dự thảo cần nói kỹ hơn nữa, như thế nào là phát ngôn tùy tiện, thế nào là quan điểm phiến diện thay vì chỉ nói chung chung, rất khó để mọi người hiểu được.

Chị Đặng Hồng Hạnh - viên chức tại một Bộ chia sẻ quan điểm: "Tôi cho những điều mà dự thảo muốn hướng đến là đúng đắn, sẽ giúp cho người lao động tại các cơ quan nhà nước ở Thủ đô có hình ảnh tốt hơn trong mắt người dân. Tuy nhiên, dự thảo có một số điểm còn chung chung, như quan điểm phiến diện thì không nói rõ như thế nào là phiến diện".

Chị Hạnh cho hay mỗi người có một cách nhìn vấn đề khác nhau, thậm chí là ý kiến trái chiều để tranh luận. Ý kiến tốt đối với người này nhưng đôi khi là phiến diện trong suy nghĩ của người khác. 

Nữ viên chức này đưa ra ví dụ, nếu có một vấn đề xã hội phát sinh, dân công sở hoàn toàn có quyền đưa ra ý kiến của mình và được đăng tải lên trang mạng xã hội. Ý kiến đa chiều đôi khi sẽ giúp định hướng dư luận tốt hơn và không ảnh hưởng gì đến mọi người.

"Con tôi còn đang tuổi đi nhà trẻ, đặt giả sử như con tôi bị cô bạo hành, tôi đưa ý kiến bức xúc của mình lên mạng xã hội thì đó có được xem là phiến diện hay không? Phát ngôn tùy tiện là phát ngôn thiếu suy nghĩ. Nhưng nếu tôi đã suy nghĩ chín chắn trước khi đưa lê mà trong mắt người khác là quan điểm phiến diện thì có vi phạm quy định hay không?", chị Hạnh nêu ý kiến.

Chị Lê Hồng Anh - giảng viên tại một trường Đại học tại Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm của mình: "Tôi cho rằng, việc đưa ra quy định không phát ngôn bừa bãi, đăng tải ý kiến phiến diện lên mạng xã hội cần rõ ràng và chi tiết hơn nữa.

Một ý kiến đưa ra không phải đối với ai cũng giống nhau. Có người cho là phiến diện nhưng cũng có người cho đó là bình thường, không có quy chuẩn nhất định. Theo tôi, nên có sự hướng dẫn chi tiết hơn, ví dụ như cấm việc dùng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ, bình luận những thôi g tin có nội dung xấu, xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hoặc đăng tải những thông tin hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức xã hội, xâm phạm đời tư người khác chẳng hạn".

văn hóa công sở

Xoay quanh vấn đề dự thảo quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn, một số chị em cũng nhận định, quy định người công chức khi phát ngôn phải hạn chế nói ngọng, nói lắp thì có phần hơi gò ép. 

Chị Lê Hồng Anh nhận định: "Người phát ngôn của cơ quan đơn vị thường là những người ăn nói dễ nghe, rõ ràng, đặc biệt những người thường xuyên tiếp xúc với nhân dân thì việc ăn nói còn phải chỉnh chu hơn nữa.

Nhưng thực tế, có một số người bị mắc tật nói lắp, nói ngọng rất khó bỏ, thậm chí còn thuộc về bệnh lý. Nếu bắt buộc những ai bị nói ngọng, nói lắp bỏ hẳn tật này khi trò chuyện sẽ rất khó cho họ, chẳng lẽ kỷ luật, phạt họ vì một căn bệnh hay sao?"

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 cách diện áo cổ lọ ôm sát chuẩn chỉnh như hội gái Hàn, diện theo thì style chỉ có sang xịn trở lên