Chuyện phía sau những người trồng đào nhọc nhằn cả năm chỉ để “chở Tết lên phố"
Tin liên quan
Bật khóc vì người mua trả giá “quá bèo”
Tại các con phố tập trung nhiều xe bán hoa rong tại Hà Nội như Yên Phụ, Hàng Lược, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Chí Thanh…, đào cành được bán ở đây từ rất sớm.
Chị Lê Thị Hoa (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) vô cùng hỉ hả vì mặc cả được một cành đào to để chơi Tết sớm chỉ với giá 100.000 đồng/ cành.
Người mang đào lên phố bán chỉ với mong muốn được giá để có cái Tết no ấm.
Trái với cảm xúc vui vẻ của người mua, người bán lại tỏ ra vô cùng tiếc nuối. Chị Thành, một người bán đào cành tại đây cho biết, do năm nhuận, dư một tháng, trời nắng nên chị buộc phải cắt đào cành bán sớm. Mất cả năm chăm đào,dậy từ sáng sớm chở đào lên phố, giờ phải “bán tống bán tháo” với giá rẻ mạt,chị thực sự cảm thấy “đau”.
“Biết làm sao được, vẫn phải bán để khỏi lỗ vốn. Được cành nào hay cành đó thôi”, chị Thành bộc bạch.
Đào cành được bán rất nhiều trên phố những ngày giáp Tết. Phương tiện chủ yếu để chở đào chính là xe đạp, xe máy.
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống trồng đào, chị Hương, một người bán đào cành trên đường Lê Văn Lương cho hay, đã có lần chị rớt nước mắt khi người mua mặc cả đào với giá quá bèo bọt.
Cành đào vừa to vừa đẹp, chị Hương phát giá 150.000 đồng. Khách lập tức trả giá…60.000 đồng. “Cảm giác lúc đó bực mình kinh khủng, chỉ muốn mang đào về nhà, không muốn bán chác gì hết nữa”, chị Hương bực bội nói.
Theo kinh nghiệm của chị, bán đào Tết rong trên phố chỉ được giá những ngày từ 23 – 29 Tết. Còn ngày 30 Tết, ngày cuối cùng của năm là ngày “đau tim” nhất. “Nếu năm đó đào mất mùa thì sẽ bán được giá. Nhưng nếu nắng ấm, hoa nở nhanh, đào được mùa thì thật thảm họa. Những cành hôm trước bán được 250 – 300.000 đồng/ cành thì ngày 30 Tết xuống giá còn 80 – 150.000 đồng/ cành. Trong khi đó, người mua ai cũng có tâm lý chờ đến ngày 29, 30 đi mua để tranh thủ mặc cả, ép giá mà không biết người trồng đào chúng tôi lời lãi chỉ biết trông vào mấy ngày Tết”, chị Hương giãi bày.
Chở cây đào “khủng” bằng xe máy là cả một nghệ thuật
Nói về nghề lên phố bán đào, chị Trần Thị Phương, một kiot bán đào tại chợ hoa xuân quảng trường sân vận động Mỹ Đình cũng tỏ ra khá âu lo. Đánh mấy chục gốc đào mang từ vườn ở Đại Mỗ lên chợ hoa xuân này, chị Phương chấp nhận mất thêm nhiều chi phí như vận chuyển đào bằng ô tô, xe máy, ăn uống, thuê địa điểm bán hàng.
Cây đào cổ thụ này có giá 10 triệu đồng.
Chỉ vào cây đào cổ thụ giá 10 triệu đồng được bày ở vị trí “đắc địa” của cửa hàng, chị Phương bảo “Đây là “nữ hoàng” của vườn đào đã có tuổi thọ rất lâu đời. Thậm chí trên thân cây còn có cả vảy rồng. Cây nào to nhất, đẹp nhất đều được mang lên đây bán cho được giá”, chị Phương cho hay.
Thế nhưng, không phải khách nào cũng biết giá trị của cây đào. Có không ít người vào trả đào với giá rất bèo làm chị thấy bực mình, nản đến nỗi không buồn trả lời.
Phương tiện chở những cây đào khủng là ô tô, xe máy.
“Giờ khách mua cũng rất sành. Tôi không nói thách, thường nói sát giá bán. Nhưng có những người mặc cả quá chát, không biết giá trị của cây đào. Chưa kể công vận chuyển rồi khi ra đây bán đào phải đứng suốt trong mưa gió rét mướt, mang lều bạt đi ngủ ngay tại trận, cắt cử nhau canh chừng 24/24. Chỉ cần một cây đào bị cẩu mất thì chỉ có nước khóc”, chị Phương tâm sự.
Để "mang Tết lên phố", những người dân trồng hoa đã phải trang bị cả lều bạt, ăn ngủ nghỉ ngay tại điểm bán hoa.
Sau khâu mặc cả, mua bán là việc vận chuyển đào đến tận nhà khách hàng. Anh Thái, một người có thâm niêm chở đào 5 năm cho biết, để chở được cây đào cồng kềnh đến nhà khách hàng trong tình cảnh phố nào cũng tắc là cả một nghệ thuật.
Chở ba cây đào cao ngất ngưởng chỉ bằng một chiếc xe máy cà tàng là cả một nghệ thuật.
Lịch trình làm việc của một người thợ chở đào là sáng dậy sớm, ăn sáng thật no, xăng đổ đầy bình rồi lên ruộng đào, địa điểm bán đào để làm việc. Một thợ chở đào sẽ phải biết làm rất nhiều đầu việc, từ đánh gốc đào, khuân, bê vác không khác gì một người…cửu vạn, thông thạo tất cả mọi ngõ ngách của Hà Nội để chở cho được nhiều chuyến nhất.
Người lúc nào cũng phải cúi để tránh đụng làm gãy tay đào, làm cây đào mất giá.
“Chẳng, buộc cây đào cẩn thận ở yên sau để tránh bị rơi trên đường đi. Còn đằng trước xe là một bao tải đất. Bao đất nhằm giúp xe không bị lật, vừa để khách hàng có đất trồng đào. Nếu cây đào nhỏ thì một lúc có thể chở được 3,4 cây. Nhưng có những cây đào khủng thì chở một cây đã mỏi nhừ vì lúc nào cũng phải vừa lái xe vừa cúi rạp người xuống, tránh đụng vào làm cụt, gãy tay đào quý”, anh Thái bộc bạch.
Theo tiết lộ của anh, nếu chăm chỉ, thu nhập của một người thợ chở đào mỗi vụ Tết được khoảng 15 – 20 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng “chịu được nhiệt” công việc vừa nặng nhọc vừa đòi hỏi sự khéo léo này.
Bài và ảnh: Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất