Cạm bẫy trên từng cây số của những phận nữ xe ôm
Tin liên quan
Hoàn cảnh khó khăn đưa đẩy phải làm nghề
Cứ khoảng 7h sáng, không kể ngày nắng hay mưa, chị Nguyễn Thị Nhàn lại lôi "con ngựa sắt" đã hơn 10 năm tuổi của mình ra khỏi nhà trọ ở Phùng Khoang (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) để đi đến khu tập thể Kim Liên bắt đầu công việc ngày mới.
Chị Nhàn kể, tính đến nay, chị đã có 5 năm thâm niên trong nghề chạy xe ôm ở Hà Nội. “Cần câu cơm” của chị là chiếc xe Wave đã cũ mèm nhưng do được chăm chút nên thường xuyên nên tiếng máy vẫn còn giòn tan và xe vẫn chắc nịch.
Chị cười bảo: “Cái nghề này quan trọng nhất là xe phải ngon, chỉ một lần trục trặc là khách cạch đến già”. Nói rồi chị nhoay nhoáy ngồi xuống tháo bugi ra lau chùi như một người thợ sửa xe lành nghề.
PV đùa: “Tưởng chị lên đời “ôm” bằng taxi rồi chứ?”. Chị cười hồn hậu: “Cũng muốn lắm chứ, chú nhớ cái Nga không? Lên đời “ôm” rồi đấy . Nó còn trẻ, lại có điều kiện kinh tế nên lên đời là phải. Chứ cứ lẹt đẹt như chị, tiền đâu mà học bằng lái, rồi đóng góp cổ phần nữa chứ”.
Nói tới đây, giọng chị bỗng chùng xuống: “Cả nhà có tới 3 cái tàu há mồm, ăn còn chưa đủ nói gì đến đóng góp cổ phần với chẳng cổ phiếu. Cứ nhàng nhàng thế này thôi”.
Chị Nhàn quê ở tận Thanh Hoá. Thuở con gái, chị đẹp có tiếng trong làng, đôi má lúm đồng tiền của chị khiến bao chàng trai say đắm. Nhưng số phận đưa đẩy, chị lấy chồng tận Nghệ An. Anh là một lái xe đường dài.
Khi hai con vừa bước vào tuổi ăn học, tai hoạ đã đổ xuống căn nhà chị. Xe của chồng chị Nhàn gây tai nạn giao thông khiến anh bị thương nặng. Sau gần hai năm nằm viện tốn kém cùng với khoản tiền đền bù cho nạn nhân xấu số, khi chồng chị vĩnh viễn ra đi cũng là lúc chị khánh kiệt.
Chị Nhàn đành phải bán căn nhà để trả nợ rồi đưa các con ra nhà người bà con ở Hà Nội làm thuê kiếm sống từ bấy đến nay.
Bất kể ngày nắng, ngày mưa, các chị vẫn dắt xe đi mong kiếm cho gia đình, con cái bữa cơm dù đạm bạc. Ảnh minh họa.
Nữ xe ôm này tâm sự: "Những ngày đầu mẹ con tôi ra đây, nhiều đêm tôi vùi mặt xuống gối để khóc. Nhìn thấy bữa ăn đầy đủ của nhà người ta mà thấy thương hai đứa con đến quặn lòng. Cũng may sau đó tôi gặp một người bạn tốt bụng. Người ấy thương mấy đứa nhỏ nên cho tôi mượn cái xe máy này để đi chở hàng thuê. Tôi mừng lắm".
Từ tháng 12/2013, chị Nhàn chính thức trở thành nữ xe ôm ở gần bến xe Giáp Bát. Nhờ có tiền chở hàng, chở khách nên dù có tảo tần vất vả, chị cũng cố gắng chịu đựng.
"Mới thế mà đã nhanh quá, đến nay 2 đứa con tôi đã khôn lớn. Con trai lớn của tôi giờ đã là một thợ sửa xe lành nghề, kiếm được mỗi tháng vài triệu đồng", chị Nhàn khoe.
Đã có lần, nghe lời con khuyên chị Nhàn đã nghỉ chạy xe ôm. Tuy nhiên, nghỉ mấy ngày chị cứ thấy buồn chân tay và nhớ những cung đường nên lại dắt xe ra bến chở khách.
Chị thở dài: "Tôi tên là Nhàn, nhưng chẳng thấy nhàn nhã tẹo nào. Nhưng thôi, dù sao ngẫm ra tôi vẫn còn hơn nhiều người".
Chị Nguyễn Thị Loan, 30 tuổi, trọ tại phường Lĩnh Nam - nữ xe ôm luôn thường trực trước cổng bệnh viện Nội tiết Trung Ương cũng có gần 5 năm trong nghề xe ôm.
Chị Loan bộc bạch: "Tôi quê ở Hưng Yên và theo chồng lên Hà Nội từ năm 2014. Khi mới lên Thủ đô, tôi cũng làm đủ nghề như bán nước chè, buôn hoa quả... nhưng đều thất bại. Cuối cùng, tôi theo chồng chạy xe ôm".
Những ngày đầu vì e ngại tay lái non nên chị Loan chỉ chở khách quanh khu trọ. "Lúc đầu tay lái của tôi còn non lắm, nhiều lúc đang đi trên đường, thấy tiếng còi ô tô cũng giật mình. Lại không thuộc đường nên thu nhập của tôi dạo ấy phập phù lắm", chị nhớ lại.
Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, được sự hướng dẫn của chồng và đồng nghiệp, chị nhanh chóng làm quen với công việc và trở thành "tài xế" xe ôm thực thụ. Giờ chị tự hào bảo, nhiều người Hà Nội gốc cũng không thể thuộc đường như chị.
Những cạm bẫy trên từng cây số của phận nữ xe ôm
Làm nghề xe ôm đã nhiều nguy hiểm rình rập, lại là phụ nữ làm nghề này càng có nhiều cạm bẫy bủa vây.
Theo lời chị Nhàn kể: "Khoảng cuối năm 2015, một khách bảo tôi chở đi Hà Đông với giá 50.000 đồng. Xe tôi vừa đề vào ga để đi thì một xe ôm nam lao xe thẳng lốp trước của xe tôi hất hàm: "Con điên, ai cho mày tranh khách của tao. Mày định phá giá thị trường à? Thằng kia, xuống ngay không bị đánh bây giờ". Khách sợ quá xuống xe chạy mất. Tôi vừa cãi mấy câu đã bị gã xe ôm nam cho một cái tát nổ đom đóm mắt. Uất quá, tôi khóc cả ngày hôm đó".
Lần khác, chị Nhàn lại được một ông khách khoảng 60 tuổi thuê về Sơn Tây. Trên đường đi mặc dù chị đã ngồi nhích lên nhưng một lúc sau vẫn cảm thấy "nóng" phần thân phía sau. Ông khách luôn miệng "anh", "em" và khen chị hết lời.
Biết gặp phải ông lão "dê già" nên chị đã khá kiệm lời để "chống đỡ từ xa". Nhưng đến đoạn đường vắng thì ông khách bỗng ôm lấy chị khiến chị phải phanh gấp, suýt ngã.
"Tôi đã phải nghiêm mặt lại bảo chú đừng làm thế, cháu chở khách kiếm tiền chứ không phải gái. Ông khách nhăn nhở bảo tôi rằng 'Em không là gái thì là đàn bà à? Chồng con rồi có gì phải giữ, để anh vô tư tý, anh cho thêm tiền'. Tôi cứ lao vào cãi nhau to với lão. Thấy cãi nhau, người đi đường xúm lại, ông lão "dê" xấu hổ trả tiền rồi chuồn mất".
Vì một lý do nào đó, họ đã phải chọn cái nghề dường như chỉ dành cho phái mày râu. Ảnh minh họa.
Giống như chị Nhàn, chị Loan cũng có những kỷ niệm không thể nào quên khi chạy xe ôm.
"Lúc ấy khoảng 22h đêm, tôi chở một thanh niên về Đại Mỗ. Vừa xuống xe, vị khách rút dao, đổi giọng: 'Cho tao một lít. Mày kêu một tiếng tao xin tí tiết'. Sợ quá nên tôi lập cập móc túi đưa hắn gần 100 ngàn đồng kiếm được trong ngày để thoát thân. Trước khi chạy vào ngõ nhỏ, tên cướp nhí còn giơ tay chộp vào ngực tôi. Tôi ra sức kêu mà không thành lời vì quá sợ hãi. Đây cũng là lần cuối cùng tôi chở khách ban đêm", chị Loan nhớ lại.
Nữ xe ôm này cũng bảo: "Giờ tôi khôn rồi, nhìn khách là đã đoán được thuộc hạng người nào. Linh cảm của phụ nữ mà".
Giang Nam
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất