Nhằm tìm kiếm những người có đam mê trong lĩnh vực thiết kế thời trang và mong muốn trở thành những nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, Project Runway đã trở lại ở mùa giải thứ ba – Project Runway Vietnam 2015. Tuy nhiên, ngay từ vòng tuyển chọn đầu tiên, những sản phẩm “độc đáo quá trớn” đã xuất hiện, góp phần làm cho chương trình đứng trước ngưỡng của bờ vực “thảm họa thời trang Việt Nam 2015”
Trong những buổi casting sơ tuyển tại hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều tài năng đã mang đến cho chương trình những mẫu thiết kế rất thiết thực và chất lượng. Tuy nhiên, không ít những sản phẩm “quá táo bạo, vượt khỏi tầm mắt” của khán giả cũng gây không ít dư luận và tranh cãi của cộng đồng mạng và những người yêu thích thời trang trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, những sản phẩm trái chiều như vậy khiến cho nhiều người yêu mến thời trang nghĩ rằng “phải chăng đây là một thủ thuật để thuyết phục ban giám khảo?” Tuy nhiên, những sáng tạo thời trang mang tính thời cơ sẽ không thể tồn tại được trong làng thời trang trong nước cũng như thế giới.
Một ý tưởng mới lạ không đồng nghĩa với một sản phẩm không thể sử dụng. Nhìn vào những tác phẩm gây shock tại Project Runway Vietnam năm nay, có một điểm chung là các thí sinh hướng vào nhóm đối tượng cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, việc vạch ra một phương pháp thể hiện hợp lý của họ lại khiến cho dư luận đi theo chiều ngược lại nguyện vọng thí sinh. Hay nói đúng hơn, “sự quá đà” trong việc thể hiện cái tôi cá nhân làm cho tác phẩm và đối tượng mà tác phẩm muốn hướng đến trở thành “thảm họa”.
Trong một cuộc thi đầy tính cạnh tranh về vẻ đẹp, quan điểm thẩm mỹ như tại Runway thì một thiết kế không đơn thuần chỉ là đẹp và độc đáo mà còn phải mang một thông điệp tốt hoặc khả năng ứng dụng cao. Thế nhưng nhiều thí sinh lại không hiểu được điều này và biến “cái tôi” trở thành “sản phẩm thiết kế thời trang mới lạ”. Chẳng hạn như trong thiết kế của Nguyễn Thành Tài, với quan điểm “phá vỡ mọi giới hạn” từng có tại Việt Nam và cho ra đời những sản phẩm “chất lừ cho nữ giới” để dành riêng cho nam giới, Tài đã thực sự tạo nên một cơn bão tranh cãi dữ dội. Tuy nhiên, nếu ý tưởng là “xóa giới hạn” thì hành động lại vô tình vạch rõ hơn chính cái giới hạn đó. Vì vậy, một sáng tạo chỉ trở nên thành công khi nó dung hòa được ý tưởng và cách thức thực hiện.
Những thí sinh gây ngao ngán với các bộ trang phục "thảm họa"
Mặt khác, sự thành công của một thí sinh tham gia dự thi không chỉ ở thiết kế dự thi của họ mà còn là phong cách thời trang và cách thể hiện phong cách thời trang mang “chất riêng” do chính nhà thiết kế thể hiện. Hay nói cách khác, trong Project Runway Vietnam 2015, cách ăn mặc của một thí sinh đóng góp một phần quan trọng trong việc họ có bước tiếp vào vòng trong hay không. Tuy nhiên, thực chất là quá nhiều thí sinh ăn mặc “quái dị” không phải chỉ để thể hiện phong cách mà còn để gây “shock” trong mắt người nhìn. Vấn đề là ở chỗ đó không phải guot thời trang của họ, đơn thuần họ mặc chỉ để “khác người”, tuy nhiên lại không biết cách tôn lên vẻ đẹp và che đi khuyết điểm của mình: nhà thiết kế không cao và mặc trang phục để mình “được” lùn hơn, trang phục lưới xuyên thấu khoe thân hình“mảnh mai” của một nhà thiết kế nam, một nhà thiết kế chỉn chu trong tác phẩm và thiếu phong cách trong cách ăn mặc của riêng mình…
Project Runway Vietnam 2015 là một trong những chương trình tìm kiếm gương mặt đại diện mới cho làng thời trang Việt Nam. Tuy nhiên, trước những “khủng hoảng” như hiện tại, chất lượng thí sinh cũng như những thiết kế của họ càng phải được đánh giá một cách thiết thực hơn để giữ vị thế của chương trình trước sự lạm phát các show truyền hình. Đồng thời, nếu những người mẫu – diễn viên đang tích cực xây dựng hình ảnh thời trang của Việt Nam trên thảm đỏ quốc tế thì những nhà thiết kế cần ý thức nhiều hơn về tầm nhìn và sứ mệnh của mình ở thời điểm hiện tại.
Thụy Hoàng
(Theo Congluan.vn)
Thực đơn giảm cân với trứng, giúp bạn gái giảm liền 10kg trong 2 tuần, gây sốc cho hội người yêu cũ