Tăng huyết áp thai kỳ: Mối nguy hại không thể chủ quan

Thiên Khuê 2022-06-07 10:19
- Tăng huyết áp thai kỳ là triệu chứng khá phổ biến và gây nhiều mối nguy hại. Cùng Emdep tìm hiểu cặn kẽ về vấn đề này để đảm bảo an toàn mẹ và bé nhé.

Tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Tăng huyết áp thai kỳ là một dạng cao huyết áp xảy ra trong thời gian mang thai ở phụ nữ. Theo nghiên cứu thống kê, hiện tượng này chiếm khoảng 5 - 8 % tổng số bà bầu trên toàn cầu và gây nhiều nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.

Tăng huyết áp thai kỳ: Mối nguy hại không thể chủ quan

Cao huyết áp khi mang thai không giống với cao huyết áp mãn tính. Nó cũng khác với tiền sản giật và sản giật. Thông thường, tăng huyết áp ở mẹ bầu dễ xảy ra vào nửa sau thai kỳ. Tuy nó sẽ biến mất sau khi bạn sinh con nhưng không có nghĩa là không cần kiểm soát.

Nguyên nhân tăng huyết áp thai kỳ

Mẹ bầu bị cao huyết áp cho đến hiện nay vẫn chưa xác định tác nhân trực tiếp gây ra tình trạng này. Tuy vậy, các chuyên gia sức khỏe đưa ra một số nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến tăng huyết áp như sau:

  • Người có tiền sử cao huyết áp trước khi mang thai hoặc trong lần mang thai trước
  • Phụ nữ mang thai dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi
  • Người bị bệnh thận hoặc tiểu đường
  • Đa thai
  • Béo phì

Tăng huyết áp thai kỳ: Mối nguy hại không thể chủ quan

Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ là gì?

Huyết áp tăng cao là triệu chứng điển hình nhất và thường xảy ra ở nửa sau thai kỳ. Tuy nhiên, một số trường hợp thậm chí mẹ bầu còn không có biểu hiện rõ rệt nào, hoặc rất dễ nhầm với vấn đề khác.

Nếu bạn xuất hiện những dấu hiệu sau đây mà không phải là bệnh tật khác thì hãy cân nhắc đến tình trạng cao huyết áp:

  • Nhức đầu liên tục, không cải thiện được sau khi áp dụng một số liệu pháp điều trị
  • Sưng phù cơ thể
  • Thị lực giảm sút
  • Tăng cân bất thường
  • Buồn nôn, nôn mửa nghiêm trọng (không phải ốm nghén)
  • Đau bụng trên bên phải hoặc xung quanh bụng
  • Bị sót nước tiểu dù vừa mới đi vệ sinh

Để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để được tiến hành các hạng mục kiểm tra cần thiết. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của tăng huyết áp thai kỳ, bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể, bao gồm cả theo dõi kỹ tình hình của bà bầu và thai nhi.

Tăng huyết áp thai kỳ: Mối nguy hại không thể chủ quan

Biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp thai kỳ

Huyết áp cao gây nguy cơ cho mạch máu, làm giảm lưu lượng máu trong não, gan, thận, tử cung và nhau thai. Nghiêm trọng hơn, nếu không được xử lý sớm còn có thể gây tiền sản giật và sản giật.

Ngoài ảnh hưởng sức khỏe của mẹ bầu, huyết áp tăng cao khi mang thai còn gây nhiều nguy hại cho bé cưng trong bụng của bạn. Một số nguy cơ điển hình như:

  • Thai nhi kém phát triển (bao gồm các khiếm khuyết ở thể chất lẫn trí não)
  • Nhau bong non (là hiện tượng nhau thai bị kéo ra khỏi tử cung quá sớm)
  • Động kinh (sản giật)
  • Thai chết lưu
  • Nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và con trong thai kỳ lẫn lúc sinh nở

Tăng huyết áp thai kỳ: Mối nguy hại không thể chủ quan

Từ những lý do trên, các chuyên gia sức khỏe sinh sản khuyến cáo phụ nữ nên thăm khám trước khi mang thai, bao gồm cả vấn đề huyết áp để hạn chế nguy cơ và chủ động điều trị trước thai kỳ.

Ngoài ra, mẹ bầu cần có thói quen sinh hoạt điều độ, theo dõi huyết áp và các chỉ số sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện vấn đề và cải thiện. Ngay cả khi huyết áp đã ổn định, bạn vẫn không thể chủ quan.

Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ bầu có cái nhìn nghiêm túc hơn về tăng huyết áp thai kỳ, đảm bảo sức khỏe và an toàn trong suốt thời gian mang thai.

Thiên Khuê (Theo Health)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Scandal Ngô Diệc Phàm tạo nên cuộc 'phong sát' lớn nhất và lập kỷ lục trên mạng xã hội