Đau rốn khi mang thai: Nguyên nhân và cách khắc phục
Tin liên quan
Nguyên nhân gây đau rốn khi mang thai
Bà bầu bị đau rốn thường xảy ra với mức độ tăng dần theo sự phát triển của thai nhi. Mặc dù đây không phải là hiện tượng phổ biến nhưng nó vẫn gây một số khó chịu và lo lắng cho mẹ bầu. Tin tốt là cơn đau rốn thường sẽ tự biến mất sau sinh.
Đau rốn khi mang thai có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ do sự thay đổi hormone và kích thước em bé trong bụng mẹ. Hầu hết mẹ bầu sẽ cảm nhận cơn đau rõ rệt hơn từ tam cá nguyệt thứ hai. Nguyên nhân gây đau rốn có thể do những yếu tố sau đây.
Bụng bị kéo giãn
Khi thai nhi không ngừng phát triển, cơ và da bụng của mẹ sẽ bị kéo căng theo. Tình trạng này sẽ gây cơn đau nhức ở rốn nhiều hơn nếu trước đó mẹ có vết sẹo trên bụng, đặc biệt là những vị trí gần khu vực rốn.
Áp lực từ tử cung
Thai nhi phát triển làm cho kích thước tử cung cũng to dần lên. Điều này tạo thành áp lực lớn lên thành bụng và gây đau. Hiện tượng này là hoàn toàn bình thường nên mẹ bầu không cần lo lắng.
Rốn nhô ra ngoài dễ bị đau hơn
Phụ nữ có rốn lồi ra ngoài sẽ dễ bị đau rốn hơn khi mang thai. Chủ yếu là do rốn bị ma sát với quần áo gây kích ứng da. Thậm chí người vốn có rốn thụt vào trong vẫn có thể bị nhô ra ngoài ra sự to lên của bụng.
Nhiễm trùng đường ruột
Nếu mẹ bầu bị cúm dạ dày hoặc các bệnh nhiễm trùng đường ruột thì cơn đau bụng và vùng rốn càng rõ rệt hơn. Ngoài ra, triệu chứng kèm theo có thể gồm sốt, nôn mửa, tiêu chảy… Bạn cần gặp bác sĩ để được kê toa thuốc điều trị hợp lý.
Thoát vị rốn
Thoát vị rốn cũng là một nguyên nhân có thể gây đau rốn khi mang thai. Do vòng ruột hoặc các mô đẩy qua rốn tạo thành cơn đau. Bạn nên thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định xử lý thích hợp.
Xỏ khuyên rốn
Xỏ khuyên ở rốn làm tăng nguy cơ nhạy cảm da, thậm chí là nhiễm trùng. Kể cả trước khi mang thai, các chuyên gia vẫn khuyến cáo chị em phụ nữ không nên xỏ khuyên ở rốn và những vị trí nhạy cảm khác trên cơ thể.
Làm gì để giảm cơn đau rốn và phòng ngừa hiệu quả?
Nếu cơn đau rốn không quá nghiêm trọng và không đi kèm triệu chứng bất thường nào khác, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà để cải thiện tình hình.
- Nằm nghiêng sẽ giúp bạn thoải mái hơn và hạn chế rốn bị ma sát với quần áo hay chăn nệm như kiểu nằm sấp
- Mẹ bầu nên chọn quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát và rộng rãi
- Sử dụng đai quấn bụng khi cần thiết nhưng không nên lạm dụng
- Thoa kem giảm kích ứng và ngứa da theo chỉ định của bác sĩ
- Không xỏ khuyên hay xăm rốn
- Chườm ấm lên rốn để giảm đau
- Đảm bảo vệ sinh và khô ráo cho vùng bụng
Nếu cơn đau rốn trở nên dữ dội và ảnh hưởng sức khỏe tổng thể, mẹ bầu cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra, xác định bệnh tật tiềm ẩn (thoát vị rốn, nhiễm trùng đường ruột, nhau bong non, sinh non…) và điều trị kịp thời.
Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ bầu có cơ sở để phán đoán nguyên nhân đau rốn khi mang thai, có biện pháp xử lý và phòng ngừa thích hợp.
Thiên Khuê (Theo Mom)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất