Từng stress quát con “Mày có muốn ăn nữa không?”, mẹ đảm mách nhỏ 6 quy tắc bàn ăn giúp con ăn chủ động, hiệu quả
Tin liên quan
Chị Ngọc Thuý cho biết, chị đã có lúc quá stress, do con không ăn. Bản thân bé Bơ cũng thuộc dạng em bé “còi”, nên có một vài lần chị đã nổi nóng đến mức xưng mày tao với con, nổi cáu quát con “Mày có muốn ăn nữa không?”.
Chị Ngọc Thuý và bé Bơ (Ảnh: NVCC)
Nhưng khi bình tính lại, chị nghĩ sự nổi nóng của mình, thậm chí cái lườm nguýt của mình đã làm con sợ, có thể con sẽ học theo mẹ. “Mình đã rất ân hận và đã phải tìm hiểu kỹ hơn, về giai đoạn của con để không cảm thấy stress với con nữa. Mình phải tự hứa với bản thân thật bình tĩnh để không làm điều gì tổn thương đến con”, mẹ Bơ chia sẻ.
Nhiều mẹ ở giai đoạn bé biếng ăn, có thể do tuần khủng hoảng, do bệnh lý, do đồ ăn, lịch ăn dặm chưa phù hợp hoặc do lượng sữa quá nhiều so với độ tuổi..., nhiều khi mẹ không biết làm gì, ngoài việc quát tháo con, cố gắng đút cho con được miếng nào tốt miếng đó. Hoặc làm đủ mọi cách để con ăn, dẫn đến con hình thành những thói quen ăn uống khó sửa về sau này.
Do đó, chị Ngọc Thuý nhấn mạnh việc nên thiết lập cho bé quy tắc bàn ăn rất quan trọng. Điều này, giúp con hình thành được những thói quen ăn uống tốt, nhận biết được khi nào là giờ ăn, con sẽ tôn trọng bữa ăn hơn. Đặc biệt, rất cần áp dụng khi bé vào giai đoạn biếng ăn, hoặc là khi bé từ chối ăn món gì đó do bé không thích.
Bà mẹ trẻ từng stress đến mức xưng mày tao khi con quá biếng ăn (Ảnh: NVCC)
Theo đó, cách làm của chị trong mọi tình huống chỉ là áp dụng quy tắc bàn ăn theo cách rất khoa học dưới đây. Chính những quy tắc này, đã giúp con dần đã hiểu rằng, nếu không ăn thì sẽ đói và mẹ sẽ không có đồ gì cho ăn. Nên nhiều khi, con đã cố gắng ăn hơn dù đó là món không thích, hoặc vào giai đoạn biếng ăn.
Khi nào cần áp dụng quy tắc bàn ăn?
Theo mẹ Bơ, trừ lúc con ốm bệnh thì mẹ thông cảm, hỗ trợ con ăn những món dễ nuốt phù hợp khi con ốm. Còn lại nên áp dụng trong những thời điểm như sau:
+ Áp dụng ngay từ khi con bắt đầu ăn dặm.
+ Khi con từ chối ăn, nếu bé được mẹ đút thì sẽ quay mặt đi không ăn, đẩy thìa, lắc đầu.
+ Khi con ngồi ném đồ ăn, ném thìa, bát không chịu ăn, con đòi ra khỏi ghế ăn.
+ Khi con không chịu ăn một món ăn nào đó khi được giới thiệu, chỉ bắt đầu ăn khi có đồ ăn con thích. + Khi con chỉ ăn khi có các thiết bị điện thoại, ipad, đồ chơi…
Áo dụng quy tắc bàn ăn ra sao?
Bé luôn ngồi ghế khi ăn
Rèn cho bé thói quen ngồi ghế khi ăn ngay từ khi bé bắt đầu ăn dặm. Chị Ngọc Thuý cho rằng, việc cho bé ngồi ghế khi ăn vừa giúp con nhận biết được ăn là phải ngồi ghế, ra khỏi ghế sẽ không được ăn. Hơn nữa, việc ăn trên ghế còn giúp các bé tránh được nguy cơ hóc nghẹn, sặc khi ăn uống không đúng cách.
Bơ luôn chủ động ngồi vào bàn ăn khi đến bữa (Ảnh: NVCC)
Ăn chủ động
Tức là ăn uống không có tivi, ipad, điện thoại, không ăn rong, không nói chuyện nhiều với con trong bữa ăn, không dùng đồ chơi khi ăn.
“Ăn uống thụ động, sẽ khiến cơ thể con không nhận biết được no đói và nhu cầu của mình. Ăn nhiều khi không nhai, cơ thể không tiết ra enzym tiêu hóa thức ăn, lâu dần có thể khiến con không chịu nhai khi ăn ảnh hưởng hệ tiêu hóa, ăn không ngon miệng mà chỉ ăn lấy lượng”, mẹ trẻ Hà thành khẳng định.
Thời gian ăn không quá 30 phút cho bữa ăn dặm chính, và 20 phút cho bữa phụ. Việc con ăn quá lâu, không những ảnh hưởng đến men răng con do con nhai lâu hoặc ngậm đồ ăn trong miệng không ăn. Ngoài ra, chị Thuý cho biết, việc ăn lâu còn ảnh hưởng đến các bữa ăn khác của con do thời gian ăn giữa các bữa ăn không đảm bảo dẫn đến các bữa ăn kém hiệu quả.
Không ăn vặt, không ăn quá nhiều đồ ngọt
Nếu con không ăn trong bữa ăn, cha mẹ cũng không nên thương con rồi cho con ăn lắt nhắt các bữa nhỏ, tạo thành vòng luẩn quẩn.
“Nếu con không ăn bữa chính, mẹ cho ăn vặt, đến bữa ăn sau lại không ăn, mẹ lại tiếp tục cho ăn vặt…Con sẽ không học được cách tôn trọng mỗi bữa ăn, ăn uống sẽ không hiệu quả trong từng bữa. Nên có giờ ăn uống cố định, giờ nào bữa đó để con tự nhận thức được lịch sinh hoạt ăn uống của mình. Từ đó có thói quen ăn uống tốt hơn”, mẹ Bơ nhấn mạnh.
Con luôn được mẹ cung cấp thực đơn bổ dưỡng, đa dạng (Ảnh: NVCC)
Ngoài ra, chị khuyên rằng, trẻ không nên ăn đồ ngọt bánh kẹo nhiều vào các bữa trong ngày, dễ khiến con có cảm giác no bụng và chán ăn. Cho bé ăn các thực phẩm lành mạnh như bánh ăn dặm cho bé, hạt ăn dặm, trái cây không quá ngọt, sữa chua, phô mai, tự làm các loại bánh cho bé…
Không ép hay dụ dỗ con ăn
Hãy tin tưởng vào con là điều chị Ngọc Thuý quan niệm. Con sẽ ăn theo nhu cầu của con, không phải ăn theo nhu cầu của bố mẹ. Bố mẹ là người cung cấp và giới thiệu đồ ăn cho con, con sẽ chọn đồ ăn con cần tương ứng với nhu cầu của con vì con có hệ tiêu hóa rất thông minh. Khi con tỏ ra không muốn ăn thì nên dừng lại.
Đặc biệt, các giai đoạn biếng ăn sinh lý của con, mẹ không nên dọa nạt, quát mắng con hay bắt ép con ăn dẫn đến biếng ăn bệnh lý.
Mẹ cũng không nên dụ dỗ con ăn kiểu như:”Ăn đi con, món này ngon lắm này!”, “Ăn đi tí mẹ cho đi chơi!”, “Ăn rau đi con tí mẹ cho ăn kem/ ăn kẹo nhé!”. Điều này sẽ khiến con biến việc ăn như 1 công việc, chứ không phải là thưởng thức món ăn. Thay vì dụ dỗ bằng lời nói, hãy cho con tự cảm nhận bữa ăn bằng cách đa dạng đồ ăn cho con. Hãy chế biến đồ ăn đẹp mắt, hấp dẫn con, hay tạo cho con không khí vui vẻ, khi ăn để con luôn hứng thú ăn uống.
Quy tắc 3 cơ hội
“Quy tắc này nghĩa là, nếu con không hợp tác ăn, không quát mắng con, bình tĩnh hỏi: “Con có muốn ăn tiếp không?”. Nhấc con ra khỏi ghế, nếu con đòi vào ghế, mẹ sẽ cho vào. Nhưng nếu con tiếp tục không hợp tác, sẽ hỏi lại con “Mẹ thấy con không muốn ăn nữa rồi, mẹ cho con ra nhé!”…Cho con đúng 3 cơ hội đến lần thứ 4 thì dừng bữa ăn và đợi đến bữa sau. Quy tắc 3 cơ hội với bé dưới 2 tuổi, sẽ giảm dần còn 2 cơ hội với bé trên 2 tuổi”, chị Thuý chia sẻ.
Ngoài ra, bà mẹ trẻ cũng thường xuyên áp dụng quy tắc 3 cơ hội khi con biếng ăn (Ảnh: NVCC)
Chị nhấn mạnh thêm, đối với các bé không chịu ăn rau, ăn thịt hay ăn tinh bột dài ngày, chỉ ăn những đồ bé thích, mẹ cũng nên quán triệt quy tắc bàn ăn. Hãy giới thiệu đồ con không thích ăn trước, cho 3 cơ hội. Không ăn, mẹ cho nhịn đợi bữa sau ăn.
Bữa sau lại giới thiệu món ăn đó đầu tiên. Dần để con biết rằng, con cũng cần ăn những thực phẩm nhóm khác nữa. Sau đó, con sẽ hợp tác ăn hơn. Lượng sữa bữa sau đó, hãy theo đúng lượng theo tuổi con thường ăn, không cho ăn bù. Nếu cần có thể tạm thời cắt sữa bữa sau, để con hợp tác với bữa ăn dặm. Chắc chắn khi không cho bé ăn, bé sẽ quấy hơn bình thường nhưng mẹ cần chấp nhận 1-2 ngày để mang đến cho con điều tốt nhất.
“Khi Bơ từ chối ăn, mình đã áp dụng triệt để các quy tắc trên. Bây giờ, nếu Bơ không ăn, mẹ cho ra khỏi ghế, xin xỏ năn nỉ mẹ cho vào ghế để ăn, ngồi vào ghế lại tươi như hoa và ăn tiếp nếu còn nhu cầu. Nếu không ăn, mẹ cho nhịn đợi bữa sau.
Chỉ có giai đoạn Bơ bị biếng ăn quá khoảng 2 tháng liền, mình cho Bơ nhịn đến bữa Bơ cũng không ăn. Đó là giai đoạn mẹ cần chấp nhận sự thật rằng, con đang không có nhu cầu ăn do nguyên nhân nào đó mẹ cần tìm hiểu”, chị Ngọc Thuý bày tỏ.
Cuối cùng, mẹ Bơ cũng nhấn mạnh các mẹ cần nhớ nguyên tắc của mọi nguyên tắc, đó là tôn trọng con và trở thành cha mẹ nhất quán. Không nên hôm thế này, hôm thế khác, con sẽ rối theo. Khi đó, con rất khó để học được các quy tắc bàn ăn mà mẹ muốn cho con tuân theo.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất