NHIỄM ĐỘC THAI NGHÉN - Dấu hiệu nhận biết chính xác nhất mẹ bầu cần nằm lòng ngay!
Tin liên quan
Nhiễm độc thai nghén là gì?
Phụ nữ mang thai thường có biểu hiện nôn, buồn nôn, tăng tiết nước bọt như là dấu hiệu có thai, tuy nhiên khi tình trạng này càng nhiều, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của thai nhi gọi là nhiễm độc thai nghén.
Nhiễm độc thai nghén thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ với biểu hiện nghén nặng và có triệu chứng phù, tăng protein, huyết áp nếu xảy ra ở các tháng cuối thai kỳ. Hầu hết các hiện tượng thai nghén thường mất đi vào tháng thứ 3 của thai kỳ, tuy nhiên nếu tình trạng nhiễm độc nặng không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây nguy hiểm đến mẹ và bé.
Dấu hiệu nhận biết nhiễm độc thai nghén
Thai nghén xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu nhẹ là dấu hiệu bình thường nhưng hiện tượng nhiễm độc thai nghén có thể gây phù chân hoặc kèm theo những dấu hiệu khác lạ trong những tháng cuối có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Khi đó, mẹ bầu cần phát hiện sớm và điều trị ngay để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những dấu hiệu của bệnh nhiễm độc thai nghén giúp mẹ nhận biết chính xác nhất.
Phù chân
Nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng cuối thai kỳ dẫn đến phù chân, có thể nhận biết bằng cách dùng tay ấn vào mắt cá chân và thấy xuất hiện dấu lõm của ngón tay. Trường hợp nặng có thể xảy ra ở mặt và hai bàn tay.
Tuy nhiên, thai phụ cần phân biệt hiện tượng phù chân do thai nghén bình thường và phù chân do bị nhiễm độc thai nghén. Nếu mẹ gác chân lên cao, sau một đêm ngủ, phù chân biến mất thì nguyên nhân là do thai nghén bình thường. Ngược lại, nếu sau một đêm vẫn không hết, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra để được điều trị hợp lý vì rất có thể đây là do bị nhiễm độc thai nghén.
Tăng cân nhanh
Mẹ bầu có thể nhận biết nhiễm độc thai nghén khi thấy trọng lượng cơ thể tăng quá nhanh, có thể tăng đến 500gr trong tuần. Nguyên nhân là do nước được giữ lại trong cơ thể, khi đó bạn phải đi xét nghiệm nồng độ đạm niệu, nếu nồng độ này hơn 0.3g/ lít thì bạn đang bị nhiễm độc thai nghén.
Tăng huyết áp
Ở những tháng cuối thai kỳ nếu có dấu hiệu tăng huyết áp 15 – 30mmHg so với trước thai kỳ hoặc huyết áp đo được từ 140/90mmHg, sản phụ cần được theo dõi để điều trị phòng ngừa biến chứng tiền sản giật và sản giật.
Biến chứng nguy hiểm của nhiễm độc thai nghén
Tiền sản giật và sản giật là 2 biến chứng của bệnh nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị sớm và đúng cách.
Tiền sản giật
Đây là biến chứng thai kỳ vô cùng nghiêm trọng. Tiền sản giật ở phụ nữ mang thai có các biểu hiện như choáng váng, buồn nôn, mờ mắt, tăng lượng protein trong nước tiểu, tăng huyết áp trên 160/100mmHg nhưng chưa xảy ra co giật.
Sản giật
Sản giật thường xảy ra vào cuối của thai kỳ từ tuần 30 trở đi, nhiều hơn ở phụ nữ mang thai con so, hoặc xảy ra trong quá trình chuyển dạ hoặc sau sinh. Biểu hiện là những cơn co giật, hôn mê, phù, tăng huyết áp và protein.
- Sản giật khi mang thai: là biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể làm thai chết lưu hoặc sinh non. Tuy nhiên, nếu được điều trị tốt, sẽ giữ được đứa bé trong bụng.
- Sản giật trong khi chuyển dạ: tử cung bị co mạnh vì những cơn giật, trong trường hợp thai phụ có tử cung mở chậm sẽ được tiến hành mổ ngay để lấy thai ra ngoài.
- Sản giật sau sinh: biến chứng này ít nguy hiểm hơn, thường xảy ra vài giờ sau sinh. Sản phụ sẽ được theo dõi thường xuyên về huyết áp và thử nước tiểu. Nếu sản phụ đã về nhà cần được chuyển gấp đến bệnh viện để có biện pháp xử trí kịp thời.
Tóm lại, nhiễm độc thai nghén là chứng bệnh sinh lý có thể xuất hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ, chuyển dạ và sau sinh. Thời điểm nào cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, do đó, nhận biết và điều trị sớm là biện pháp phòng tránh nguy hiểm cho mẹ và bé.
Theo Webtretho
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất