Mẹ ơi con mắc bệnh nan y

2017-01-06 18:11
- Đang họp thì Nga nhận được điện thoại của thầy giáo chủ nhiệm lớp con. Giọng thầy hoảng hốt: Chị ra ngay đón con bé về, cháu khóc dữ quá mà em hỏi mãi nó chẳng nói bị làm sao. Con bé cứ đứng sừng sững nửa tiếng rồi, em lo quá”.

Bỏ tất cả công việc, cô tất tả phóng xe đến trường con. Đoạn đường có 3km mà hôm nay sao dài thế. Vừa đi cô vừa suy nghĩ miên man về những biểu hiện của con từ tối hôm qua đến giờ. Con bé cứ nhăn nhó kêu đau bụng. Em cún có chạy lại líu lo nó cũng vùng vằng hất tay em ra rồi cấm cảu, quát mắng em. Sáng nay, khi hỏi con thì nó bảo cũng đỡ rồi. Nga yên trí vì không thể đau dạ dày được. Con bé ăn uống nghỉ ngơi cực kì khoa học theo chế độ mẹ lên cho. Đau bụng giun càng không phải vì mấy ngày mát trời vừa rồi, mẹ đã tẩy giun cho hai con. Tại thức ăn chăng? Cũng không thể. Sáng nào Nga cũng chính tay nấu cho chồng con ăn rất là vệ sinh. 

Con mắc bệnh nan y

Con gái chị rất hốt hoảng khi không biết đó là dấu hiệu của sự trưởng thành     

Nga chạy hối hả lên lớp con. Kia rồi, con bé vẫn đứng mặt xanh lét. Thầy giáo vẻ mặt căng thẳng, còn các bạn mắt tròn mắt dẹt sợ hãi. Thấy mẹ đến, con bé òa lên nức nở. Được sự đồng ý của thầy, nó lẹt xẹt theo mẹ ra khỏi lớp học. Con đi có vẻ khó khăn, lại ra bằng cửa sau, cứ như giấu giếm điều gì đó. Đến cầu thang, Nga mới rối rít sờ đầu, sờ bụng con, Trán con bé không hề nóng. Nhưng mặt tái mét. Chắc con đau dữ. Sờ bên trái, bên phải, chính giữa con đều bảo không phải chỗ ấy. Chỉ đến khi bảo con trèo lên xe mẹ chở đến trạm xá phường thì con bé mới khóc to hơn, nói trong tiếng nấc: Con không ngồi được, con bị bệnh nan y rồi mẹ ơi. Rồi nó vén cái áo đồng phục bỏ sơ vin từ bao giờ. Một khoảng ướt loang hết phần mông... 

Phù! Nga thở mạnh như trút hết những lo lắng mới vừa đó thôi. May mà con bé mặc quần tối màu. Cũng may mà con bé chỉ khóc thôi chứ không giải thích với thầy hay ngồi xuống ghế để “lộ” chuyện. Thầy chắc chắn sẽ không có kinh nghiệm như các cô giáo, biết đâu đấy lại làm con cuống hơn hoặc xấu hổ hơn. Và cũng thật may, nay cô lại không phải họp hành gì, chứ lỡ đi tỉnh giao ban thì con bé không biết sẽ rơi vào tình huống nào nữa. Cô ôm vai con vỗ vỗ: Con gái mẹ lớn thật rồi...Chúng ta về nhà, mẹ sẽ làm bác sỹ cho con! 

Trưa hôm đó, cô bác sỹ không chuyên ấy đã kịp bù đắp cho con những kiến thức tối thiểu nhất của tuổi dậy thì. Người mẹ trẻ ấy mang cả nỗi ân hận vì mình chưa từng nói cho con biết về giới tính vào trong câu chuyện nói với con. Cũng trưa ấy, lần đầu tiên Nga cho phép con “lệch múi giờ”, không ngủ trưa để hai mẹ con trò chuyện. Nga phân tích cho con hiểu những thay đổi thất thường trong tâm lí khi xuất hiện kinh nguyệt. Rồi cô nhéo con một cái rõ đau: “ Kiểu mặt lì xì của con , những cơn cáu vô cớ của con mấy bữa nay cũng là một trong những biểu hiện báo rằng sắp “đến ngày” đấy”! Cả hai mẹ con cùng cười. Suốt trưa ấy, Nga kể cho con nghe bao nhiêu chuyện “ngày xưa của mẹ”. Về lần đầu tiên mẹ thấy kinh nguyệt như thế nào. Về cách bà ngoại dạy mẹ chăm sóc cơ thể trong những ngày đặc biệt ấy. Về những món ăn bà làm cho mẹ khi “thấy tháng” và nhiều nhiều vấn đề khác nữa. Nga cũng không quên kể cho con cô đã coi bà ngoại của con là bạn gái. Mỗi khi có chuyện gì, người đầu tiên cô chia sẻ cũng là mẹ. 

Con bé bỗng quàng tay ôm chặt lấy mẹ, hít lấy hít để mùi thơm trên cơ thể mẹ, cười khúc khích: Thế mà con cứ tưởng mình chẳng còn sống được bao nhiêu nữa...! 

 

(Theo Gia đình Việt Nam)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 bài tập giảm đau mỏi vai gáy ngay trên ghế làm việc