Mẹ đảm làm bánh vừa ngon vừa đẹp, bữa phụ của bé hấp dẫn hơn bao giờ hết

Châu Anh 2017-10-17 15:00
- Mỗi chiếc bánh ngon không chỉ là sự kỳ công của người mẹ mà còn biết bao tình yêu thương được gửi gắm trong đó.

Trong giai đoạn ăn dặm của con, bữa phụ được coi là bữa ăn thứ tư, giúp bổ sung dinh dưỡng và là nguồn năng lượng quan trọng. Bé vận động nhiều thì việc dùng bữa phụ góp phần bổ sung vào năng lượng bé đã mất. Bé từ 9 tháng tuổi có thể ăn thêm bữa phụ nhưng thường thì 1-2 tuổi là 1- 2 lần vào tầm 10 giờ sáng và 15 giờ chiều. Khi bé 3-5 tuổi thì mẹ cho ăn một lần vào buổi chiều, nhưng mẹ hãy điều chỉnh lượng và thời gian ăn sao cho bữa phụ không ảnh hưởng đến bữa chính.

Trong bữa phụ, mẹ có thể học làm các loại bánh ngọt cho bé ăn. Khi làm bánh ăn dặm cho bé dưới một tuổi, mẹ không nên sử dụng đường muối. Thay vào đó, mẹ có thể dùng chuối, táo, kiwi để tạo ngọt trong bánh, hoặc làm sốt, mứt ăn kèm với bánh.

Đó là những kinh nghiệm mà chị Hồng Diễm, 29 tuổi, ở Quận 9 TP HCM tích lũy cho mình sau một quá trình nuôi con ăn dặm, với những bữa ăn phụ dồi dào dưỡng chất.

Mẹ đảm làm bánh vừa ngon vừa đẹp, bữa phụ của bé hấp dẫn hơn bao giờ hết

Chị Hồng Diễm và con gái Park Han Byeol.

Chị Diễm cho biết: “Những chiếc bánh chính tay mẹ làm bé rất hào hứng. Nhất là khi mình hay nướng bánh vào buổi sáng để con rất thích thú vì tận mắt thấy những chiếc bánh chín dần, nở phồng và ngửi được mùi bơ thơm phức.

Đồng thời mình muốn cho bé cảm nhận được chính tay mình đợi chờ làm ra chiếc bánh như thế nào. Những chiếc bánh ăn dặm cũng có thể làm bữa ăn sáng hằng ngày cho bé. Để khẩu phần ăn đa dạng hơn ngoài các món mì, bún, cháo,... thì bánh quy, bánh mì, muffin,... có thể thay thế bữa sáng hoặc thay thế tinh bột trong khẩu phần ăn của bé và làm bữa ăn hàng ngày đa dạng hơn”. Dưới đây là một số công thức bánh trong bữa phụ mà chị Diễm chia sẻ.

Italian fruit cake (Bánh hoa quả kiểu Ý)

 Nguyên liệu:

A: Hạnh nhân 15g, nhân quả óc chó 15g, hạt bí 15g

B: Nho khô 50g, kỷ tử 25g

C: Đường thốt nốt 10g (tùy các mẹ có thể dùng đường dừa, đường mật mầm gạo,...), 4 quả trứng gà ta, bột mì nguyên cám 200g, bột  hạnh nhân 60g, bột nở 5g, 1 ít muối , bột mì gluten cao.

Mẹ đảm làm bánh vừa ngon vừa đẹp, bữa phụ của bé hấp dẫn hơn bao giờ hết

Cách làm:

Nướng nguyên liệu A ở tầng giữa 150°C trong 10 phút, để nguội.

Ngâm nguyên liệu B 10 phút trong nước ấm, vắt khô nước.

Bột mì nguyên cám, bột hạnh nhân, bột nở, muối cho vào bát trộn đều.

Cho đường, trứng vào máy đánh trứng đánh đến khi tan đường không cần đánh bông. Đổ tất cả bột đã trộn đều vào bát trứng vừa mới đánh xong trộn đều.

Cho tiếp nguyên liệu A và B vào trộn đều.

Dùng hai tay nhào trộn bột cho đều. Rắc 1 ít bột gluten cao lên mặt khay để chống dính, tạo hình khối bột (mình tạo được 2 khối chữ nhật) để 1 giờ.

Làm nóng lò trước 10-15 phút ở 130°C, cho khay bánh vào nướng chế độ 2 lửa, tầng giữa 25 phút.

Bánh nướng xong để nguội cắt thành miếng dày 1cm. Đặt bánh đã cắt vào khay nướng, nướng tiếp nhiệt độ 130°C, nướng ở tầng giữa 10 phút, lật mặt nướng tiếp 10 phút.

Lưu ý: bánh nướng lần 2 sẽ mềm hơn, hương vị ngon hơn và bảo quản được lâu hơn. Loại bánh này không dầu, ít đường nên bảo quản tốt được 1 tháng cho người lớn và 2 tuần đối với bé nhỏ, dùng làm bữa sáng rất tốt cho sức khỏe.

Bánh quy hạt hướng dương

 Nguyên liệu:

Lòng trắng trứng gà ta, đường thốt nốt hữu cơ 10g, dầu hạt hướng dương hữu cơ 40ml bột mì gluten thấp 40g, muối hồng himalaya 1 ít, hạt hướng dương 60g nướng 10 phút ở tầng giữa 150°C để nguội.

Mẹ đảm làm bánh vừa ngon vừa đẹp, bữa phụ của bé hấp dẫn hơn bao giờ hết

Cách làm:

Trộn đường, muối với dầu hướng dương cho tiếp lòng trắng trứng( không cần đánh bông) đánh đều.

Cho tiếp bột mì đã qua rây. Dùng phới lồng trộn đều thành hồ. Lót khay nướng bằng giấy nến hoặc tấm lót silicon, dùng muỗng canh múc bột hồ đổ hình tròn mỏng. Rắc hạt hướng dương đã nướng chín lên trên.

Làm lò nóng 10- 15 phút ở 175°C, đặt khay bánh nướng ở tầng trên, nướng khoảng 10-12 phút đến khi mặt bánh hơi vàng là được.

Bánh nướng ra giòn nhưng bánh khó tan nên bánh phù hợp bé ăn dặm tự chỉ huy, ăn thô tốt.

Lưu ý: Bánh mỏng cần dàn đều tay để bánh được chín đều. Bánh vừa nướng xong hơi mềm, để bánh nguội sẽ cứng lại và giòn. Bánh nguội để vào túi zip hoặc hũ kín để bảo quản. Bánh dùng 2-3 ngày.

Bánh mì khoai lang

Nguyên liệu:

A: khoai lang gọt vỏ hấp chín 100gr

B: Bột mì gluten cao 150gr, men nở 3g, đường thốt nốt hữu cơ 10g (bé dưới 1 tuổi không dùng đường), trứng gà ta 50-55g, một ít muối, nước 40ml

C: Bơ 25gr

Dụng cụ: Cán bột, rây bột.

Mẹ đảm làm bánh vừa ngon vừa đẹp, bữa phụ của bé hấp dẫn hơn bao giờ hết

Cách làm:

Khoai lang hấp chín để nguội. Nhào trộn khoai, đường, men nở, sữa, trứng, nước lọc và một nửa bột mì trong 5 phút, cho tiếp nửa bột còn lại cùng với muối trộn đều. Nhào đến khi bột có thể kéo màng hơi dày thì cho bơ vào nhào đều (phải đợi khối bột dẻo mới cho vào, tuyệt đối không được cho sớm vì bơ sẽ làm tăng nhiệt độ bột khi nhào trộn, bột sẽ khó dẻo.)

Tiếp tục nhào bột đến khi bột kéo ra không bị đứt là được. Cho bột vào khay đã phết dầu ăn chống dính, phủ màng nilon lên và ủ 30°C khoảng 40-60 phút.

làm bánh ăn dặm cho bé

Bột ủ xong nhào nhẹ bột và cân chia thành 6 phần, vo tròn nhẹ và cho bột nghỉ 10 phút.

Nhào nhẹ 6 phần bột vừa ủ xong, vo tròn rồi lấy tay ấn bột thành miếng tròn. Cuộn theo chiều từ trên xuống dưới. Cuộn xong miết chặt đầu bột tạo thành hình ovan. Cho bột vào khay nướng, bọc màng nilon cho lên men lần cuối 30°C 20 phút.

Ủ xong phết lên mặt bánh một lớp mỏng trứng gà, dùng dao gạch trên mặt bánh những lỗ nhỏ. Làm nóng lò trước 10-15 phút ở 200°C.

Cho khay bánh vào nướng, chế độ 2 lửa, chuyển nhiệt độ 180°C. Nướng 18 phút ở tầng giữa. Sau khi nướng xong để bánh nguội và bảo quản ngăn mát tủ lạnh được 2 ngày.

Châu Anh 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 sao Việt có nhan sắc cùng thần thái ngày càng 'lên hương' sau khi sinh