Ký ức ngày Tết...
Tin liên quan
Hình như Tết sắp đến thật rồi. Đi ra ngoài đường thỉnh thoảng tớ nhìn thấy người bán hàng đẩy những cành đào khoe nụ hồng mơn mởn. Đâu đó trong khu chung cư nhà tớ có nhà đã mở bài hát "Happy New Year" hay bài "Tết đến rồi" rộn ràng. Hai anh tớ dạo này cứ đi học về lại ngêu ngao "Sắp đến Tết rồi, về nhà rất vui, mẹ đang may áo mới nhé, ai cũng vui mừng vui ghê. Mùa xuân nay em đã lớn biết đi thăm ông bà...".
Chúng tớ đang háo hức chờ tết đến từng ngày.
Hôm trước mẹ tớ đọc cho bọn tớ nghe một bài báo có ý kiến cho rằng chúng ta không nên hưởng thụ đến 3 - 4 tuần lễ Tết Dương lịch và Âm lịch gộp lại trong khi các nước đang dành thời giờ đua làm giàu. Chúng ta nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết Âm lịch sang các ngày Dương lịch, và giảm dần ngày nghỉ Tết Âm lịch quá lê thê. Các thế hệ trước của Việt Nam đã dám bỏ áo dài khăn đóng để mặc áo sơ mi, quần tây và bộ comple thời thượng, thế hệ này đang sử dụng Dương lịch trong điều hành năm kế hoạch tài chính ngân sách, và đã dám từ bỏ pháo nổ thay vào bằng pháo hoa, thì bước vào ngưỡng cửa thế kỷ 21 cũng phải dám thay đổi tập quán ăn Tết Âm lịch rất tốn kém và phi kinh tế như hiện nay.
Mẹ bảo bài báo sặc mùi tư bản, người viết bài này chắc đã đánh mất ký ức ngày Tết hoặc chẳng có tí ký ức nào về ngày lễ thiêng liêng của đất nước và dân tộc.
Tết Nguyên đán của Việt Nam được đánh giá là một trong 10 lễ hội độc đáo và đặc sắc nhất trên thế giới.
Người nước ngoài ấn tượng nhất về Tết ở Việt Nam là mọi người đều hướng về gia đình. Dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, người ta đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong những ngày Tết. Tết của người Việt là những ngày của lạc quan và hy vọng.
Mẹ bảo nếu không có ký ức ngày Tết, không có cảm giác ấm áp, thiêng liêng ngày đầu năm - cái đã nằm sâu trong tim con ngươi Việt Nam từ những ngày thơ bé, thì gần như con người đó chẳng có nguồn cội. Mẹ kể ngày mẹ còn bé xíu như cái kẹo mút, mẹ đã luôn háo hức chờ mong Tết như bất cứ đứa trẻ nào. Mẹ lấy cục than củi vạch lên tường từng ngày từng ngày trôi qua để chờ Tết, và dường như Tết đến nhanh hơn theo cách đó.
Nhưng có một điều hơi “khác thường” là Tết trong mắt trẻ thơ hôm nay thiếu mất cái đặc biệt của ngày Tết ngày xưa mà người lớn từng trải qua. Bọn tớ không được có cái đặc biệt được phụ bà lau lá chuối gói bánh tét bánh chưng, ngắt rễ những củ kiệu, cắt su hào cà rốt phơi khô để muối dưa hành. Bọn tớ không có cái cảm giác yên lành nằm cuộn tròn bên bếp lửa canh nồi bánh chưng và nghe bà kể chuyện cổ tích ngày xưa: “sự tích cây nêu ngày tết”, “sự tích bánh chưng bánh dày”,... Tết đối với cả gia đình tớ bây giờ, là hạnh phúc được về quê, về với ông bà, về với mảnh đất máu thịt nơi chôn rau cắt rốn.
Cuộc sống bộn bề lo toan, nhịp sống hối hả và tất bật, một cái Tết chỉ được về với quê mấy ngày rồi lại đóng vali lên đường. Nhưng mẹ tớ luôn không muốn bọn tớ có những ký ức về Tết nhạt thếch và vội vã. Mẹ muốn bọn tớ cũng giống như mẹ, có những ký ức ngày Tết dày thêm theo năm tháng. Vì thế, tớ rất tự hào đã từng có một cái Tết đáng nhớ. Đối với tớ đây là cái Tết đầu tiên nhưng Mẹ bảo kịch bản Tết năm nào cũng như nhau, nhưng cảm giác háo hức ngày Tết vẫn nguyên vẹn như cái tết đầu tiên.
Ký ức về ngày Tết của tớ diệu kỳ, lung linh như ánh đèn nhấp nháy ông treo trên cây đào phai ở ngoài sân, có mùi nhang nồng ấm thoang thoảng bay và tiếng pháo hoa râm ran khoảnh khắc giao thừa. Ông bà tớ đợi đến lúc đồng hồ điểm qua 12h, một năm mới đã đến mới trịnh trọng bế bọn tớ lên từng đứa một, trước là răn dạy điều hay lẽ phải, ý nghĩa ngày Tết, và sau là nâng niu lấy từ túi áo ra những chiếc phong bì đỏ thắm để lì xì cho bọn tớ, chúc một năm mới an lành.
Sáng mồng một, bố tớ dậy thật sớm pha sữa cho bọn tớ ăn sáng. Bọn tớ vừa mở mắt nhìn thao láo, bố tớ đã ghé vào hôn hít lia lịa và chúc bọn tớ năm mới ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn. Mẹ tớ nghe ồn ào, nên mặc dù hôm nay có trợ lý đắc lực là bố phụ giúp, định ngủ nướng thêm một chút nhưng cũng mắt nhắm mắt mở chạy đến hôn hít và chúc bọn tớ ngoan ngoãn hay ăn chóng lớn. Một lát sau, bà tớ vào lại làm y như mẹ rồi một tí nữa đến lượt ông tớ vào phòng và làm y như bà ngoại. Bọn tớ thấy hạnh phúc đong đầy trong ngày đầu năm mới
Ký ức ngày Tết của tớ là cảm giác thiêng liêng khi về nhà thờ họ, đi tảo mộ đầu năm thắp nén hương cho ông bà tổ tiên. Tớ thấy trời đất vạn vật như choàng tỉnh sau giấc ngủ đông, khoác tấm áo mùa xuân tươi tắn. Những giọt nắng đầu tiên trải trên nẻo đường quê. Hương mùa xuân phảng phất đâu đây.
Ký ức ngày Tết của tớ là những nụ cười rạng rỡ của mọi người khi gặp nhau và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Hai bác hàng xóm nhà ông bà vài ngày trước còn có chút xích mích không thèm nhìn mặt nhau mà hôm nay đã cùng nhau đi chúc Tết nhà nhà quanh xóm. Dù cho trong năm cũ có những sự hiểu lầm, thù oán hay ganh ghét, đố kỵ nhau thì đến ngày Tết người ta cũng vui vẻ bỏ qua cho nhau, mọi người thường nhắc nhở nhau rằng: “Giận đến chết, ngày Tết cũng vui”.
Ký ức ngày tết là khoảnh khắc thời gian như đông lại do cái lạnh thấu xương ở mảnh đất miền Trung của tớ hay do cái cảm giác luyến lưu không muốn ra đi. Tớ thấy mẹ lúc lên xe không dám ngoái lại nhìn vì sợ chạm vào ánh mắt đỏ hoe của bà, cái nhìn sâu thẳm của ông và cảm giác nhói lòng khi nhìn thấy vết thời gian để lại sau mỗi lần xuân đến rồi xuân đi theo một vòng tuần hoàn. Đất trời là vô hạn, con người hữu hạn. Cả nhà tớ luôn tự hứa với lòng, dù có đi đâu xa xôi ở phương trời nào, dù cuộc sống có bề bộn lo toan, dù thời gian có ngắn ngủi, sẽ luôn trân trọng để trở về với gia đình, với quê hương khi năm hết Tết đến.
Năm nay, bọn tớ lại háo hức chờ ngày về quê ăn Tết....
Boeing
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất