Để con sử dụng điện thoại 5 - 6 giờ mỗi ngày, mẹ hốt hoảng khi thấy con bị giật cơ mặt

2017-08-08 14:48
- Bé trai 4 tuổi được mẹ cho sử dụng điện thoại thỏa thích, cho đến khi con có những biểu hiện như giật cơ mặt, nhíu mũi, nháy mắt nhiều, mẹ mới hốt hoảng đưa đi khám.

Việc cho trẻ con sử dụng điện thoại , ipad quá nhiều có lẽ đang là một vấn nạn nhức nhối hiện nay. Nhiều bậc phụ huynh cứ chủ quan khi thấy con mình chưa có biểu hiện gì đáng ngại nên lại tặc lưỡi trao điện thoại để con ngồi yên mà không hề hay biết rằng khoảng thời gian tiếp xúc với công nghệ quá nhiều sẽ dẫn đến những nguy cơ rất lớn sau này. 

Mới đây, chia sẻ của chị Phan Thủy (sống tại Rạch Giá, Kiên Giang) về trường hợp cậu con trai 4 tuổi vì sử dụng điện thoại quá nhiều dẫn đến việc bị mắc hội chứng rối loạn Tic tạm thời đã khiến không ít bố mẹ phải giật mình. Chỉ sau hơn nửa ngày đăng tải, câu chuyện của chị đã thu hút hơn 7,6 nghìn lượt like, trên 18 nghìn lượt chia sẻ và hàng ngàn bình luận khác vì độ cảnh tỉnh rất lớn.  

Đơn thuốc của con trai chị Thủy. 

Theo chia sẻ của chị Thủy, con trai chị năm nay 4 tuổi. Bé rất hiếu động và nghịch ngợm. Lúc trước, cứ mỗi lần bé nghịch, chị không giữ nổi, nên thường cho con xem hoạt hình trên điện thoại và chơi game. 

Bé chơi từ lúc 2 tuổi đến giờ không có vấn đề gì. Nhưng mới 1 tháng trở lại đây, con có biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi. Càng ngày, các biểu hiện này càng gia tăng. 

Lo lắng cho sức khỏe của con, chị Thủy đưa bé đi đến khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1, chuyên khoa thần kinh. Sau khi thăm khám, các bác sỹ kết luận bé bị rối loạn TIC tạm thời. 

Rối loạn Tic (Tic disorder) là một loại rối loạn hành vi, được định nghĩa như là sự sai lệch của những vận động không chủ ý. Dù độ nặng của rối loạn khác nhau ở từng trẻ, rối loạn Tic có thể đi kèm với nhiều rối loạn về thần kinh vận động khác. 

Bác sĩ khám cho bé còn giải thích thêm: “Có bé uống thuốc sẽ hết, có bé hết sẽ bị tái đi tái lại, nhưng cũng có bé sẽ vĩnh viễn bị nháy mắt và nhíu mũi như thế.” 

Mặc dù bác sỹ có chấn an chị Thủy rằng "không phải lo quá, không sao đâu", nhưng chị Thủy tâm sự: " Làm sao mà mình không lo được. Mình sinh con ra không có tật, tự dưng bây giờ thành như thế. Ai làm mẹ mà không lo ". 

Sau khi chia sẻ câu chuyện của con trai mình, chị Phan Thủy cũng nhắn gửi các phụ huynh: " Mình muốn gửi lời cảnh tỉnh với các mẹ cho con chơi điện thoại, ipad nhiều thì nên dừng lại đi! Đừng nghĩ là không sao vì biết đâu một ngày tự nhiên con sẽ gặp vấn đề. 

Lúc trước mình đã đọc 1 số cảnh báo nhưng vì quá chủ quan nên cứ nghĩ con xem lâu rồi có bị làm sao đâu. Nhưng giờ mới hiểu được. Cũng may là khi mới bắt đầu thì phát hiện sớm. Hy vọng con chỉ bị tạm thời… ” 

Chị Thủy và cậu con trai 4 tuổi của mình. 

Trao đổi thêm với chị Thủy thì được biết, từ lúc 2 tuổi, con trai chị đã rất thích xem điện thoại. Hồi đầu, chị cũng muốn cho con tiếp xúc với nhiều kênh tiếng Anh, học thêm nhiều thứ trên mạng nên thường hướng con xem những bộ phim hoạt hình và các kênh bổ ích. Nhưng dần dần, bé lại bị sa đà vào các thể loại khác nhau, còn rất thích chơi game nữa. Mỗi ngày, bé xem khoảng 5-6 tiếng, thường thì đến khi điện thoại hết pin mới chịu dứt ra. 

Cách đây 1 tháng, những triệu chứng giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi của con diễn ra thường xuyên, liên tục khiến chị Thủy rất sợ. Bé bắt đầu giật cơ mặt, nháy mắt liên tục mỗi khi xem điện thoại, còn bình thường thì sẽ nhíu mũi. Chị Thủy cứ nghĩ con đùa với mẹ, nên quát con, bắt con phải dừng lại nhưng các triệu chứng này vẫn không đỡ. 

Và khi được bác sỹ chẩn đoán con mắc hội chứng rối loạn TIC tạm thời, chị mới hốt hoảng. 

sử dụng điện thoại

"Mình sinh con ra không có tật, tự dưng bây giờ thành như thế. Ai làm mẹ mà không lo" - chị Thủy chia sẻ. 

Chị Thủy chia sẻ thêm: “ Bác sỹ có dặn rằng mẹ tuyệt đối phải cai điện thoại cho con, còn nếu cho xem tivi thì không được quá 30 phút/1 ngày. Và mình cũng sẽ nghe theo bác sỹ, dù con có chống đối, khóc lóc như nào, mình cũng cai điện thoại hoàn toàn. Mình hối hận lắm rồi. Nên thực sự muốn chia sẻ câu chuyện của mình để góp thêm tiếng nói cảnh báo các bố mẹ khác !”. 

Thời gian tối đa cho trẻ xem ti vi, máy tính, điện thoại mỗi ngày 

Việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều có thể gây nên rất nhiều những tác hại khó lường như: ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (trẻ khó ngủ về đêm, dễ tăng cân, béo phì, mắc các bệnh về mắt…), tâm lý, gặp vấn đề về khả năng tập trung, hạn chế trí sáng tạo, bị ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ… 

Khuyến cáo chung từ Hội đồng Nhi Khoa Hoa Kỳ về thời gian ngồi trước màn hình ti vi, điện thoại của trẻ là: 

- Trẻ dưới 18 tháng tuổi: 0 giờ 

- Trẻ từ 18 tháng tuổi - 2 giờ: Có thể cho trẻ xem những chương trình thiếu nhi trên ti-vi như hoạt hình, cuộc thi năng khiếu, dạy cắt dán, vẽ tranh... Tuy nhiên, thời điểm này, để trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài vẫn là ở ưu tiên hàng đầu. 

- Trẻ từ 2 tuổi - 5 tuổi: tối đa 1 giờ mỗi ngày. 

- Đối với trẻ lớn hơn và thiếu niên: Bạn cần lập ra "thời gian biểu" cố định cho trẻ, đảm bảo cho sinh hoạt ăn, ngủ, nghỉ không bị cắt giảm thời gian. 

Đối với tất cả các lứa tuổi, cha mẹ cần đặc biệt tránh các chương trình, hình ảnh bạo lực, phim ảnh có diễn biến quá nhanh. Việc lựa chọn chương trình cho bé tiếp xúc cũng là vấn đề mà cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm.  

Theo AnhN/Trí Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 bí quyết hạnh phúc cho phụ nữ độc thân