Con từng sốt đến mức co giật, mẹ 9X chia sẻ kiến thức quan trọng các mẹ có con nhỏ cần phải thuộc lòng

2020-05-29 06:00
- Trẻ bị sốt co giật sẽ có triệu chứng sốt, tăng nhiệt độ sốt đột ngột, cứng người, trợn mắt tay chân giật liên hồi và sau 1 - 2 phút sẽ hết co giật.
Làm mẹ ai cũng mong con mình được khỏe mạnh, thông minh. Thế  nhưng, đối với trẻ nhỏ thì không thể tránh khỏi những ngày trái nắng trở trời, những trận ốm sốt khiến mẹ phải thức trắng đêm vì lo lắng. Nếu hỏi các mẹ có con nhỏ sợ nhất điều gì thì câu trả lời cho số đông chắc chắn sẽ là: Sợ nhất con ốm sốt. 
Chị Bùi Thị Thu Huyền sinh năm 1993 ở Hòa Bình cũng vậy. "Từ ngày có con, mình chỉ sợ con ốm sốt, mỗi lần con sốt là mẹ nóng theo, không làm được việc gì ra hồn. Có lẽ cũng là do lúc bé An Chi (bé Cam con gái mình) được 7 tháng, bé mọc răng thôi mà con cũng bị sốt tới mức co giật nên mình mới đặc biệt sợ hãi việc con ốm đến thế", chị Huyền chia sẻ.

Chia sẻ của mẹ Cam về sốt co giật, kiến thức nằm lòng với các mẹ có con nhỏ

Mẹ con chị Huyền - Ảnh NVCC

Chị Huyền kể: "Từ nhỏ, Cam được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn, trộm vía con khá khỏe mạnh, những lần tiêm phòng đầu tiên con cũng chỉ hơi ấm ấm người chút rồi hết. Thế nhưng đến khi 7 tháng, con mọc răng thì đã dọa mẹ và cả nhà một trận ra trò". 
Lúc đó con sốt, chị Huyền đo nhiệt độ của con là 38 độ, con vẫn chơi bình thường và không bỏ bú. Thấy vậy chị Huyền cũng nghĩ đơn giản chắc con không sao. Chị nhớ lại: "May hôm đó có bà nội phát hiện ra, gọi toáng lên rằng con bé bị sốt co giật rồi. Mình ở ngoài chạy vội vào, thật sự là lúc đó mình rất cuống không biết nên phải làm gì trước. Mình hít một hơi thật sâu để vớt lấy chút bình tĩnh rồi gọi xe đưa con đi cấp cứu. Đường tới viện chỉ 5 phút thôi, sao mà hôm đó mình tưởng nó dài cả thế kỉ- có lẽ đó là chuyến xe dài nhất cuộc đời mình. Cũng may, hôm đó Cam được cấp cứu kịp thời nên tai qua nạn khỏi. Nhưng hôm đó, con cũng đã làm cho mẹ và bà rơi vào tận cùng của sự lo lắng". 

Chia sẻ của mẹ Cam về sốt co giật, kiến thức nằm lòng với các mẹ có con nhỏ

Khi Cam bị sốt phải vào viện - Ảnh NVCC

Sốt co giật là phản ứng của cơ thể đối với 1 tác nhân gây bệnh nào đó, nó gây ra sự mệt mỏi, khó chịu. Trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi là đối tượng dễ bị sốt co giật nhất ngay cả khi nhiệt độ mới chỉ 38 độ. Trẻ bị sốt co giật sẽ có triệu chứng sốt, tăng nhiệt độ sốt đột ngột, cứng người, trợn mắt tay chân giật liên hồi và sau 1 - 2 phút sẽ hết co giật.
Chị Huyền kể tiếp: "Sau khi bé Cam được các bác sĩ giúp đỡ qua cơn nguy hiểm, mình được các bác sĩ dặn dò rất cẩn thận nên làm gì khi con bị sốt co giật. Mình nhớ như in những điều bác sĩ nói. Từ đó nó trở thành hành trang không thể thiếu khi chăm con ốm sốt của mình. Bác sĩ dặn mình:
- Nên đặt con nằm nghiêng đầu thấp hơn mông để nếu con nôn trớ, tăng tiết dịch dãi thì không hít phải vào gây tắc đường thở. Đảm bảo đường thở thông thoáng, không có dị vật.
- Đặt thuốc hạ sốt ở hậu môn để giảm sốt cho con.
- Sau đó nên đưa con đến cơ sở y tế để xác định nguyên nhân của cơn co giật.
-Thường cơn co giật chỉ xuất hiện 1-2 phút thì chấm dứt. Nếu trên 5 phút chưa dừng thì nên đưa con đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất.
- Không nên nhét bất cứ thứ gì vào mồm con khi con lên cơn co giật, không vắt chanh hay sả vào mồm con vì nguy cơ hóc dị vật tắc đường thở".

Chia sẻ của mẹ Cam về sốt co giật, kiến thức nằm lòng với các mẹ có con nhỏ

Bé Cam bị như vậy 1 lần rồi nên chị Huyền lúc nào cũng nơm nớp lo sợ con bị co giật trở lại mỗi lần con sốt. Thế nên, mỗi lần con mọc răng, sốt nhẹ chị cũng chăm sóc con rất cẩn thận. Chị nói: "Mỗi lần con ốm, mình cho con đi bác sĩ để xác định nguyên nhân, nếu chỉ là sốt đơn thuần do mọc răng thì mình sẽ tự chăm sóc con tại nhà. Dưới đây là kinh nghiệm của bản thân mình, các mẹ có thể tham khảo thêm khi con bị sốt:
- Cho con uống nhiều nước, sữa, nước trái cây.
- Bú mẹ nhiều. 
- Mặc quần áo thông thoáng cho con, bỏ bỉm.
- Ngay khi con sốt 38 độ 1 thì nên cho con uống thuốc hạ sốt có chứa paracetamol ngay. Liều lượng 10-15mg/kg theo khối lượng của con, thuốc này uống cách 4-6h nếu con sốt thì uống tiếp. Nếu con không hạ nhiệt mà vẫn chưa đến giờ để uống tiếp thì lau ấm cho con.

Chia sẻ của mẹ Cam về sốt co giật, kiến thức nằm lòng với các mẹ có con nhỏ

* Cách lau: Mình lau toàn bộ lưng, lau tay và nách, lau bẹn và chân con. Không nên lau bụng vì lau bụng phải nhanh, mẹ không đảm bảo được nên có thể con sẽ bị lạnh. Mình cũng ít lau trán vì Cam sợ lau trán lắm. Nếu lau 5 phút rồi mà con vẫn không hạ nhiệt thì cho cong uống ibuprofen, bắt buộc con phải hạ sốt.
- Việc đầu con nóng và chân tay con lạnh là chuyện bình thường, sau khi uống thuốc xong con vã mồ hôi ra nhiều và hạ nhiệt cũng là bình thường. Khi con vã mồ hôi thì lau ngay đi cho con, tránh bị lạnh.
- Trước khi con lên cơn co giật thì Cam nhà mình sẽ giật mình không tự chủ được, mình sẽ ngay lập tức tìm cách để hạ sốt cho con.
- Con vẫn nằm điều hòa.
- Nếu Cam không quá mệt, mình vẫn tắm nhanh và ở nơi kín gió, vệ sinh sạch sẽ cho con hàng ngày.
- Bình thường mình luyện Cam theo EASY, nhưng những ngày con ốm thì ngủ nhiều hơn nên mình không áp dụng. 
- Ăn: Mệt mỏi trong người, con sẽ rất lười ăn, mình cố gắng cho con ăn ít một, thức ăn dễ tiêu như cháo loãng, trái cây nhiều vitamin C". 
Mẹ Cam cũng nhấn mạnh rằng mỗi trẻ nhỏ có một thể trạng khác nhau. Bố mẹ là những người hàng ngày chăm sóc con sẽ hiểu con nhất. Do đó khi thấy trẻ có biểu hiện ốm sốt bất thường nên nhanh chóng đưa trẻ tới trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ kipj thời. Mong rằng với những chia sẻ của chị Huyền trên đây sẽ phần nào giúp các mẹ có con nhỏ vượt qua những trận ốm sốt nhanh nhất có thể để các bé đều được khỏe mạnh, vui vẻ.
Mẹ Khoai

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những sao Việt 'nên duyên' bạn thân nhờ đóng chung một bộ phim