Con bị sâu răng, mòn hết cả hàm chỉ vì thói quen hầu như mẹ nào cũng mắc phải

2018-07-05 15:43
- Để con ngủ ngon giấc, không bị đói giữa giờ khuya, các bà mẹ thường cho con ngậm bình sữa cả đêm. Họ đã không biết rằng chính thói quen này khiến trẻ dù mới chỉ 1-3 tuổi hàm răng sữa đã bị mủn nát, ố vàng và gây đau đớn.

Chị Hoàng Mai (Đống Đa - Hà Nội) cho biết con chị mới 14 tháng tuổi, mọc được 8 cái răng sữa nhưng lại bị sâu gần hết. Ban đầu khi thấy răng con bị mủn nát, bị ăn vào trong tạo thành các hố lõm trên những chiếc răng ố vàng chị cứ nghĩ do bé ăn dặm, thức ăn còn đọng lại khiến vi khuẩn tấn công răng. Để ngừa những chiếc răng còn lại bị ăn lây, chị đã cẩn thận dùng gạc rơ lưỡi vệ sinh sạch sẽ cho bé. Tuy nhiên một thời gian sau, chị kiểm tra thì thấy chiếc răng thứ 2, thứ 3 cũng trong tình trạng tương tự và lần bên trong răng chuyển sang màu vàng đục. Cho con đi khám nha khoa, chị giật mình khi biết con mình bị sâu răng ngay cả khi răng còn chưa mọc đủ.

Con bị sâu răng, mòn hết cả hàm chỉ vì thói quen mà hầu như bà mẹ nào cũng mắc phải

Chị không hiểu lý do tại sao đã cẩn thận vệ sinh cho con nhưng vẫn không thể bảo vệ hàm răng của bé. Cho đến khi bác sĩ hỏi thói quen bú sữa của bé thì mọi chuyện mới được sáng tỏ. Hóa ra vì quan niệm bú đêm mau lới nên từ nhỏ bà nội đã tập cho bé ngậm bình ti sữa trước khi ngủ. Thông thường bé cứ tu ti đến lúc ngủ quên, bình sữa rớt xuống thì bà lại cất bình và vỗ về cháu vài cái cho bé vào giấc ngủ thật say. Các bác sĩ cho hay, thói quen để trẻ ngậm bình sữa khi ngủ chính là "thủ phạm" khiến nhiều trẻ nhỏ dù đang ở độ tuổi mọc răng sữa nhưng cấu trúc răng đã bị phá mòn.

Thói quen ngậm bình sữa hay các thức uống có đường trước khi ngủ sẽ làm chất đường lên men thành axit, tấn công vào men răng làm hư hại men răng của trẻ nhỏ. Lâu ngày nó sẽ gây nên tình trạng sâu răng hàng loạt, nhất là các răng cửa sữa ở hàm trên và hàm dưới. Nếu không được chữa trị sẽ ảnh hưởng đến tủy răng, gây nhiễm trùng và buộc phải nhổ bỏ răng sữa khi chưa đến thời điểm thay răng theo quy trình tự nhiên. Hậu quả là bé sẽ không có đủ răng để đảm nhận nhiệm vụ nhai thức ăn, dinh dưỡng vào cơ thể sẽ hao hụt, nền tảng sức khỏe suy giảm, phát âm bị ngọng và làm chậm tăng trưởng chiều cao ở giai đoạn phát triển vàng. Chưa kể, việc lạm dụng cho trẻ ngậm bình sữa còn làm ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ, khiến trẻ thiếu tự tin.

Con bị sâu răng, mòn hết cả hàm chỉ vì thói quen mà hầu như bà mẹ nào cũng mắc phải

Điều đáng nói, nhiều phụ huynh thấy con bị sâu răng khi còn nhỏ lại chẳng mấy quan tâm vì cho rằng đó là răng sữa, trước sau gì nó cũng sẽ rụng đi và được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Đó là một quan niệm rất sai lầm vì tất cả những gì xảy ra với răng sữa đều ảnh hưởng đến sự phát triển răng vĩnh viễn.

Theo phân tích từ các chuyên gia thì răng sữa ở trẻ cũng quan trọng như răng vĩnh viễn. Răng sữa khỏe mạnh giúp trẻ nói chuyện, nhai nuốt tốt hơn. Nếu răng sữa tốt sẽ giữ chỗ cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên đúng chỗ, đều và đẹp. Nếu phải nhổ sớm các răng sữa, trẻ có thể gặp các vấn đề như ăn uống khó khăn, phát âm không chuẩn, răng mọc lệch lạc, làm sâu và ngả màu các răng vĩnh viễn sau này. Nếu không chữa khỏi, những chỗ sâu sẽ gây viêm lợi, viêm các dây thần kinh và mô gần răng, làm chết các mầm răng vĩnh viễn.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông bà ta thường có câu "cái răng, cái tóc là góc con người" Một hàm răng trắng đều và chắc khỏe sẽ tạo cho trẻ một gương mặt khả ái và nụ cười xinh đẹp, giúp trẻ tự tin hơn trong giao tiếp. Chính vì thế để tạo tiền đề cho con phát triển tốt thì ngoài việc chăm bẫm cho con về chế độ dinh dưỡng bố mẹ cần phải chú ý chăm sóc răng miệng cho trẻ.

Cách phòng ngừa sâu răng khi bú bình

Để phòng tránh sâu răng bố mẹ không nên cho trẻ uống nước trái cây, ngậm bình sữa trong miệng khi ngủ. Nếu trẻ cần bú bình mới ngủ được thì mẹ có thể cho ngậm bình nước lọc và nhớ lấy bình ra khi bé đã ngủ.

Khi trẻ được 9 tháng đến 1 tuổi mẹ nên tập cho trẻ thói quen uống sữa bằng ly. Ngoài ra để phòng ngừa sâu răng do bú bình, mẹ chỉ nên cho bé bú bình vào những bữa ăn chính, không nên tập cho bé có thói quen cầm bình sữa chạy vòng vòng chơi hay ngậm bình sữa khi đi ngủ.

Sau mỗi lần ăn hay bú sữa mẹ nên giúp trẻ vệ sinh răng miệng ngay. Đối với trẻ còn nhỏ mẹ có thể dùng gòn hay gạc chùi sạch răng cho bé. Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên mẹ cần tập cho con có thói quen chải răng uống nước sau khi uống sữa.

Hướng dẫn bé cách sử dụng chỉ tơ nha khoa đúng cách để làm sạch kẽ răng sau khi tất cả các răng sữa đã mọc, thường vào lúc bé 2 - 2,5 tuổi.

Nếu nguồn nước sử dụng không được Fluor hóa phòng ngừa sâu răng, hãy đến gặp nha sĩ để được tư vấn cách bổ sung Fluor cho trẻ

Nên đến bác sĩ răng hàm mặt khám răng định kỳ sau khi bé được 6 tháng đến 1 tuổi để phát hiện những răng mới bị sâu và được hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng đúng cách.

Theo Webtretho

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 kiểu áo khoác được Black Pink diện mãi không chán nhưng lúc nào cũng 'chiếm sóng'