Các mẹ nhắc nhau quy tắc an toàn sau vụ bé lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên ôtô

2019-08-07 16:58
- Trong khi MC Nguyệt Ánh luôn cố gắng sắp xếp thời gian đưa con gái đi học mầm non, chị Phương Dung lại dạy con cách thoát hiểm nếu bị mắc kẹt trên ôtô.

Vụ việc bé lớp 1 tử vong sau 9 tiếng bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón học sinh tại trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) là chủ đề được các phụ huynh nhắc đến liên tục từ tối qua 6/8 đến nay. Bên cạnh việc bày tỏ sự thương xót với em bé, các bố mẹ còn đưa ra nhiều góp ý về quy trình quản lý trẻ lên - xuống xe và nhắc nhau dạy con kỹ năng sống, quy tắc an toàn... với mong muốn sẽ không có bất cứ trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. 

Hôm qua, khi đọc tin tức về vụ việc bé 6 tuổi tử vong trên xe ôtô của trường vì bị bỏ quên, chị Nguyễn Phương Dung (Làm việc trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục, Hà Nội) đã nhắn tin cho hiệu trưởng trường con trai ngay lúc 0h để chia sẻ lo lắng và mong muốn nhà trường có thêm bước thông báo cho phụ huynh trong quy trình đón - trả trẻ mỗi ngày. 

Lựa chọn cho con sử dụng dịch vụ đưa đón của nhà trường khi đang học mầm non, Phương Dung thấy rõ tầm quan trọng của việc "trao kỹ năng sinh tồn cho trẻ". Bởi theo chị, khi bé đi ôtô, vô số vấn đề có thể xảy ra như: bị kẹt tay vào cửa, bị khóa trên xe, bị va chạm vào phương tiện đang lưu thông khi xuống xe... Sáng nay, chị cũng đã tranh thủ nói chuyện với cậu con trai 5 tuổi về vụ việc trên và giải thích thêm cho con các nội dung: 

- Tầm quan trọng của giấc ngủ sớm để con có sự tỉnh táo vào sáng hôm sau, tránh tình trạng lơ mơ, gật gà khi trên xe. 

- Sự nguy hiểm khi con ở trong xe đã tắt máy và đóng kín cửa. Nếu con bị kẹt thì hãy tìm búa, vật nặng... để cố gắng phá cửa hay gây sự chú ý cho người khác.  

Chị Phương Dung thường xuyên cho con tham gia các buổi trải nghiệm để rèn luyện kỹ năng sinh tồn.   

Từng có nhiều năm làm công tác nhân sự, chị Nguyễn Minh Trang (Kinh doanh, Hà Nội) cho rằng cần thiết phải xây dựng quy trình trong từng bộ phận. Ngay như việc đưa đón học sinh bằng xe buýt của nhiều trường hiện nay, chị Trang cũng kiến nghị những nhà quản lý giáo dục các nội dung: 

1. Nhận các con lên xe xong điểm danh, đếm sĩ số (đếm 2-3 lần để đảm bảo chính xác). 

2. Khi xuống xe, cô phụ trách cần đếm lại tổng số học sinh. Điều này nếu không làm được sẽ khó quản lý vì thông thường, học sinh sẽ "lao ầm ầm vào sân trường" khi xe vừa đỗ. 

3. Khi trẻ đã xuống hết, cô phụ trách kiểm tra lại một lượt từng hàng ghế. Nhà trường có sổ đưa đón học sinh đối với trẻ đi xe buýt. Khi đón - trả, cô giáo đều phải ký vào sổ, ghi nhật ký (đón - trả bao nhiêu học sinh, tình hình chung...) 

4. Lái xe trước khi rời xe phải kiểm tra một lần nữa để chắc chắn không còn học sinh mới khóa cửa, rời xe. 

5. Giáo viên chủ nhiệm phải gọi điện cho phụ huynh hoặc báo cho bộ phận phụ trách khi thấy học sinh đến muộn 5-10 phút. Trường hợp cho con nghỉ học, phụ huynh phải báo với giáo viên. 

6. Yêu cầu học sinh ngồi theo thứ tự đón trên xe buýt và giữ nguyên vị trí như thế trong suốt năm học. Học sinh nào nghỉ, ghế đó được bỏ trống. 

Về phía bố mẹ, chị Minh Trang thấy cần dạy con cách để tự giải thoát. Hãy chỉ cho con chỗ ghi cửa thoát hiểm và tìm một vật nào đó có thể đập vỡ được cửa xe. Nếu lỗ hổng không đủ rộng để thoát ra ngoài thì cũng giúp trẻ tránh bị ngạt khí. Ngoài ra, chị Trang còn dạy con về tính cộng đồng. "Thấy bạn ngồi cạnh, phía trên và dưới ở trên xe có gì bất thường phải báo cho cô phụ trách; gọi bạn dậy xuống xe nếu bạn ngủ quên", bà mẹ Hà Nội chia sẻ.  

Chị Ngọc Đinh quan niệm: 'Không ai có thể cứu mình bằng chính bản thân mình'.   

Chung suy nghĩ với nhiều phụ huynh, chị Ngọc Đinh (Nhà báo, Hà Nội) bảo việc dạy con kỹ năng sinh tồn chính là cung cấp cho con "bài học tự cứu mình". Vì vậy, chị thường xuyên dặn con trai những việc cần làm nếu bị kẹt lại trên xe ô tô một mình. Đó là: 

- Mở cửa kính bên hông xe để không ngạt thở. 

- Nếu cửa kính quá nặng, không thể mở thì ngay lập tức bấm còi xe liên tục, bấm nút đèn khẩn cấp (nút có hình tam giác ngay trên taplo) để thu hút sự chú ý bởi khi tắt máy, hệ thống còi và đèn vẫn hoạt động. 

Bà mẹ một con còn bổ sung thêm hai lưu ý an toàn khác từ chính trải nghiệm của mình khi cửa phòng bị sập mà không đem theo chìa khóa: "Luôn mang theo điện thoại, kể cả khi vào nhà vệ sinh" và "Mỗi phòng nên có một chiếc thẻ cứng (kiểu thẻ ngân hàng) không dùng đến để sử dụng nó lách qua khe chỗ đầu khóa cửa tiếp xúc với tường và mở cửa".  

Đưa con đi học, chơi cùng con là những khoảng thời gian Nguyệt Ánh thích nhất trong ngày.   

MC Nguyệt Ánh (Giám đốc thương hiệu nội thất, TP HCM) lại lựa chọn cách thức cẩn trọng hơn để đảm bảo an toàn cho con gái đang ở độ tuổi mầm non. Dù bận rộn cách mấy, sáng nào Nguyệt Ánh cũng dành tự mình đưa con đi học. Những lúc chị đi công tác, bà ngoại và bố của bé (không phải người giúp việc) thay chị làm công việc này. 

"Mình nghĩ đó là đơn giản là niềm vui và sở thích của mình khi có thêm chút thời gian để ôm con, trò chuyện với con lúc cùng ngồi trên xe. Đồng thời, đó cũng là cách để hạn chế những nguy cơ không lường trước được... Có lần, một người xưng là giúp việc đến đón Cá Heo (tên thân mật của con gái Nguyệt Ánh), các cô giáo do đã nắm được những người thường xuyên đưa đón bé nên gọi điện hỏi lại gia đình", Nguyệt Ánh kể lại. 

Thương và xót xa cho em bé xấu số, Nguyệt Ánh cũng mong các bố mẹ có thể dành thời gian nhiều hơn cho con vì ở độ tuổi mầm non, tiểu học, các con còn bé bỏng, cần sự che chở từ cha mẹ. 

Theo Ngoisao.net

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 5 cung hoàng đạo được ví như nàng 'tiểu tiên nữ' trong mắt người khác giới