Đừng tưởng nhiễm chì là do son môi, những thực phẩm này còn khiến bạn có nguy cơ ngộ độc hơn nhiều lần

Cù Hiền 2017-04-20 15:40
- Trong thực phẩm hầu hết không có chứa chì nhưng một số động vật khoang đáy sống trong vùng nước thải ô nhiễm chứa chì, nếu ăn thường xuyên thì cơ thể chúng ta sẽ có nguy cơ nhiễm chì.

Nữ MC VTV hoảng hốt khi có lượng chì trong máu gấp 3 lần ngưỡng cho phép từ son

Gần đây, trường hợp nữ MC trong một lần đến ghi hình tại đài truyền hình có biểu hiện của ngộ độc chì như: Mất ngủ, táo bón, hay quên… Điều khiến nhiều chị em lo lắng hơn cả là người ta nghi ngờ cô bị ngộ độc chì từ chính những thỏi son dùng hàng ngày.

Điều đáng nói là sau khi cô gái này đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm máu thì thấy lượng chì trong máu lên tới 32 mcg/dL, gấp 3 lần ngưỡng cho phép từ son. Khi kiểm tra răng thì thấy viền lợi của cô đã chuyển màu đen xám, lấp lánh ánh kim loại.

Cô gái cho biết thời điểm hiện tại cô không sử dụng bất kỳ loại thuốc nam nào cũng như không tiếp xúc những khu vực nhiễm chì ngoài việc cô dùng son môi hàng ngày.

Trao đổi với PGS Trần Hồng Côn, công tác tại Khoa Hóa - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Theo đúng nguyên tắc, son môi không được phép dùng chì cũng như không được phép sử dụng các chất gây độc hại cho cơ thể nên để có một câu trả lời chuẩn nhất về vấn đề này, chúng ta cần nghiên cứu lượng chì trong chính thỏi son cô gái trẻ kia đang sử dụng".

Những thực phẩm chứa chì ăn càng ít càng tốt

Son môi chứa chì và những hệ lụy khôn lường.

Có rất nhiều con đường dẫn chì vào trong cơ thể

Theo Phó Giáo sư Côn nhận định, những con đường dẫn chì vào trong cơ thể là qua hô hấp, đường tiêu hóa, da, nhau thai và sữa mẹ.

- Nhận định về con đường dẫn chì vào trong cơ thể qua đường hô hấp, Giáo sư Côn cho biết:

“Nguy cơ nhiễm chì ở trẻ em cao hơn người lớn, bởi vì khói, bụi, hơi xe có chứa chì, chiều cao của trẻ lại thấp hơn nên khi hít thở không khí ở gần mặt đất - nơi có nồng độ chì cao hơn sẽ khiến các em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn. Đặc biệt, tốc độ lắng đọng chì ở phổi của trẻ em cao gấp 2,7 lần so với người lớn, do đó con đường nhiễm chì qua đường hô hấp là rất lớn”.

- Nhiễm chì qua đường tiêu hóa có thể là do ăn, uống, tay dính chì nhưng không được rửa sạch, hoặc trẻ em có thể mút tay khi tay chúng đang dính chì, do đó trẻ em hấp thu lượng chì lớn hơn người lớn. Cụ thể, trẻ em hấp thu 40-50% lượng chì trong thức ăn trong khi người lớn chỉ hấp thu 10-15%. Nếu một cơ thể đang bị đói, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, đặc biệt thiếu các khoáng chất như ion như sắt, canxi, kẽm sẽ khiến nhu cầu hấp thu chì qua đường tiêu hoá tăng lên. Như vậy, những người sống ở các khu vực ô nhiễm chì nếu chế độ ăn thiếu các chất khoáng trên thì càng dễ bị ngộ độc chì.

- Nhiễm chì cũng có thể lây qua đường sữa mẹ bởi nếu một bà mẹ bị ngộ độc chì thì con cũng bị ngộ độc, nồng độ chì trong máu của con bằng 80% nồng độ chì trong máu mẹ. Tuy nhiên thông tin về con đường tiếp xúc này còn chưa đầy đủ.

- Qua da, mức độ ngộ độc kém hơn so với đường hô hấp và tiêu hóa nhưng vẫn gây ngộ độc, đặc biệt khi tiếp xúc kéo dài. Oxit chì (thường gặp ở dạng hồng đơn, được dùng trong các thuốc nam lưu hành bất hợp pháp) sẽ hấp thu dễ dàng qua da. 

Những thực phẩm chứa chì ăn càng ít càng tốt

Một số thực phẩm có nguy cơ nhiễm chì cao như ngao, sò, ốc hến...

Trong thực phẩm hầu hết không có chứa chì nhưng một số động vật khoang đáy như sò, ngêu, ốc... chúng sống trong vùng nước thải ô nhiễm chứa chì, nếu ăn thường xuyên thì cơ thể chúng ta sẽ có nguy cơ nhiễm chì.

Hậu quả khi cơ thể bị nhiễm chì

Theo PGS-TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) cho biết chì nhiễm vào cơ thể một cách từ từ. Với những bệnh nhân bị ngộ độc chì cấp tính khiến nạn nhân có biểu hiện tiêu chảy, gây nôn. Lượng chì sẽ vào cơ thể nhanh hơn rất nhiều nếu đánh son nhưng chúng ta không lau đi trước khi ăn uống.

Theo đúng nguyên tắc thì son môi không được phép cho những chất có hại cho sức khỏe như chì, tuy nhiên ở nhiều hãng son hiện nay loại oxit này xuất hiện không còn hiếm nữa. Khi chất chì trong son môi phản ứng với các enzym có trong dạ dày, có nguy cơ gây nhiễu loạn, phá vỡ hoạt động hệ tiêu hóa.

Chì trong thực phẩm

Sưng vều môi khi dùng son bị ngộ độc chì.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Khoát, trưởng khoa da liễu bệnh viện 198 Bộ Công an kể lại trước đây, ông từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị viêm da, mẩn ngứa nguyên nhân chủ yếu từ việc sử dụng mỹ phẩm.

“Bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm như son môi có biểu hiện môi phồng rộp, bong tróc da trong thời gian dài. Lúc đầu, bệnh nhân đó không nghĩ mình bị dị ứng do thoa son nên thỏi son mới mua, họ tiếc và dùng thêm, càng dùng, vết lở loét càng lan rộng, môi sưng to hơn. Khi quá đau đớn không thể chịu được nữa chị này mới đến viện điều trị” - Bác sĩ Đỗ Văn Khoát cho hay.

Bác sĩ Khoát đưa ra lời khuyên, hiện nay, trong rất nhiều son môi chứa chì, lượng chì trong son môi ít hay nhiều chưa ai kiểm chứng được là bao nhiêu. Vậy nên, các chị em khi sử dụng son môi cần hết sức chú ý. Nếu sau khi thoa son lên môi, thấy biểu hiện như ngứa, da rộp lên ngay lập tức phải ngừng dùng sản phẩm ấy.

Cù Hiền

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Toner Klairs “đỉnh chóp” cho mọi chu trình dưỡng da