Ăn nhiều gạo trắng có tốt không? Rủi ro sức khỏe của gạo trắng có thể bạn chưa biết

Thiên Khuê 2024-04-24 18:01
- Rủi ro sức khỏe của gạo trắng có thể nhiều người chưa biết vì đây là thực phẩm quá quen thuộc hằng ngày. Emdep sẽ giúp bạn giải tỏa băn khoăn về vấn đề này nhé.

Gạo trắng là gì?

Nhắc đến nguồn năng lượng chủ yếu từ thực phẩm chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến cơm. Thông thường, gạo trắng được sử dụng vô cùng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày vì nó dễ ăn, nhìn đẹp mắt và có hương vị thơm ngon.

Tác dụng phụ của cơm trắng chính là bị mất khá nhiều các chất dinh dưỡng cần thiết. Gạo trắng là thành phẩm trải qua quá trình xay xát, loại bỏ vỏ trấu, mầm và cám. Nó có thể được đánh bóng thêm nên trở thành sản phẩm tinh chế.

Rủi ro sức khỏe của gạo trắng không chỉ là bị giảm hàm lượng dưỡng chất mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp II. Nghiên cứu cho thấy, ăn cơm từ gạo trắng còn dễ khiến bạn bị béo phì hơn so với gạo lứt và ngũ cốc.

Rủi ro sức khỏe của gạo trắng có thể bạn chưa biết

Vì sao ăn nhiều gạo trắng có thể bất lợi cho sức khỏe?

Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường 

Ăn gạo trắng đúng cách có thể cung cấp năng lượng và đảm bảo thể lực cho bạn. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều (hơn 5 lần/tuần và với số lượng lớn) sẽ dễ gây nguy cơ tiểu đường tuýp II.

Nguyên nhân chủ yếu là do gạo trắng đã bị loại bỏ gần như toàn bộ chất xơ cùng nhiều chất dinh dưỡng có lợi để cân bằng đường huyết, đồng thời hàm lượng carbohydrate của nó lại khá cao cũng là hạn chế lớn đối với sức khỏe.

Thúc đẩy phát sinh hội chứng chuyển hóa

Tiêu thụ gạo trắng trong thời gian dài và không có kiểm soát số lượng còn khiến bạn dễ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn so với người ăn cơm hợp lý hoặc từ nguồn ngũ cốc nguyên hạt khác.

Đặc biệt, phụ nữ sau mãn kinh ăn nhiều cơm trắng có thể tăng nguy cơ bị rối loạn lipit máu. Tình trạng thiếu chất xơ do ăn gạo tinh chế và thiếu bổ sung từ nguồn khác cũng làm bạn thường xuyên bị táo bón và bị các vấn đề về tiêu hóa.

Rủi ro sức khỏe của gạo trắng có thể bạn chưa biết

Gây béo phì

Trong các chế độ ăn kiêng, gạo lứt và ngũ cốc nguyên hạt thường được khuyến khích tiêu thụ hơn so với gạo trắng. Thành phần carbohydrate cao, ít chất xơ chính là hạn chế tạo thành rủi ro sức khỏe của gạo trắng.

Vậy ăn cơm trắng có lợi gì không?

Mặc dù tồn tại hạn chế đối với sức khỏe, cụ thể là tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp II và béo phì nhưng nếu ăn gạo trắng hợp lý cũng có lợi ích nhất định. Cơm trắng dễ ăn, dễ tiêu hóa nên phù hợp cho người bị bệnh dạ dày hoặc đang tiêu chảy.

Chất xơ thấp có thể hỗ trợ làm cho phân cứng hơn, dạ dày ít phải làm việc nên có thể giảm đau bụng. Ngoài ra, hương vị cơm trắng thơm ngon giúp kích thích khẩu vị khi kết hợp với các thực phẩm khác, đem lại sự đa dạng trong bữa ăn.

Có thể thấy, tiêu thụ cơm từ gạo trắng không phải lúc nào cũng gây hại cho sức khỏe. Quan trọng là bạn ăn cơm có kiểm soát, đồng thời bổ sung nhiều nguồn thực phẩm đa dạng để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mỗi ngày bạn có thể ăn từ 1 đến 3 chén cơm là tương đối an toàn. Tuy nhiên, bạn cũng nên căn cứ độ tuổi, tình trạng thể chất và tần suất hoạt động của mình để điều chỉnh cho hợp lý.

Rủi ro sức khỏe của gạo trắng có thể bạn chưa biết

Buổi tối nên hạn chế ăn quá nhiều cơm trắng vì hàm lượng carbohydrate có thể thúc đẩy đường huyết tăng cao, gây bất lợi cho giấc ngủ và không tốt cho sức khỏe về lâu dài. Nếu đói bụng, bạn có thể uống một ly sữa ấm hoặc ăn thực phẩm nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa.

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn giải tỏa băn khoăn về rủi ro sức khỏe của gạo trắng, từ đó có chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh.

Thiên Khuê (Theo Style)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 nguyên nhân gây đau đầu vào buổi sáng