Mẹ bầu làm cách này để giải cảm không khác gì 'tước đoạt mạng con' từ trong bụng

2017-05-14 06:25
- Xông hơi giải cảm tưởng là phương pháp chữa bệnh an toàn cho bất cứ ai, nhưng nếu các mẹ bầu sử dụng phương pháp này có thể sẽ để lại những hậu quả khôn lường

Vì thời tiết thay đổi thất thường, chị Thúy Hạnh (27 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bị mắc bệnh cảm cúm khá nặng. Nghe theo lời khuyên của người thân, chị liền đi chợ mua các loại lá như tía tô, lá tre, bưởi, sả để nấu nước xông giải cảm. Sau khi xông giải cảm được 2 lần, chị Hạnh cảm thấy chóng mặt, chân tay bủn rủn, bụng dưới có phần đau tức. Cảm thấy không ổn, chị liền gọi chồng đưa đi bệnh viện, lúc này chị mới biết mình đã mang thai được hơn 2 tháng. 

"Lúc khám xong, bác sĩ còn mắng tôi, bảo tại sao mang thai còn đi xông lá nóng, không sợ mất con à. May mắn là đứa bé giữ được. Nhưng bác sĩ bảo vẫn phải theo dõi thêm để kiểm tra xem việc xông nóng có ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến sự hình thành của bào thai không. Giờ đây, ngày nào tôi cũng nơm nớp lo sợ con sẽ bị ảnh hưởng. Bác sĩ bảo nếu con bị dị tật quá nặng thì nên bỏ thai, tôi nghe xong thấy buồn và hối hận quá" - chị Hạnh cho biết.

Đây không phải trường hợp duy nhất bà bầu xông nóng giải cảm làm ảnh hưởng đến thai nhi. Bác sĩ Phạm Hùng Vỹ (bệnh viện phụ sản TƯ) cho biết, đã có rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai vì không biết mà dùng phương pháp xông nóng để chữa bệnh để rồi phải hối hận cả đời.

"Từng có một người phụ nữ mang thai được 2 tháng tuổi vì xông nóng giải cảm liên tục nên đã để đứa con sảy mất. Cũng từng có một số trường hợp mang thai ở những tháng đầu vì xông hơi quá nóng mà làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh của em bé đang hình thành trong bụng mẹ. Việc tùy tiện xông nóng, xông lá của các bà bầu là vô cùng nguy hiểm", bác sĩ Vỹ cho hay.

Xông hơi giải cảm khi mang thai - sai lầm tai hại của mẹ bầu

Bác sĩ Hùng Vỹ cho biết, việc xông hơi, xông nước lá nóng có thể gây nguy hiểm đến thai nhi, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ, có thể khiến mẹ không giữ được thai. Nhiệt độ nóng đột ngột dễ dẫn đến co thắt cơ bụng, gây giãn cơ và mạch máu, có thể làm ảnh hưởng đến mức độ bám của thai vào tử cung.

Ngoài ra, việc trùm chăn kín mít cùng nồi nước xông nóng có thể làm hạ huyết áp của bà bầu, ảnh hưởng đến quá trình cung cấp khí oxy, dưỡng chất cho em bé trong bụng.

"Nếu xông hơi quá nóng khi mang thai chưa đến 12 tuần, thai nhi sẽ có nhiều nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh, bị dị tật, hệ thần kinh bị tổn thương bởi các tế bào bị ảnh hưởng do nhiệt độ cao... Còn nếu thai phụ xông hơi từ sau 12 tuần mặc dù mức độ nguy hiểm không cao bằng nhưng vẫn có nguy cơ khiến thai nhi bị dị tật xương như vẹo cột sống", bác sĩ cảnh báo

Bác sĩ Hùng Vỹ cho biết, nếu thai phụ xông hơi nhiệt độ cao sau tháng thứ 3 thì cũng không nên chủ quan, nếu cảm thấy không yên tâm thì nên đi khám ngay để theo dõi tình trạng của thai nhi. Bác sĩ cảnh báo: "Từng có trường hợp bệnh nhân xông lá sả giải cảm ở tháng thứ 5 của thai kỳ, mặc dù thai nhi vẫn giữ được nhưng tôi vẫn khuyên thai phụ nên đi theo dõi thường xuyên, đặc biệt là kiểm tra các khớp xương của em bé để nếu có vấn đề dị tật về xương sẽ phát hiện được sớm".

Theo quan điểm của bác sĩ Hùng Vỹ, các thai phụ dù ở bất cứ giai đoạn, thời gian nào của thai kỳ cũng nên tránh xông hơi. Bác sĩ cho hay: "Nếu bị cảm thì có thể xông vào mặt nhưng hơi nóng vẫn sẽ tỏa ra xung quanh. Theo quan điểm của tôi là dù ở trường hợp nào đi nữa thì cũng nên tránh việc xông nóng khi đang mang thai. Nếu đang mang thai mà bị cảm cúm thì nên tìm đến lời khuyên của bác sĩ để có phương án chữa bệnh an toàn cho cả mẹ và bé".

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 gương mặt bỗng vụt sáng thành sao chỉ sau một vai diễn của giới giải trí Vbiz