Bác sĩ trực Tết: Số lần đón giao thừa, đưa con đi xem pháo hoa... đếm trên đầu ngón tay
Tin liên quan
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài nhất và quan trọng nhất trong năm với mỗi người Việt Nam, hầu hết tất cả mọi người dân đều được nghỉ làm việc, hưởng thụ những giây phút sum vầy bên gia đình. Tuy nhiên, đối với những người làm nghề y, việc được ăn một bữa cơm giao thừa cùng gia đình là điều không hề dễ dàng, bởi phải thường xuyên túc trực tại bệnh viện cấp cứu cho bệnh nhân.
Vào những ngày sát Tết, bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương thường xuyên phải tiếp nhận những ca cấp cứu nghiêm trọng được chuyển lên từ tuyến dưới. Công việc bận rộn khiến không một y bác sĩ nào nghĩ đến việc ăn Tết ở nhà.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho hay: "Ngày nghỉ Tết khá dài, chúng tôi chia nhau ra thành các ca trực để ai cũng có thể được nghỉ 1, 2 hôm Tết nhưng chắc chắn bất cứ ai cũng sẽ phải đi làm vào ngày Tết. Riêng bản thân tôi đã có rất nhiều năm đón giao thừa tại bệnh viện rồi. Việc bệnh nhân xông đất bệnh viện cũng là chuyện thường xuyên và bình thường".
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Nhiệt Đới TƯ) cho biết, việc trực vào đêm giao thừa là điều mà bất cứ vị bác sĩ cấp cứu nào cũng từng phải trải qua.
Bác sĩ Cấp cho biết, nhiều lúc đang cấp cứu cho bệnh nhân không kịp nhớ đã bước sang năm mới. Bác sĩ Cấp cho hay: "Các bệnh viện tuyến trên vào ngày Tết lúc nào cũng đông bệnh nhân hơn ngày thường. Dù là ngày nghỉ, chúng tôi vẫn làm quần quật. Nhiều khi mải cấp cứu, các anh em cũng không rõ đã sang năm mới hay chưa, chỉ khi nào tạm nghỉ ngơi mới biết đã sang năm mới".
Có một năm, vào ngày 30 Tết, bệnh viện tuyến dưới gọi lên bệnh viện Nhiệt đới đề nghị nhận khẩn cấp 1 bệnh nhân đang rất nguy kịch, có nguy cơ tử vong cao. Đến 11h đêm, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân này và cứu chữa, công việc cấp cứu kéo dài qua giao thừa và đến 2h sáng mùng 1 Tết thì bệnh nhân đã đỡ hơn một chút.
May mắn là sau gần 3 tuần nằm viện, bệnh nhân này đã qua khỏi. "Nghề của chúng tôi là giành giật sự sống cho bệnh nhân, dù có Tết hay không có Tết, có đón được giao thừa hay không thì công việc cứu chữa vẫn là quan trọng nhất" - bác sĩ Cấp chia sẻ.
Nói về gia đình mình, bác sĩ Cấp bộc bạch: "Hai vợ chồng tôi đều làm nghề y nên thấu hiểu cho nhau trong chuyện công việc. Ngày Tết, không chỉ tôi phải đi trực đêm mà vợ cũng phải thường đảo qua bệnh viện để đôn đốc công việc. Nhiều khi thấy cũng thương con cái ở nhà, muốn dịp giao thừa đưa các con đi xem pháo hoa như các gia đình khác nhưng khó quá". Nói đến đây, giọng bác sĩ Cấp có chút bùi ngùi.
Đối với nhiều bác sĩ trực cấp cứu, được hưởng trọn vẹn kì nghỉ Tết cùng gia đình là điều xa xỉ (Ảnh minh họa)
Ngày Tết cũng bận rộn như ngày thường
Tết đối với bác sĩ Lê Văn Đoàn cùng các bác sĩ khác tại Viện Chấn thương - chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là những ca trực cấp cứu liên tục, không khác gì ngày thường.
"Có những năm tôi đón giao thừa tại bệnh viện, công việc trực cấp cứu tại bệnh viện vào những ngày Tết cũng không có gì thay đổi so với ngày thường. Vì làm nghề y nên cũng quen rồi, cấp cứu nhiều nên cứ thế cuốn vào công việc, nhiều khi cũng quên luôn Tết. Nói chung, đã làm nghề này thì ít ai có thể tận hưởng được dịp Tết trọn vẹn cùng gia đình" - bác sĩ Đoàn cho hay.
Bác sĩ Đoàn cho biết, anh em bác sĩ cũng chia sẻ tâm tư cùng nhau khi trực tại viện vào ngày Tết. Có những người vợ vừa sinh con xong đã phải tức tốc lên viện trực giao thừa, có những người xa bố mẹ nhiều tháng chưa gặp mặt...
Ai cũng mong muốn được về bên gia đình mình vào khoảnh khắc giao thừa nhưng bản thân làm y bác sĩ, phải có trách nhiệm với bệnh nhân.
"Nhiều năm đón giao thừa ở bệnh viện, tôi cũng biết vợ con chịu thiệt thòi nhưng làm nghề y cũng đành phải chấp nhận. Cũng may mắn vì vợ con hiểu được tính chất công việc, nhiều năm qua nên cũng quen rồi. Có thể nói gia đình cũng là hậu phương vững chắc để chúng tôi tiếp tục công việc cứu chữa người bệnh", bác sĩ Đoàn chia sẻ.
Nói về những năm đón giao thừa tại bệnh viện, bác sĩ Đoàn cho biết, bệnh viện luôn tổ chức thăm hỏi bệnh nhân vào ngày Tết. "Bệnh viện có bếp ăn nên nấu đầy đủ bánh chưng, giò chả, giúp người bệnh và người nhà đón Tết cùng nhau. Có những ngày 30, mùng 1 Tết bệnh viện còn cung cấp bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân. Tất cả mọi người đều có thể cùng nhau đón 1 đêm giao thừa tươm tất", bác sĩ Đoàn chia sẻ.
Lương Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất