Ai bảo săn hàng “sale” là giảm độ sành?
2014-12-19 20:42
- Thực ra thì, chữ "sành" gần với chữ "sale" một vần... Bạn có phải một tín đồ săn hàng "sale" không?
Tin liên quan
Vào những ngày cuối năm này, chốn công sở nào dường như cũng thêm nhộn nhịp ríu rít những lời buôn chuyện ngoài lề, các cô gái háo hức khoe quần áo mới, giày dép mới tậu được từ những đợt đại hạ giá khắp đầu đường cuối phố. Ngồi ngoài lề khung cảnh ấy, có một vài cô gái kiêu kỳ ngồi bĩu môi, ngoảnh mặt. Các cô chỉ chuyên mua hàng “full giá”, một khi món hàng nào bị gắn kèm với chữ “giảm giá” là đối với các cô, chúng chẳng còn giá trị gì. Các cô tự đẩy mình lên một tầm đẳng cấp ít người với tới, nhưng lại chẳng biết rằng, các cô cũng bị cộng đồng những tín đồ mua sắm đẩy ra khỏi cuộc vui của thời trang.
Săn “sale” chỉ dành cho cao thủ
Dân mua sắm “lõi đời” thừa kinh nghiệm để hiểu rằng, chẳng dại gì mà lại bỏ tiền mua những món đồ thời trang với giá bán ban đầu của chúng cả. Bất cứ thiết kế nào, từ hàng hiệu đến bình dân, từ mùa đông đến mùa hè, từ “cực kỳ đắt khách” đến “ế chỏng ế chơ”, đều không thể thoát khỏi quy luật “sẽ bị giảm giá chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng sau khi được tung ra thị trường”. Nói cách khác, mức giá bán ban đầu của mỗi món hàng thực chất chỉ là một cách để nhà sản xuất “làm dáng” mà thôi, bản chất món hàng không thực sự có giá trị như vậy. Để phân biệt một tín đồ mua sắm chuyên nghiệp với những kẻ “gà mờ”, bạn sẽ thấy hai phong cách mua sắm hoàn toàn khác nhau.
Những người khờ khạo sẽ ngay lập tức lao vào mua sắm một chiếc áo khi nó vừa được chào bán mà không quan tâm đến mức giá có phi lý như thế nào. Còn những người hiểu biết, họ sẽ chẳng tốn công mặc cả. Nếu chiếc áo đó vừa mắt họ, họ sẽ nhấn nút “Chọn” vào “Giỏ hàng” trên website mua bán, nhưng không đặt lệnh mua ngay, mà sẽ để đó, kiên nhẫn chờ đợi sau vài tuần cho đến khi mức giá giảm xuống ít nhất là 30% mới suy nghĩ đến chuyện có mua hay không.
Cung cách này khiến ta có thể liên tưởng đến… thị trường chứng khoán, có lên và có giảm. Và tất nhiên, giảm bao nhiêu, bao giờ giảm, những quy luật ấy chỉ dành cho những cao thủ thời trang mới nắm bắt được. Sự sành sỏi thực thụ nằm chính trong việc nắm bắt bản chất quy luật giá cả này.
Giảm giá không đồng nghĩa với giảm mốt
Bạn có thể lập luận rằng, xu hướng thời trang thay đổi theo từng giây, và nếu phải đợi một món đồ được giảm giá thì bạn sẽ chẳng thể dẫn đầu xu hướng được nữa. Nhưng trừ khi bạn mới chập chững bước chân vào làng mốt, còn thực sự ai cũng hiểu rằng chân lý này là… sai bét. Bạn càng tìm cách chạy theo xu hướng, bạn càng bị bỏ xa. Những fashionista được ngưỡng mộ trên thế giới, họ không tìm cách bắt kịp xu hướng, mà họ là người dẫn đầu xu hướng, hoặc đi ngược hoàn toàn với xu hướng đang thịnh hành. Nếu bạn chẳng có một gu thẩm mỹ riêng, không có chính kiến phong cách của riêng mình mà chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào những mẫu thiết kế mà các thương hiệu thời trang tung ra, không tiếc bỏ một số tiền lớn để là người đầu tiên có được mẫu váy áo mới nhất, chẳng khác gì bạn đang dùng tiền để bù đắp cho sự thiếu sót trong bản lĩnh thời trang của mình cả.
Những tín đồ thời trang thực thụ thường phải bỏ một khoảng thời gian nhất định để nghiền ngẫm, đánh giá mỗi xu hướng, các bộ sưu tập mới và tự tìm cách chọn lọc những thiết kế phù hợp với mình. Những cái đầu tài hoa nhất sẽ biết cách tận dụng những mẫu giày của mùa trước kết hợp hài hòa với mẫu váy của mùa này để tạo thành một xu hướng mang âm hưởng của năm sau.
Những người thực sự am hiểu về thời trang sẽ biết cách chọn mua những sản phẩm có thể hợp mốt trong nhiều năm, nhất là các thiết kế mang phong cách vintage cổ điển hoặc tối giản, những tông màu trung tính. Sự khác biệt giữa những người luôn lo lắng không mua được đồ “mới tinh” và những người bình tĩnh dạo bước giữa gian hàng “giảm giá” chính là một người luôn lo lắng bị chi phối bởi thời trang, còn người còn lại, họ làm chủ thời trang.
Một thú vui “cảm giác mạnh”
Bạn ghét cảnh bon chen với đám đông, thức khuya, dậy sớm để mua được những món hàng giảm giá? Đối với bạn, nếu túi tiền rủng rỉnh thì việc gì phải làm khổ bản thân như vậy? Nhưng bạn không hề biết rằng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bỏ qua những thú vui khiến bạn càng thêm trân trọng những món đồ mua được. Không phải ai đi mua đồ giảm giá cũng là vì họ tiếc tiền, mà đôi khi chỉ là để cùng trải nghiệm với bạn bè và cộng đồng về những cơ hội ít khi gặp được. Nó giống như khi bạn vào rạp xem phim kinh dị, dù cảnh phim đó chẳng thực sự làm bạn sợ hãi, nhưng bạn vẫn muốn hét thật to cùng với mọi người và sau đó lại cười vang vì thấy thật sảng khoái.
Bạn có thể nghĩ, đi khoe một đôi giày được giảm giá 70% thì chẳng có gì đáng tự hào, nhưng với những cô gái khác, điều đó là một chiến công, một niềm may mắn, một cái duyên mà không phải ai cũng gặp được. Đó sẽ là điều gắn kết các tín đồ mua sắm với nhau, khiến họ trở thành bạn thân, có thể cười nói hàng giờ trong hỉ nộ ái ố. Và mua đồ giảm giá cũng là một cách để sẻ chia. Với số tiền tiết kiệm được, bạn có thể mua thêm cho bố mẹ một món quà, cùng cô bạn cũ ngồi uống café hay có thể ủng hộ chút ít cho những người kém may mắn. Còn với một chiếc áo đắt tiền được bạn mua đúng giá, bạn sẽ nhận được gì ngoài một sự xa cách?
Eve Nguyễn
Ảnh: Style, Fashion
(Theo congluan.vn)
Ảnh: Style, Fashion
(Theo congluan.vn)
Bạn đang theo dõi chuyên đề
Em đẹp chúc bạn & gia đình Giáng sinh ấm áp, Năm mới an lành và Một mùa mua sắm thú vị nhé!
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
'Gà cưng' một thời của Vũ Khắc Tiệp: Người gánh nợ tiền tỷ cho mẹ ruột, kẻ sung túc bên chồng đại gia