Chồng bị bạo hành vẫn 'bào chữa' cho vợ

Phạm Quyên 2016-09-18 06:00
- Không ít lần ông chồng "cắn răng chịu đựng" bị vợ hành hạ về thể xác, tinh thần hay tình dục.

Bị vợ đánh, bỏ đói, phải ngủ ngoài đường

Sinh ra trong gia đình nghèo đông con ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, ông N.V.Đ (56 tuổi, Uông Bí, Quảng Ninh) không được ăn học đàng hoàng. 16 tuổi, ông ra Uông Bí, Quảng Ninh làm phụ hồ rồi kết hôn với bà D - người kém ông 10 tuổi, đã có một con gái riêng. Sau khi lấy nhau, hai người không có con chung. 
Thời con trẻ, còn sức khỏe, hàng ngày ông vẫn kiếm đủ tiền mang về cho vợ. Cuộc sống trong căn nhà cấp bốn nhỏ diễn ra êm đẹp, hai người rất ít xảy ra va chạm. Nhưng kể từ khi ông bị trúng gió do một lần uống rượu, tuy không phải nằm liệt giường, nhưng sức khỏe giảm sút đáng kể.
Công việc phụ hồ nặng nhọc không còn thích hợp nữa. Ông chỉ có thể đi bộ lang thang khắp đầu đường ngõ xóm nhặt nhạnh những thứ bỏ đi bán kiếm vài đồng. Hầu như ngày nào ông cũng kiếm được ít tiền mang về đưa vợ. Nhưng như thế không đủ để vợ ông hài lòng. Kể từ đó, ông bắt đầu bị vợ mắng chửi, xỉ vả. 

Chồng bị bạo hành vẫn 'bào chữa' cho vợ

Ông Đ là nạn nhân "đặc biệt" của bạo lực gia đình.

Vợ ông buôn bán ở chợ, thường hay ngồi cờ bạc đến muộn mới về. Hôm nào may mắn không sao, hôm nào "bị đen", bà lại lấy ông ra "trút giận". 
"Đồ đàn ông vô dụng, thằng ăn bám, cút đi cho khuất mắt tao" - tiếng mắng chửi của bà dường như đã quá quen thuộc với hàng xóm láng giềng.
"Mỗi khi nghe tiếng bà quát tháo, chúng tôi hiểu rằng bà ta mới thua bạc, và hôm đó ông Đ sẽ bị bỏ đói, ngủ ngoài đường. - bà H., hàng xóm của ông Đ kể.
"Không chỉ mắng chửi thôi đâu, thỉnh thoảng ông ấy còn bị vợ đánh nữa. Hỏi thì ông ấy vẫn giấu, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi thấy mặt ông ấy sưng, mắt có quầng tím" - bà P. kể thêm.

Vẫn bào chữa cho vợ

Hàng xóm đều ái ngại cho hoàn cảnh ông Đ, tuy ông mới hơn 50 nhưng nhìn thân già tiều tụy, gầy gò chẳng khác nào ông lão 70.
Khi PV báo Emdep.vn hỏi ông có biết mình đang là nạn nhân của bạo hành gia đình không, ông lắc đầu. Ông Đ nói: "Tại tôi vô dụng, tôi không nuôi nổi thân mình, nói chi là vợ. Bà ấy giận là phải thôi... Nếu tôi không uống rượu để bị bệnh, thì bà ấy cũng đâu có thế. Vả lại, chỉ trừ những hôm bà ấy thua bạc giận lây sang tôi, còn bình thường bà ấy vẫn đối xử với tôi tốt lắm".
Vì thế, dù bị vợ bạo hành nhưng ông Đ từ chối ly hôn hay kiện vợ ra toà như lời khuyên của mọi người. Vừa lau nước mắt ông vừa nói: "Đến từng này tuổi rồi, còn đưa nhau ra tòa làm gì nữa. Tôi không có con cái gì, bỏ bà ấy, lúc ốm yếu thân già lọm khọm biết phải làm sao".
Câu chuyện cuộc đời ông Đ chỉ là một trong số rất nhỏ những câu chuyện về người chồng bị vợ hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần đôi khi vẫn thấy trong cuộc sống quanh ta.
Cuối năm 2013, Viện Khoa học xét xử, Tòa án Nhân dân Tối cao công bố, tại Việt Nam, tỷ lệ ly hôn do vợ đánh chồng là 0,6%, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ ép chồng quan hệ tình dục là 1,6%.
Tuy nhiên, con số này được cho là phản ánh chưa đầy đủ. Bởi theo những nhà phân tích xã hội và tâm lý học, đa phần đàn ông thường sĩ diện và có xu hướng giấu diếm chuyện bị vợ bạo hành.
Biểu hiện của bạo hành đa phần là mắng chửi, hạ thấp uy tín chồng trước mặt mọi người, và cấm vận chuyện quan hệ vợ chồng. Không ít những đấng mày râu bị vợ thượng cẳng chân hạ cẳng tay trước mặt con cái. Lý do thì muôn vàn, nhưng thường xuất phát từ việc phụ nữ gánh trách nhiệm kinh tế trong gia đình cao hơn.
Nói về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Vũ Văn Bách - Văn phòng tư vấn hôn nhân và gia đình, Uông Bí, Quảng Ninh cho biết: "Trong gia đình, dù là vợ hay chồng, đều có quyền bình đẳng như nhau. Bất cứ hành động nào gây tổn thương đến thể xác tinh thần của đối phương đều đáng bị xã hội lên án, tẩy chay".
Phạm Quyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vì sao bạn phải đến Đài Loan một lần trong đời?